Trong mấy tháng qua, giá chuối các loại ở ĐBSCL liên tục tăng, từ 7.000– 8.000 đ/kg, có ngày lên đến 10.000 đ/kg, cao hơn 2– 3 lần so với năm 2010. Chuối không còn "loanh quanh" ở chợ quê mà còn được chuyển đi tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh, ra Bắc và sang Trung Quốc, Châu Âu.

TIN BÀI KHÁC


Chuối xuất ngoại

Ở ĐBSCL, chuối được trồng nhiều ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang...Ngoài việc trồng chuyên canh, chuối còn được trồng xen trong các vườn cây ăn trái, vừa tăng thu nhập vừa che mát cho cây con mới trồng theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, hoặc tận dụng những chỗ đất thừa dọc bờ ranh, thửa ruộng.

Trước đây, chuối là loại cây trồng “ăn chơi”, chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ ở trong vùng. Nhưng giờ đây đã khác, trái chuối, nhất là chuối già đã trở thành hàng hóa, chẳng những tiêu thụ nội địa mà còn nằm trong danh mục xuất khẩu.

Thương lái đang lùng mua chuối già, ngay cả những buồng chưa... già thế này

Mấy tháng nay, thương lái ở tỉnh Vĩnh Long lùng sục đến tận vườn thu mua chuối. Ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Bình Minh, của tỉnh Vĩnh Long; Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh; Chợ Lách, Giồng Trôm, Châu Thành của tỉnh Bến Tre; Cái Bè, Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang,... các vựa chuối hoạt động nhộn nhịp không thua gì các vựa cam sành, bưởi Năm Roi. Nguyên do là chuối già xuất khẩu rất mạnh, cung không đủ cầu.

Trước đây, chuối được bán nguyên buồng, giá cả tùy theo số lượng nải nhiều ít; còn bây giờ cứ cân ký tính tiền.

Theo một chủ vựa chuối ở huyện Càng Long (Trà Vinh), mỗi ngày thu mua khoảng 4– 5 tấn chuối; có ngày cao điểm mua cả chục tấn. Giá chuối già từ sau tết cứ nhích dần lên từ 2- 3 ngàn lên 7- 8 ngàn đồng, có ngày cao điểm hút hàng lên đến 10.000 đ/kg, cao hơn 2– 3 lần so với năm 2010; kéo các loại chuối khác cũng tăng theo, ngay như chuối xiêm cũng tăng gần 5.000 đ/kg. Giá chuối bán lẻ cho người tiêu thụ địa phương ở chợ Bình Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ lên đến 20.000 nải, có ngày tìm mua không có.

Cũng theo các thương lái và chủ vựa, chuối già hiện nay thu hoạch sớm chứ không để chín cây như trước. Cảnh ghe chở chuối để từng buồng, từng buồng, nải chuối treo lủng lẳng, chạy dọc theo các con sông lớn về TP Hồ Chí Minh và các chợ tỉnh trước đây giờ ít thấy. Thay vào đó, chuối sau khi mua về được cắt ra từng trái rồi đóng thùng, để trong kho mát trước khi chuyển đi tiêu thụ hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc, Châu Âu. Cái món “ăn chơi” giờ được nâng niu, đóng gói cẩn thận, tham gia thị trường.

Đua nhau trồng chuối

Trước đây, cây chuối nói chung, chuối già nói riêng không được xem là cây hiệu quả kinh tế cao, người dân trồng số ít trong vườn, chủ yếu để ăn. Song, giá chuối đang rất cao nên nhiều người bắt đầu trồng xen chuối già trong các vườn cây ăn trái, có người còn lên liếp chuyên trồng chuối.

Chuối già dễ trồng, phát triển nhanh, chi phí không đáng kể và sau 9 tháng là cho thu hoạch. Theo biện pháp canh tác truyền thống, một lần trồng, cây chuối tự đẻ con, chuối sẽ được thu hoạch hết cây này sang cây khác mà không phải trồng lại (hiện ĐBSCL chưa có trang trại trồng chuối lớn, theo phương pháp cấy mô).

Theo tính toán của nhà vườn, một buồng chuối trung bình 15kg, với giá như hiện nay sẽ cho thu nhập gần 150.000đ. Một công đất (1.000m2) trồng chuyên chuối được khoảng 70– 80 bụi chuối; trồng xen cũng được 20– 30 bụi.

Theo anh Hai Khải, ở xã Tạp Ngãi, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh ước tính mỗi công đất trồng chuối xen trong vườn dừa, mỗi tháng có thu nhập từ 5- 10 triệu đồng/công; trồng chuyên sẽ cho thu nhập gấp đôi.

Còn theo người dân huyện Trà Ôn thì trồng chuối khi mới lập vườn cam có cái lợi là vừa làm mát cây giống mới trồng, tăng khả năng của cây cam chống chọi với thời tiết thất thường; vừa có tiền mua phân, thuốc, giải quyết cuộc sống trước mắt khi cây cam chưa có thu hoạch. Ngoài ra, nhà vườn còn thu được lá chuối, dây chuối để làm hàng thủ công mỹ nghệ,...

Cho nên, hiện nay bà con nông dân ĐBSCL đang phát triển mạnh việc trồng chuối, nhất là cây chuối già. Các xã như Đức Mỹ, Nhị Long, Nhị Long Phú, Đại Phúc, Đại Phước,... của huyện Càng Long; Tiểu Cần, Cầu Kè (Trà Vinh) có nhiều hộ trồng đến vài ngàn cây chuối, cho thu nhập rất cao. Mặt khác, do nhà vườn đua nhau trồng chuối nên cây con giống cũng sốt theo. Hiện nay, cây chuối con cao khoảng 0,5m có giá thấp nhất cũng 10.000 đ/cây nhưng rất khó tìm mua.

Nếu như giá chuối già tăng ở mức cao và tiếp tục ổn định như hiện nay thì ở ĐBSCL sẽ có thêm nguồn nông sản hàng hóa xuất khẩu; nông dân có thêm nguồn thu nhập khá cao, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Tuy nhiên, thương lái và cả các nhà chuyên môn vẫn chưa có ai dám khẳng định loại cây này có thật sự trở thành thương hiệu hàng hóa tiêu thụ trên thị trường lâu dài hay không. Hiện nay, ở ĐBSCL cũng chưa có xí nghiệp nào chuyên chế biến chuối; việc xuất khẩu loại trái cây này cũng mới nghe rộ lên trong khoảng một năm nay. Do đó, bà con nông dân khi phát triển trồng chuối phải hết sức thận trọng. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương và các nhà chuyên môn cần nghiên cứu, tìm giải pháp phát triển loại cây này một cách hiệu quả và bền vững.

(Theo Vĩnh Long Online)