- Kỳ họp lần thứ 58 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã khai mạc sáng ngày 24/9 tại Geneva, Thụy Sĩ. Trước khi khai mạc kỳ họp, toàn thể Đại hội đồng WIPO đã dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

{keywords}
 

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 1200 đại biểu từ 191 quốc gia thành viên. Đoàn công tác Việt Nam gồm 7 đại biểu do ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn đầu.

Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Geneva đã chủ trì Phiên họp. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vinh dự có đại diện đảm nhận trọng trách Chủ tịch Đại hội đồng WIPO.

Kỳ họp lần này sẽ thông qua các báo cáo của các Ủy ban, Hội đồng của WIPO như Ủy ban Sở hữu trí tuệ và phát triển (CDIP), Ủy ban thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan (SCCR), Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC), Ủy ban thường trực về luật sáng chế (SCP), Ủy ban thường trực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý (SCT), Ủy ban thường trực về công nghệ thông tin (SCIT), Ủy ban tư vấn về thực thi (ACE), Hội đồng Liên minh PCT, Hội đồng Liên minh Madrid; và rà soát báo cáo của WIPO về các hoạt động của Tổ chức từ kỳ họp Đại hội đồng lần trước.

Một số nội dung chính dự kiến sẽ thu hút được sự quan tâm của các Thành viên bao gồm: (i) vấn đề mở rộng số lượng Thành viên của Ủy ban PBC; (ii) vấn đề triệu tập Hội nghị Ngoại giao để thông qua DLT và (iii) vấn đề mở  các văn phòng đại diện của WIPO trong năm tài khóa 2018-2019.

Phát biểu tại phiên khai mạc của Đại hội đồng WIPO, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đánh giá cao các hoạt động WIPO gần đây cũng như những phát triển mới trong lĩnh vực xây dựng các thể chế bảo hộ sở hữu trí tuệ quốc tế mới. Thứ trưởng cam kết Việt Nam sẽ tích cực hợp tác với các Thành viên khác để xây dựng một hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới công bằng và bao trùm. Việt Nam ghi nhận những trợ giúp kỹ thuật của WIPO trong năm vừa qua và mong muốn tiếp tục hợp tác với WIPO triển khai dự án xây dựng hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp WIPO IPAS tại Cục Sở hữu trí tuệ, xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và sớm hoàn thành thủ tục gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.

Bên lề hội nghị, Đoàn Việt Nam còn có một số cuộc họp và làm việc song phương với các đối tác như Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO), Tổng cục Sáng chế Nhật Bản (JPO), Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Mexico và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UK IPO) để mở rộng quan hệ hợp tác.

Cuộc họp Đại hội đồng WIPO dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 02/10.

Mai Hà