"Tình trạng câu đối rởm, hoành phi lởm trong các di tích vô cùng nhức nhối nhưng hiện vẫn chưa có cơ quan quản lý văn hóa nào quản lý, kiểm tra tình trạng này. Người ta cứ tự xây, tự cung tiến, tự đưa hoành phi câu đối vào đình chùa”, TS Dương bức xúc.
Sáng 22/11, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng hiện nay và vấn đề biểu tượng trang trí trong quá trình hội nhập ở Việt Nam”.
Với hơn 20 bài tham luận, các đại biểu đều đưa ra những nhận định về sự tồn tại và phát triển của mỹ thuật nói chung và mỹ thuật ứng dụng nói riêng là điều tất yếu trong tiến trình phát triển của lịch sử.
Thần tài trong chùa Long Đẩu (Sài Sơn, Hà Nội) |
Song làm thế nào để hoạt động mỹ thuật ứng dụng đi đúng hướng, hiệu quả, thật sự
vì nghệ thuật, vì nhân sinh, hướng đến những giá trị nhân văn chân chính lại là
một thách thức không dễ dàng. Ở đó, vai trò, trách nhiệm của các nhà quản lý,
các trường mỹ thuật và các nghệ sĩ, nghệ nhân là không thể thiếu và rất quan
trọng.
Hoành phi câu đối viết sai chính tả
TS.Trần Trọng Dương ,Viện nghiên cứu Hán Nôm nói lâu nay thuật ngữ “linh vật”
được sử dụng khá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chưa có
một định nghĩa nào về linh vật (nhất là các từ điển tiếng Việt trong quãng 40
năm trở lại đây). Trên cơ sở khảo sát các định nghĩa về “linh vật” từ các từ
điển Việt- La tinh, Việt Pháp từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ XX), TS Dương cho
rằng: “Linh vật là tất cả các vật (được định hình bằng một loại vật chất nhất
định) được một chủ thể văn hóa nào đó quan niệm là có tính chất thiêng liêng, có
tính tâm linh biểu tượng cho những quan niệm của họ về thế giới, về linh hồn,
thể hiện những quan niệm về mặt tư tưởng, và văn hóa của họ”.
Như vậy linh vật sẽ bao gồm: Linh khí (đồ vật thiêng), linh thú (các loại thú/
loài vật thiêng) và linh tượng (tượng pháp của các loại hình tín ngưỡng, tôn
giáo). Chính việc phân loại linh vật này mà trong quá trình nghiên cứu đã thấy
được những bất cập, lộn xộn trong việc trưng bày và trang trí linh vật hiện nay
ở Việt Nam.
Từ 15 năm nay, TS Dương đã đi nghiên cứu, khảo sát một số di tích cổ. Hiện tượng
nhức nhối nhất hiện nay là những bức hoành phi câu đối (cũng được coi là hiện
vật thiêng được thờ cúng ở không gian thiêng) sai hàng loạt, hỏng từ mỹ thuật,
thư pháp cho tới nội dung văn tự, sai chính tả dẫn tới sai nội dung.
Ví như đền thờ Nguyễn Trãi dùng chữ rất ‘oách’: "Nhân giả thọ" (trích từ kinh
điển của Nho gia). Đúng là người nhân sẽ được thọ nhưng Nguyễn Trãi lại bị chết
chém, bị chu di mà lại đưa câu "Nhân giả thọ" vào thì không đúng lịch sử, khác
nào nhạo báng người xưa. Đền thờ Nguyễn Bình Khiêm có câu: "Hối nhân bất quyện"
(câu của Khổng Tử) thì lại viết nhầm chính tả. "Hối" có nghĩa là dạy dỗ thì lại
bị nhầm thành chữ “hối” trong “hối hận”, khiến cả câu bị hiểu thành “hối hận
không biết mệt mỏi”.
Đền Đô ở Lý Bát Đế lại tự sáng tác: "Đỗ Đình Bàng niềm nở kính chào quý khách/
Điện Cổ Pháp di tích lịch sử quốc gia". Trong đó, lại viết nhầm chính tả “xã
Đình Bảng” thành “đỗ Đình Bảng”. Nghiêm trọng hơn, đây lại không phải là câu
đối, bởi “niềm nở kính chào quý khách” không đối tẹo nào với “di tích lịch sử
quốc gia”. Cũng ở di tích này toàn bộ các hoành phi câu đối đều viết rất xấu,
chữ nghĩa lem nhem. Đây là di tích trọng điểm cấp quốc gia, là điểm du lịch hàng
đầu, là bộ mặt của lịch sử- văn hóa Việt Nam. Thế mà không có một cơ quan văn
hóa nào chịu trách nhiệm giám sát ở mảng này!
Văn bia rác nhan nhản khắp nơi
Cũng theo TS Dương, hiện tượng văn bia rác cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Văn
bia mới công đức vào chùa đó là sự tiếp nối truyền thống văn hóa của người Việt
Nam nhưng tiếp nhận công đức như thế nào cho có văn hóa lại là một chuyện khác.
Tại chùa Bảo Sái ghi tên hàng loạt các phương danh công đức, là nhân vật chính
trị quan trọng của Đảng và nhà nước, xếp cùng vào một bia lộn xộn rất thiếu thẩm
mỹ. Bia chỉ ghi tên người và tên người, hoa văn thậm xấu
Đĩnh bạc trên ban thờ đền Đô |
Trong khi đó, đồ cúng dàng được coi như là những linh vật tạm thời (có thể có,
hoặc có thể không), thường xuất hiện tập trung vào các dịp tuần rằm, mùng một,
các dịp lễ lạt trong năm. Hiện các loại linh vật này chưa thể đưa ra một bảng
danh sách cụ thể nhưng rõ ràng trong việc quản lý di tích và lễ hội đã gặp không
ít vấn đề gây tranh cãi như việc có nên hay không đem rượu, bia, thuốc lá (hay
những vật phẩm hiện đại nói chung) vào ban thờ? Việc học sinh đặt tiền lên bàn
thờ Khổng Tử, bàn thờ Chu Văn An để mong thi đỗ, việc đặt thần tài to béo phởn
phơ trong chùa chiền, việc đặt các đĩnh vàng đĩnh bạc trên ban thờ Lý Bát
Đế,…liệu có phải là sự “hỗn loạn của các linh vật”, “sự trần tục hóa cái thiêng
liêng” không?
Tiêu biểu như đồ hàng mã, theo truyền thống là vàng vó, tiền, hình nhân, quần
áo,… thì nay lại thêm máy bay, xe hơi, nhà lầu, vi tính… Hiện tượng làm chiếc
bánh nặng vài trăm cân dâng vào dịp lễ lạt cần phải xem xét bởi khi chúng ta đi
lễ mang sự thảo thơm dâng lên là chính chứ cần gì những thứ to tát, hoành tráng
như vậy.
“Một ngôi chùa ở Hà Nội, tại đình nghinh phong có 8 con tì hưu chầu ra 4 hướng
rất hoành tráng. Không hiểu sư trụ trì có biết hay không chứ việc đưa con vật mà
xa lạ như thế vào trong chùa chiền cũng là một vấn đề chứ không riêng gì sư tử
đá”, TS Dương nói.
“Việc nêu ra một danh sách cụ thể, toàn diện các linh vật với các ý nghĩa biểu
tượng, lịch sử và các đặc điểm tạo hình của chúng sẽ là cơ sở để tham vấn cho
các cơ quan văn hóa các cấp trong quá trình quản lý di sản, di tích trong thời
gian sắp tới”, TS Dương nói thêm.
Đồng quan điểm với TS Trần Trọng Dương, Họa sĩ Uyên Huy (Chủ
tịch Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh) cho rằng biểu tượng trang trí ngoại lai xuất
hiện trong thời kỳ hội nhập là đáng quan ngại. Điều này cần được xem xét,
giải quyết trên tinh thần gìn giữ bản sắc Việt. Bằng mọi cách chúng ta phải loại
bỏ linh vật lai tạp, thay thế bằng biểu tượng trang trí thuần Việt trong môi
trường sống từ các khu vui chơi, khu thương mại, các trung tâm văn hóa, các nơi
thờ tự, khu phố, nhà ở…. Hơn bao giờ hết các cơ quan Nhà Nước phải có biện pháp
tuyên truyền xóa bớt tình trạng mê tín trong kiến thức về phong thủy, thờ cúng,
trang trí xa lạ tập quán người Việt. Bởi lẽ bảo vệ văn hóa dân tộc là một phần
của bảo vệ tổ quốc.
Tình Lê