- Các DN 100% vốn tư nhân của Việt Nam ít quan tâm đến hoạt động kiểm soát gian lận nội bộ, cũng như gian lận từ các đối tác.

Đây là một phần kết quả về khảo sát thực hành liêm chính trong kinh doanh vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.

Các ngành hàng da giày, ngân hàng, chế biến lương thực, thực phẩm có tần suất bị các cơ quan Nhà nước như thuế, Hải quan... gây khó khăn cao nhất.

kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ 55% số DN nhận thức đầy đủ và hiểu đúng về liêm chính trong kinh doanh. Theo các DN này, liêm chính phải gắn liền với các nguyên tắc, chuẩn mực về đạo đức và quy phạm pháp luật, tạo ra rào cản đối với nạn tham nhũng, hối lộ.

{keywords}

Tuy nhiên, điều đáng chú ý, chỉ có 29% DN cho biết đã triển khai chính sách về liêm chính. Còn lại 60% cho biết chưa triển khai chương trình liêm chính tổng thể, nhưng đã triển khai các chính sách và quy định trong nội bộ DN như kiểm soát chi tiêu, thực hiện cơ chế báo cáo...

Các quy định về mua sắm, đấu thầu, luân chuyển cán bộ, tặng quà và nhận quà, khiếu nại, tố cáo… vẫn chưa được nhiều DN thực hiện. Trên 50% số DN mới chú trọng triển khai tới các quy định như kiểm soát nội bộ, tuyển dụng đào tạo, đề bạt, chế độ đãi ngộ, tiếp khách. Đặc biệt các DN 100% vốn tư nhân của Việt Nam ít quan tâm đến hoạt động kiểm soát gian lận nội bộ, cũng như gian lận từ các đối tác.

Đánh giá chung của báo cáo khảo sát là các DN Việt Nam chưa thực hiện và thực hiện chưa thành công chương trình liêm chính so với các công ty đa quốc gia. Mối nguy hại lâu dài của việc đánh mất sự liêm chính trong kinh doanh là gì, nhiều khi không được các ông chủ DN đặt ra với chính mình, bởi họ còn quá bị áp lực vào bài toán lợi nhuận.

Trước đó, VCCI đã tiến hành một khảo sát, cho thấy một thực trạng đáng báo động, có 68% DN tư nhân được hỏi thừa nhận, phải chi trả hoa hồng để có hợp đồng với DN Nhà nước. Trong số 68% DN đó, có tới 70% thừa nhận hành động hối lộ của mình là do tự nguyện, chủ động. Ngoài ra, có tới 60% cho rằng, chi phí không chính thức khá tốn kém cho DN và 57% cho rằng chi phí không chính thức tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các DN.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, tại Việt Nam, phí và thuế chiếm tới 40,8% trong số tổng lợi nhuận DN. Các DN phải chịu rất nhiều loại thuế, phí mà không thể kiểm soát được. Tiền bôi trơn thường chiếm từ 0,72-1,02% lợi nhuận của DN Việt Nam. Như vậy, DN làm sao có thể phát triển được.

Theo các chuyên gia kinh tế, hệ quả của sự thiếu minh bạch và thiếu yếu tố thực hành liêm chính trong kinh doanh chính là các nguyên tắc vận hành của nền kinh tế bị phá vỡ và dần hình thành những thói quen kinh doanh bất chính, làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các DN và của nền kinh tế.

Trần Thủy