Việc Việt Nam chính thức ký kết tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là được coi là một bước ngoặt sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại Việt Nam và quốc tế. Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên, Ngoài ra, TPP còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm hay an toàn lao động…

Đối với các doanh nghiệp công nghiệp CNTT Việt Nam việc gia nhập TPP khiến các doanh nghiệp này vấp phải hai sự cạnh tranh rất lớn: Đó là cạnh tranh đối với các sản phẩm nhập lập tràn vào từ Trung Quốc với giá rất rẻ mà các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất bài bản dù cố gắng đến mấy cũng khó cạnh tranh được về giá. Thứ hai, là cạnh tranh với chính các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được nhà nước cho hưởng nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp điện tử mạnh như Samsung đã gia tăng đầu tư vào Việt Nam trong mấy năm gần đây và sắp tới là một làn sóng các doanh nghiệp công nghiệp, điện tử nước ngoài khác sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Việc các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với các doanh nghiệp mạnh về tài chính, sở hữu những sản phẩm có thương hiệu, đã chiếm lĩnh thị trường trong nước là điều rất khó khăn.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, khi gia tăng các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp CNTT vào Việt Nam, nguy cơ lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại về nguồn nhân lực, ở cả hai đối tượng: công nhân và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Có một thực tế đã xảy ra là ở các khu vực có nhà máy của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là khu vực gần nhà máy của Samsung thì doanh nghiệp Việt Nam rất khó tuyển lao động người bản địa. Bởi tâm lý người Việt Nam vẫn thích làm cho doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam thường phải tìm công nhân ở các tỉnh xa hơn, chấp nhận rủi ro vì nhiều công nhân có khả năng bỏ việc nếu họ tìm được việc ở các doanh nghiệp nước ngoài ngay bên cạnh.

Nguy cơ cạnh tranh về nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển  (R&D) còn cao hơn. Các hãng công nghệ lớn của nước ngoài như Samsung, LG đã vào tận nhiều trường đại học có danh tiếng như Bách Khoa, CNTT để hỗ trợ học bổng cho sinh viên giỏi, ra trường sẽ được tuyển dụng ngay. Lương thưởng, môi trường làm việc tốt hơn của các doanh nghiệp ngoại đã thu hút một lượng lớn lao động trẻ Việt Nam.

Chính vì vậy, ngay từ khâu tuyển dụng doanh nghiệp nội đã khó kiếm được nguồn nhân lực tốt. Doanh nghiệp trong nước khó giữ chân được nhân lực làm R&D do chính các doanh nghiệp này dày công đào tạo, cũng bởi chính sách lương thưởng và chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp nước ngoài cao hơn hẳn.

“Cạnh tranh về nguồn nhân lực còn nguy hiểm hơn là cạnh tranh về thị trường. Thị trường trong nước khó cạnh tranh thì doanh nghiệp có thể tìm kiếm thị trường ở nước ngoài, nhưng nguồn nhân lực mà cạn kiệt thì không tìm ở đâu được. Tình trạng chảy máu chất xám là điều mà nhiều doanh nghiệp trong nước phải đối mặt”, một lãnh đạo của VNPT phát biểu.

Ông Trần Đình Hùng, Phó Tổng giám đốc VNPT Technology cho rằng, nhà nước cần có chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân đối với nhân sự làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp CNTT của Việt Nam để các doanh nghiệp này giữ chân được đội ngũ R&D, hạn chế sự lôi kéo của các doanh nghiệp FDI.

Hiện VNPT Technology có trên 300 cán bộ làm R&D. Ông Hùng cho rằng, muốn cạnh tranh được doanh nghiệp nhà nước cần phải được chú trọng đầu tư về vốn và cả cơ chế để đãi ngộ lực lượng làm R&D.