Đánh thức tiềm năng

PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ, cho rằng, trong suốt 20 năm vừa qua, thị trường chỉ tập trung vào phát triển ở du lịch biển, trong khi du lịch miền núi chưa được khai thác nhiều, vì vậy còn rất nhiều tiềm năng.

Đánh giá về thị trường du lịch nghỉ dưỡng Hoà Bình, ông Chung cho rằng, Hoà Bình có nhiều lợi thế, như giao thông thuận tiện với Đại lộ Thăng Long, hay đường Hồ Chí Minh; có điều kiện tự nhiên như nguồn nước khoáng Kim Bôi hay Mỹ Hảo. Ngoài ra, nền văn hóa Mường ở địa phương cũng đầy tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch. Hồ Hòa Bình là lợi thế không phải địa phương nào cũng có, hứa hẹn giá trị rất lớn về du lịch.

“Hoà Bình là điểm đến vô cùng tiềm năng trong tương lai. Tỉnh còn được ví như 'của để dành' và đã đến lúc được khai thác, phát huy những giá trị, ưu thế sẵn có”, ông Chung nêu ý kiến.

{keywords}
Nghỉ dưỡng Hoà Bình thiếu nhiều dự án đồng bộ

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Lộc Sơn Hà Land, đánh giá, nghỉ dưỡng Hòa Bình phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Rất khó để tìm thấy 1 villa triệu đô được bán ra tại Hòa Bình. Chưa có nhiều DN lớn "nhảy" vào thị trường này. Câu hỏi đặt ra là “nút thắt” nào khiến một nơi có sức hấp dẫn lớn như vậy lại không thu hút được nhiều nguồn đầu tư?

Mặc dù vậy, giá đất tại nhiều khu vực Hoà Bình gần đây đã tăng mạnh. Dẫn một số báo cáo nghiên cứu, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho hay, có vùng giá đất tăng tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc,... giá đất các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Hòa Bình đã thu hút sự quan tâm, triển khai các dự án quy mô của những doanh nghiệp lớn trên thị trường như: Vingroup, Sun Group, An Thịnh, Apec Group, Công ty Địa ốc Sài Gòn, Beru Group, Công ty Archi Reenco Hòa Bình,...

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL Hòa Bình, có trên 72 dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch còn hiệu lực, chiếm 12,2% tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 20.000 tỷ đồng. 

Hòa Bình đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt từ 9% trở lên; tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án trong nước đạt khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là quyết tâm lớn và là cơ sở vững chắc để thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có cơ hội bứt phá.

Bài học từ sự phát triển của Sa Pa

Theo các chuyên gia, trong tương lai, Hoà Bình muốn trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần cho người dân Thủ đô và xa hơn là du khách quốc tế, chắc chắn phải phát triển các quần thể, các khu nghỉ dưỡng sinh thái kiểu mẫu trong một quy hoạch tổng thể. Từ đó, đưa Hòa Bình trở thành địa điểm nghỉ ngơi kết nối trọn vẹn với thiên nhiên, vừa có hệ thống tiện ích cao cấp, chăm sóc sức khoẻ.

Từ bài học của Sa Pa, ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh, cho hay, Hoà Bình sẽ rút kinh nghiệm về sự phát triển du lịch tại đây.

{keywords}
Tiềm năng nghỉ dưỡng Hoà Bình rất lớn

Ông dẫn chứng, tại Mai Châu, tỉnh đang áp dụng hình thức du lịch cộng đồng phát triển. Nhiều khu resort tại Hòa Bình phải dựa vào bản sắc, văn hóa để phát triển bền vững. Trong Nghị quyết của tỉnh có nêu rõ việc phát triển bền vững, giữ gìn cảnh quan, thiên nhiên nên các nhà đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng cần tuân thủ quy định chung. Xây dựng môi trường phát triển bền vững cần phải gắn với bảo vệ môi trường. 

Theo ông Đoàn Tiến Lập, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hoà Bình), tỉnh được Chính phủ phê duyệt quy hoạch phân khu rất rõ ràng. Ngoài ra, cơ cấu sử dụng đất tại Hòa Bình còn rất ít, mật độ chỉ 16-18% nên việc phá vỡ cảnh quan như Sa Pa khó xảy ra.

Sáng kiến của Sở Xây dựng là thành lập tổ công tác giải phóng mặt bằng hỗ trợ công tác này cũng đã đạt hiệu quả. Kể cả hành lang pháp lý, thủ tục đầu tư, thủ tục xây dựng, vướng ở đâu đều được ban chỉ đạo của Hòa Bình xem xét, giải quyết vào ngày 20 hằng tháng, do đó về vấn đề pháp lý các nhà đầu tư không cần phải lo lắng.

Kiến nghị giải pháp, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, kết nối hạ tầng của tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa, tốt hơn để thu hút đầu tư lớn hơn. Tỉnh có lợi thế đặc biệt là phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, tuy nhiên, địa phương cần phải chủ động nghiên cứu, xem xét, đầu tư thêm các cơ sở vật chất, tiện ích, dịch vụ hỗ trợ.

"Nếu Hòa Bình cởi mở, chắc chắn những 'con đại bàng lớn' sẽ kéo về đây để phát triển kinh tế, trong đó có bất động sản và tất yếu giá bất động sản cũng được đẩy lên cao hơn nữa", ông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CTCP Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô, lưu ý, vấn đề đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp chung tay cùng địa phương phát triển bền vững. Nếu chúng ta bảo vệ vốn tự nhiên, đó mới là yếu tố cốt lõi, giá trị bền vững cho DN. Nếu định hướng được điều cốt lõi, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng về phát triển bền vững.

DN đầu tư dự án tại Hòa Bình, thay vì nhìn nhận trách nhiệm với môi trường là một gánh nặng, thì cần xem đây là một trong những cốt lõi tạo nên giá trị sản phẩm. Lấy “vốn tự nhiên” là một trong những loại vốn trọng tâm có tầm quan trọng không kém vốn tài chính hay vốn sản xuất.

Duy Anh

Triệu dân Hà Nội đổ lên vui chơi, Hòa Bình thu cả ngàn tỷ

Triệu dân Hà Nội đổ lên vui chơi, Hòa Bình thu cả ngàn tỷ

Chỉ mất hơn một tiếng chạy xe, Hòa Bình với nhiều danh thắng, các khu nghỉ dưỡng, homestay đang thu hút đông đảo du khách Hà Nội, đặc biệt vào dịp cuối tuần.