- “Thuở trung học, hễ cứ rảnh ra buổi nào là cháu đi vác gạch thuê, kiếm thêm thu nhập để trang trải việc ăn học” - bà Trung Thị Hà, mẹ PV Đinh Hữu Dư trải lòng.
Nằm sâu trong con ngõ đường Xuân Thành, P. Xuân Thành (TP Ninh Bình), căn nhà nhỏ của gia đình PV Đinh Hữu Dư phủ màu tang thương, hàng trăm người dân, bạn bè tập trung từ đầu ngõ rất sớm để được thắp cho anh nén tâm nhang.
Cả khu phố ai nấy đều đau buồn, không ai dám tin một người ngoan hiền, lễ phép, và giàu nghị lực như anh Dư lại gặp nạn rồi vĩnh viễn ra đi khi mái đầu con xanh như vậy.
Số nhà 29 - trùng với tuổi mất của PV Dư |
Tuổi thơ nhọc nhằn
Bên trong góc phòng nhỏ, bà Trung Thị Hà, mẹ của anh Dư kiệt sức không thể gượng người đứng dậy, đôi mắt người mẹ hiền hướng nhìn qua ô cửa sổ, nơi tổ chức lễ viếng và đặt di ảnh của cậu con trai xấu số.
Bà Hà nhớ lại tuổi thơ cùng cậu con trai ngoan hiền: “Từ lúc sinh ra, cháu là người ít nói, cũng rất ít khi thổ lộ tình cảm với bố mẹ, có chuyện gì buồn hay vui cháu đều giữ kín trong lòng”.
Ít ai có thể ngờ rằng, để có một PV trẻ Đinh Hữu Dư rắn rỏi, bản lĩnh, say nghề cho đến lúc bị dòng nước hung dữ cướp đi sinh mạng anh đã trải qua một tuổi thơ đầy gian truân, vất vả.
Anh bắt đầu cuộc sống tự lập từ nhỏ. Thời gian bố mẹ đi làm ăn xa, anh sống trong căn nhà nhỏ đơn sơ vẻn vẹn 9m2 với bà nội. Dư khi ấy mới lên 7. Buổi sáng đi học, chiều nghỉ tranh thủ đi bốc vác gạch thuê ngay trong làng kiếm tiền ăn học.
Vất vả là vậy, nhưng chưa bao giờ bà Hà thấy con than phiền nửa lời cũng như chưa thấy Dư kêu mệt mỏi.
“Mỗi lần hỏi han con có mệt không, cháu chỉ cười mỉm và lắc đầu không sao” – bà Trung Thị Hà nhớ lại.
Ước mơ dang dở…
Theo lời kể bà Hà, niềm mơ ước của Dư là được đi học, cháu học ngày đêm không biết mệt để mong muốn được thi đỗ vào trường chuyên trong tỉnh để hoàn thành những giấc mơ thuở nhỏ.
Cô giáo chủ nhiệm lớp 9 của Dư |
Căn nhà thuở nhỏ của PV Đinh Hữu Dư |
“Có đêm tôi thấy con tự dùng một sợi dây buộc tóc lên song cửa, để mỗi khi ngủ gật sẽ tỉnh rồi tiếp tục ôn luyện, cứ thế cháu thi đỗ nhiều giải học sinh giỏi của tỉnh, của thành phố” – bà Hà nói .
Chia sẻ về ước mơ của anh Dư, mẹ anh không cầm được nước mắt: “Từ những năm lên cấp ba, có lần cháu nói sau này muốn được trở thành nhà báo. Rồi tự thân cố gắng...”.
“Tôi đã khuyên cháu rất nhiều lần, rằng con hiền lành, nhỏ nhẹ phù hợp làm thầy giáo hơn thay vì làm báo nhiều nguy hiểm, gian khổ. Nhưng vì yêu thích, cháu vẫn kiên định đi theo nghề báo rồi cũng vì nghề mà vĩnh viễn không trở lại với gia đình” – bà Hà tâm sự.
Cô Đinh Thị Kim Yến, giáo viên ngữ văn, trường THCS Ninh Thành chia sẻ: “Trong suốt cuộc đời 32 năm làm nghề giáo, Dư là học trò để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất”.
Kể về cậu học trò cũ, cô Yến tâm sự: “Tôi ấn tượng nhất với em là nụ cười, lúc nào em cũng cười mỉm. Kể cả những khi trên lớp có sơ suất gì khiến cô nhắc nhở nhưng em vẫn mỉm cười, gãi đầu rồi nhận lỗi rất nhẹ nhàng”.
Cô kể, cậu học trò nghèo Đinh Hữu Dư là một trò ham học, sống chan hòa với bạn bè và có sở thích đặc biệt với môn ngữ văn. Cũng không lấy làm lạ khi ngay từ lớp 6, Dư là bạn nam duy nhất lọt vào đội tuyển văn đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, kì thi ấy Dư được giải 3 toàn tỉnh.
Dù ra trường nhiều năm, nhưng không năm nào cậu học trò Dư quên về thăm hoặc gọi điện hỏi han cô thầy vào những dịp lễ tết, ngày nhà giáo Việt Nam.
Đôi mắt cô giáo chủ nhiệm của Dư đỏ hoe khi nhớ lại dịp 20/11 năm ngoái khi cậu học trò gọi tên ngoài cửa: “Hôm đó, Dư muốn làm tôi bất ngờ nên lẳng lặng về mà không báo trước, vì lâu không gặp gỡ nên hai cô trò tâm sự đủ chuyện từ công việc đến yêu đương”.
“Trước lúc ra về, Dư tặng tôi một món quà đặc biệt mà đến giờ tôi vẫn nâng niu, cất giữ. Đó là 3 chiếc khăn quàng cổ, một chiếc khan khăn mỏng em nhắn tôi dùng vào những đêm hè gió se se lạnh...".
“Đến bây giờ khi em đã mãi mãi ra đi nhưng trong tôi, Dư luôn luôn là cậu học trò nhỏ của cô Yến" - cô Yến nói trong nước mắt.
Bữa cơm cuối
Nhớ lại lần gần nhất con trai về thăm nhà, bà Hà nghẹn ngào: “Rằm tháng 7 vừa rồi cháu có về nhà thăm, nó mua nhiều hải sản để làm tiệc mời một số người đến quay quần bên mâm cơm. Bữa cơm đó là bữa cuối tôi được nhìn và gắp cho con ăn”.
Bà Hà cho biết: “Mới mấy bữa trước nó gọi điện về hỏi thăm sức khỏe tôi, nó còn dặn dò rằm trung thu này về sẽ mua quà cho đứa cháu mới lớn. Rồi nó còn tâm sự rằng trên Yên Bái có mưa lũ lớn, không thể về đợt tháng 7 được. Nó hứa với tôi bao nhiêu thứ. Nó còn chưa cho tôi đứa cháu nội mà cứ thế bỏ mặc tôi mà đi”.
Từ ngày nghe tin anh Đinh Hữu Dư gặp nạn, cả gia đình và hàng xóm vẫn luôn nuôi hy vọng Dư sẽ bình an trở về.
Bà Trung Thị Hồng chia sẻ: “Từ ngày nghe tin Dư mất tích, họ hàng nội ngoại kéo nhau lên tận Yên Bái để tìm kiếm, nghe ngóng tin tức. Ba ngày liên tiếp, cả gia đình đi bộ hàng chục cây số ven song tìm kiếm và cầu mong điều kỳ diệu có thể xảy ra”.
Thế nhưng, dòng nước lũ cuộn cuộn đã khiến anh mãi mãi ra đi khi tuổi đời xanh trẻ, khi đam mê viết báo đang độ sung sức nhất.
Nhớ Dư, cậu lớp phó 'gàn dở' nhất mà tôi biếtDư của chúng tôi. Cậu lớp phó học tập hiền lành nhất, tử tế nhất, hoài bão nhất, tự trọng nhất và cũng “gàn dở” nhất mà tôi từng biết. Đưa thi thể phóng viên Đinh Hữu Dư về quê trong đêmChánh văn phòng UBND tỉnh Yên Bái thông tin với VietNamNet, đêm nay, thi thể phóng viên Đinh Hữu Dư sẽ được đưa về Ninh Bình an táng. Sập cầu, 1 phóng viên bị lũ cuốn trôi ở Yên BáiPhó chủ tịch thị xã Nghĩa Lộ xác nhận một phóng viên thường trú của TTXVN tại Yên Bái bị lũ cuốn khi đang tác nghiệp tại cầu Thia. |
Đoàn Bổng-Trần Thường