Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), CTCP Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng vừa công bố nghị quyết về việc phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đợt 7 năm 2021, kỳ hạn 1 năm, lãi suất cố định 8%/năm.
Đây là loại trái phiếu ghi danh, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm. Số tiền huy động được sử dụng để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin). Nếu thành công, kể từ đầu năm tới nay doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng huy động được 1.076 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.
Chứng khoán Bản Việt đẩy nhanh huy động vốn trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động chưa từng có với giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trong mỗi phiên gần đây lên tới 1,5-2 tỷ USD.
Thị trường sôi động mang đến lợi nhuận cao hiếm có cho các công ty chứng khoán (CTCK). Báo cáo 9 tháng cho thấy các CTCK lãi tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ nhờ TTCK sôi động. Sáu CTCK ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1.000 tỷ đồng.
Tới cuối quý III, dư nợ margin trên toàn thị trường hiện vào khoảng 145 nghìn tỷ đồng. Việc chủ động đẩy mạnh tăng vốn đã giúp các CTCK gia tăng dư địa cho vay đáng kể cho hoạt động đầu tư cổ phiếu.
Bà Nguyễn Thanh Phượng. |
Số lượng người quan tâm tới TTCK ngày càng gia tăng và được dự báo sẽ còn lên nữa. Trong 10 tháng đầu năm 2021, có tổng cộng gần 1,1 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, lớn hơn tổng lượng tài khoản 4 năm trước cộng lại.
Riêng trong tháng 10, số lượng tài khoản mở mới lên tới gần 130 nghìn tài khoản, chỉ xếp sau tháng 6 với hơn 140.000 tài khoản được mở mới. Đây cũng là tháng thứ 8 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng.
Cuộc đua giữa các CTCK trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết để nhanh chóng chiếm thị phần của một thị trường quy mô ngày càng mở rộng.
Gần đây, VCI của bà Phương có dấu hiệu hụt hơi trong cuộc đua về thị phần trên TTCK. Thị phần môi giới cổ phiếu trong quý III có dấu hiệu suy giảm. Dù vẫn đứng trong top 5 nhưng bị VnDirect vượt lên và bị theo sát bởi TCBS.
Chứng khoán Bản Việt chỉ còn nắm giữ 4,9% thị phần. Trong khoảng 2 năm qua, thị phần của VCI sụt giảm mạnh và ngày càng bị VPS bỏ xa. VPS từ mức khoảng 3% thị phần, thì hiện đã lên tới 16,5%. Trong khi đó, VCI tụt từ mức 10% về 4,9% như hiện tại.
Sở dĩ thị phần của VCI cũng như HSC gần đây giảm mạnh vì mất một lượng lớn khách hàng cá nhân, nhóm chiếm phần lớn giao dịch trong thời kỳ chứng khoán sôi động vừa qua. VCI từ trước tới nay phụ thuộc khá nhiều vào các nhà đầu tư tổ chức, do vậy thị phần suy giảm khi mà tỷ trong thanh khoản của khối nhà đầu tư cá nhân tăng vọt.
Mặc dù thị phần giảm nhưng Chứng khoán Bản Việt (VCI) hoạt động mạnh trong các lĩnh vực khác, trong đó có tư vấn đầu tư. Doanh nghiệp này vẫn hút tiền mạnh để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Chứng khoán lập kỷ lục mới: 1.470 điểm. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 9/11
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền vào thị trường vẫ rất lớn. Chỉ số VN-Index đứng ở mức cao kỷ lục: 1.470 điểm.
Theo SHS, thị trường kết thúc phiên đầu tuần mới tăng điểm cùng với khối lượng giao dịch tăng 19,06% so với phiên trước. Chỉ số tiếp tục vượt đỉnh gần nhất 1.463,63 ngày 3/11 - phiên có khối lượng giao dịch lập kỷ lục 1,46 tỷ cổ phiếu. VN30 tiếp tục tăng điểm hướng đến vùng 1.545-1.565 vùng đỉnh tháng 7.
Xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn duy trì tăng trưởng với vùng hỗ trợ gần nhất quanh mốc 1.463 điểm, tương ứng đỉnh giá ngày 3/11 vừa vượt qua, hỗ trợ tiếp theo tại 1.445-1.450 điểm. Dự kiến chỉ số sẽ tiếp tục tăng điểm hướng đến vùng cao mới quanh mốc 1.480-1.500 điểm
Còn theo VDSC, VN-Index vẫn đang dần đi lên theo xu thế tăng. Thanh khoản tăng so với hai phiên trước và trên mức trung bình 50 phiên, cho thấy dòng tiền đang nỗ lực hấp thu áp lực bán chốt lời ngắn hạn.
Chốt phiên chiều 8/11, chỉ số VN-Index tăng 11,06 điểm lên 1.467,57 điểm. HNX-Index tăng 4,46 điểm lên 432,1 điểm. Upcom-Index tăng 0,82 điểm lên 109,03 điểm. Thanh khoản đạt 38,1 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 31,4 nghìn tỷ đồng.
V. Hà