"Đồ đập đá": Những cuộc giao dịch chớp nhoáng
Vốn có thâm niên làm dân chơi, cũng như đã không ít lần đưa tôi "giáp mặt" các cuộc ăn chơi, thác loạn, T. "gà" (nhân vật đã hơn một lần được đề cập đến trong loạt bài về hiểm họa ma túy tổng hợp cách đây không lâu) đã nhận lời đưa tôi đến những nơi… cần đến.
Đúng hẹn, chiều 17/11, tôi đón T. tại một con ngõ nhỏ nằm trên trục đường ven Hồ Tây (quận Tây Hồ - Hà Nội). Thấy tôi, T. lắc đầu nguây nguẩy: "Ăn vận như thế không đi mua "đồ" (dụng cụ "đập đá" - PV) được đâu anh ạ".
Nói rồi, T. lý giải, hiện các "đầu nậu" kinh doanh "đồ đập đá" rất tinh ranh, nếu nhác thấy khách hàng lịch sự, diện mạo không có gì là dân chơi thì có các thêm tiền triệu, số đối tượng này cũng không cung cấp "hàng".
18h, trong dòng phương tiện đang hối hả, cố vượt khỏi điểm ùn ứ - ngã tư Giảng Võ - Láng Hạ thì nơi phía góc con đường Đê La Thành vẫn lố nhố đám thanh niên choai choai đứng ngồi không yên.
Chốc chốc vài thanh niên tay vằn vệt "bức họa" xanh lét - cách nói của giới trẻ về việc xăm hình trên cơ thể lại "choạch choạch" về số, quẹo tay lái, táp vào một cửa hàng kinh doanh gas, bật lửa ở nơi đây. "Nguồn cung đó anh!", T. bật mí.
“Đồ đập đá" bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ (Ảnh: DT) |
Vừa thấy chúng tôi, chị chủ đang ẵm đứa con nhỏ vội "ném" ánh mắt dò xét về phía tôi như thể nghi ngại điều gì đó. "Cho một bộ "coóng" bà chị!", với cái giọng đậm chất dân ngầu, T. nói. Lúc này, không biết do T. là khách quen hay là do lợi nhuận trước mắt mà chỉ độ vài phút sau, ánh mắt dò xét của chị chủ này ngưng hẳn. "70 khìn (tức 70 ngàn đồng)". "OK!". Nhận số tiền từ T., chị chủ ngoái đầu về phía sau, nơi có người phụ nữ tuổi ngoài 40 đang ngồi.
Có lẽ do đã ám hiệu với nhau từ trước, nên người phụ nữ này thao tác nhanh nhẹn, lôi từ dưới chiếc kệ ra một chiếc phong bì được dán kín rồi đưa nhanh cho T., đính kèm là ánh mắt dò dẫm xem bên ngoài có "biến" hay không. "Ok rồi", T. cười mỉm rồi ra hiệu cho tôi cùng lên xe ra về…
Hóa ra công đoạn giao dịch "đồ đập đá" đã được hoàn tất. Chiếc "coóng" phục vụ cho mục đích sử dụng ma túy "đá" nằm lọt thỏm trong chiếc phong bì trên. Cuộc mua bán diễn ra thật chớp nhoáng, với thời lượng chưa đầy 5 phút (!).
Trước sự xâm lấn của ma túy tổng hợp, dịch vụ cung cấp "đồ đập đá" dường như tỷ lệ thuận theo vấn nạn này. Gần đây, số đối tượng chuyên cung cấp dịch vụ dạng này không chỉ tổ chức mua bán, chào "hàng" qua các mối thân quen mà còn công khai rao bán trên một số trang mạng internet. Chỉ cần search trên trang tìm kiếm Google từ khóa "bình đập đá", ta dễ dàng có được một số đường link dẫn tới địa chỉ các trang web rao bán thứ dụng cụ nguy hại này.
Lần theo một địa chỉ trên mạng, tôi có được số điện thoại: 0127881xxxx. Chủ nhân số điện thoại này và cũng là người đã công khai rao bán "bình đập đá" của mình có giá 2 triệu 500 ngàn đồng cho hay, loại bình thủy tinh có kiểu dáng bề ngoài tựa như một con trâu có giá hơn 2 triệu trên được "xách tay" từ nước ngoài về.
Theo các dân chơi ma túy tổng hợp - "đập đá" thì bên cạnh hoạt động công khai rao bán trên mạng, một số "đầu nậu" hiện thường kiêm cả việc bán ma túy "đá" lẫn "đồ đập đá". Thông thường giá một chiếc "coóng" dao động từ 70 ngàn đồng - 90 ngàn đồng, "bình đập đá" là 150 đến 300 ngàn đồng (đối với hàng không có kiểu dáng cầu kỳ).
Song khi được các "đầu nậu" đem đến tận nơi mà dân chơi tập kết, tổ chức sử dụng ma túy sẽ tăng thêm 40 ngàn đồng - 60 ngàn đồng/bộ "coóng" - bộ "bình đập đá" thậm chí còn lên đến cả 100 ngàn đồng - 150 ngàn đồng/bộ.
Tiếp tay cho dân chơi: Con đường vào vòng lao lý
Vì tư lợi, nhiều đối tượng đã lao vào "sóng ngầm" mang tên… "đồ đập đá" mà không biết rằng, hậu quả kéo theo là rất khôn lường. Nó không chỉ tiếp tay cho dân chơi lao vào những cuộc chơi trác táng, làm băng hoại nhân cách một bộ phận dân chơi là giới trẻ mà đó còn là con đường ngắn nhất để đưa bản thân - vướng vào vòng lao lý.
Trung tá Trần Hữu Viễn - Đội trưởng Đội 4, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (CATP Hà Nội) cho biết, thời gian qua, đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng đã phát hiện một số vụ buôn bán "đồ đập đá" - dụng cụ phục vụ cho việc sử dụng ma túy "đá" với số lượng lớn.
Các đối tượng buôn bán "đồ đập đá" bị xét xử ở TP Hà Nội (Ảnh: DT) |
Điển hình, mới đây, qua mật phục, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp với Công an phường Thành Công (quận Ba Đình - Hà Nội) đã bắt quả tang Nguyễn Thị Đông, 32 tuổi, ở phường Thành Công đang có hành vi bán "đồ đập đá" - dụng cụ sử dụng ma túy cho một nam thanh niên nhà ở quận Đống Đa - Hà Nội.
Tang vật thu giữ gồm 2 "coóng" thủy tinh có độ dài khoảng 16cm, 6 ống hút nhựa cùng một bật lửa gas. Tiến hành kiểm tra hành chính tại khu vực giao dịch này, tổ công tác còn thu giữ thêm 335 "coóng" thủy tinh, 150 ống nối thủy tinh, 350 bật lửa khò…
Qua khai thác nhanh, tối cùng ngày, lực lượng Công an bất ngờ kiểm tra hành chính nơi ở của Nguyễn Thị Hồng, 21 tuổi (em dâu của Đông). Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an phát hiện Hồng đang có hành vi tiêu hủy 30 "coóng" thủy tinh.
Mở rộng kiểm tra trong vụ việc này, lực lượng chức năng còn phát hiện thu giữ thêm hơn 400 "coóng" thủy tinh, 11 bình "ục", 570 ống nối được làm từ thủy tinh v.v… Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận do không có công việc ổn định nên đã kinh doanh "đồ đập đá" phục vụ dân chơi kiếm lời.
Qua tiếp xúc với nhiều dân chơi cũng như dân kinh doanh "đồ đập đá", để che mắt lực lượng chức năng, số "đồ đập đá" luôn được các đầu nậu ngụy trang bên ngoài bằng những chiếc túi xách, ba lô, túi ni lông tối màu với kích thước rộng (nhằm tránh va đập). Thậm chí còn ngụy trang cả phong bì thư (đối với dụng cụ là "coóng") như tại khu vực góc đường Đê La Thành mà tôi "mục kích" thực tế là một ví dụ.
Chưa hết, linh hoạt hơn, các "đầu nậu" còn sử dụng cả đội ngũ "làm công" bất luận già hay trẻ để đem "hàng" đến các điểm dân chơi đang có nhu cầu sử dụng. T. "gà" cho hay, đây cũng chính là một trong những quái chiêu nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng, lẽ vì ít ai nghĩ rằng người già (hoặc trẻ nhỏ) lại có thể tham gia vào các đường dây vận chuyển hàng nguy hại này.
Và cũng theo bật mí của một số "phu đập đá" (từ ám chỉ dân sử dụng ma túy đá - PV), "bình đập đá" hay "ục đập đá", ống nối thủy tinh có thể thay thế được bình nhựa tự chế, song một vật bất ly thân với số "bình đập đá" kể cả thủy tinh lẫn nhựa tự chế đó chính là "coóng".
Loại "coóng" này được thiết kế khá chuyên biệt, nó có kiểu dáng hình cầu có công năng đựng "đá". "Đá" đựng trong này rồi, dân chơi sẽ dùng bật lửa gas - khò để nung nóng tạo ra làn khói "chết người" chui vào trong bình, qua đường ống hút dẫn vào cơ thể người hít.
Cũng chính vì thế, nếu như không có "coóng" thì dân chơi khó có thể biến ma túy "đá" từ dạng tinh thể thành khí đưa vào cơ thể được. Do vậy việc chặn đứng "sóng ngầm" mang tên… "đồ đập đá" là rất cần thiết.
Theo đánh giá của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội cho
thấy, chỉ tính riêng trong đợt cao điểm từ ngày 30/7 đến 30/8/2011, lực
lượng CSĐT tội phạm về ma túy (CATP Hà Nội) đã xử lý hình sự 394 vụ, bắt
461 đối tượng. Trong đó tang vật thu giữ gồm 14 bánh heroin + 670,402
gam heroin; 114 viên + 203,92 gam ma túy tổng hợp; 42.395 gam ketamine;
60,419 gam methaphetamine… cùng hơn 2.000 dụng cụ sử dụng ma túy (758
"coóng" thủy tinh; 1.221 ống thủy tinh; 300 ống hút…). Điều 196, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định, người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm; còn nếu hành vi có tổ chức, tái phạm nguy hiểm… thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Theo ANTĐ