Hội thảo Đầu tư BĐS với chiến lược phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh vừa được tổ chức tại Quảng ninh. Trao đổi về cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, kinh nghiệm khai thác hạ tầng du lịch, lợi thế của Vân Đồn, hội thảo đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường BĐS Quảng Ninh gắn với phát triển du lịch.
Tiềm năng lớn
Theo ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, với Di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Khu di tích - danh thắng Yên Tử, hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh…, Quảng Ninh là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch nổi trội và đặc sắc nhất cả nước. Đây là lợi thế để Quảng Ninh phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2017, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 10 triệu lượt, tăng 18% cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt hơn 4,28 triệu lượt tăng 23%; tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 17.885 tỷ đồng, thu ngân sách từ dịch vụ du lịch ước đạt 2.103 tỷ đồng...
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai các quy hoạch chiến lược, thực hiện 3 khâu đột phá: Hạ tầng - công nghệ - nhân lực. Triển khai thực hiện các dự án trọng điểm hạ tầng giao thông, từ đó thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư nhiều dự án lớn, xây dựng các khu nhà ở, khu đô thị, khu lưu trú, khu dịch vụ phục vụ người dân và đáp ứng yêu cầu du khách đến thăm quan.
Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, BĐS và du lịch cũng đã từng bước phát triển ổn định, bền vững; nhiều dự án BĐS du lịch của các tập đoàn, các nhà đầu tư chiến lược được đầu tư chất lượng và đồng bộ, đã góp phần thay đổi diện mạo bộ mặt đô thị, thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp và du khách đến với Quảng Ninh.
Vân Đồn - điểm đến của các nhà đầu tư
Quảng Ninh xác định nguyên tắc và mục tiêu phát triển của đơn vị Hành chính - Kinh tế (HC-KT) đặc biệt Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN.
Nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, Quảng Ninh đã báo cáo đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua đề án thành lập đơn vị HC-KT đặc biệt với một số điểm chính sau:
Về môi trường đầu tư kinh doanh, thu hẹp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ những hạn chế về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển; quy định việc tích hợp thủ tục hành chính và thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, xuất nhập khẩu, hải quan, lao động... tại trung tâm hành chính công theo cơ chế một cửa liên thông và qua hệ thống mạng trực tuyến.
Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở và những chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới, nhằm thu hút đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển..., với tổ chức và hoạt động chính quyền được tổ chức theo hướng đổi mới căn bản cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền đơn vị HC-KT đặc biệt.
Thúc đẩy BĐS du lịch Quảng Ninh cất cánh
Có nhiều lợi thế để phát triển du lịch bền vững, tuy nhiên Quảng Ninh vẫn thiếu những sản phẩm BĐS du lịch cao cấp và các dịch vụ trên bờ, du lịch Quảng Ninh vẫn cơ bản hoạt động theo mùa.
Theo các chuyên gia, giới đầu tư, Quảng Ninh nên đánh giá, khảo sát nhu cầu thực, xu hướng phát triển du lịch và BĐS du lịch nhằm điều chỉnh lượng cung-cầu, đưa ra chiến lược phát triển phù hợp.
Đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, Quảng Ninh phải có chiến lược cụ thể để quảng bá hình ảnh du lịch; xây dựng Vân Đồn trở thành du lịch biển đảo của Việt Nam. Quảng Ninh cần có sự tham gia của các thương hiệu kinh doanh lớn trên thế giới tham gia vào sự phát triển của Vân Đồn để thu hút khách quốc tế.
Trong lĩnh vực du lịch khách sạn cần ưu tiên cho các dự án có thương hiệu quản lý quốc tế đi kèm để nhanh chóng nâng cao tầm của đặc khu kinh tế. Bên cạnh việc quảng bá các đặc sản của địa phương, cũng cần có chính sách nhập khẩu ưu tiên đặc biệt đối với những thương hiệu quốc tế...
Theo đại diện Tổng cục du lịch, Quảng Ninh cần đầu tư đồng bộ hạ tầng về đường sá, giao thông và vui chơi giải trí, làm đường giao thông, cảng biển. Tỉnh nên cho phép áp dụng nhiều hình thức đầu tư để thu hút vốn theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo tôn trọng quy hoạch du lịch được duyệt, đặc biệt là tiêu chuẩn quản lý du lịch.
Tại hội thảo, tỉnh Quảng Ninh đề nghị cộng đồng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, nghiên cứu các cơ hội, các dự án đầu tư tập trung vào dự án tư BĐS nghỉ dưỡng gắn với các cơ sở lưu trú theo mô hình đa dạng loại hình BĐS; phù hợp từng dự án cụ thể, đáp ứng được các nhu cầu của người dân và du khách đến với Quảng Ninh. Ngoài ra, cần thông qua các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tư vấn… để quảng bá và kết nối đầu tư, kinh doanh, định vị BĐS du lịch Quảng Ninh.
Hội thảo Đầu tư BĐS với chiến lược phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh là một trong những hoạt động thiết thực, cụ thể, tiếp tục khẳng định quyết tâm và các cam kết kiên trì đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh BĐS và phát triển du lịch của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển với phương châm "Sự thành công của doanh nghiệp là hạnh phúc của chúng tôi".
Phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, trở thành địa bàn động lực, một trong những tỉnh đi đầu trong tăng trưởng kinh tế xanh của cả nước.
M.M