Chiếm lĩnh thị trường quốc tế
Trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn và biến động, sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số không chỉ thể hiện ở việc các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Việt Nam đảm nhận trọng trách chuyển đổi số quốc gia mà còn thể hiện thông qua việc khai phá thị trường nước ngoài.
Đầu tháng 6, FPT đã mở văn phòng thứ 15 tại Nhật Bản. Công ty cũng ký thỏa thuận hợp tác với Honda nhằm phát triển các cơ hội công tác trong lĩnh vực quản trị dịch vụ công nghệ thông tin trên phạm vi toàn cầu.
Tại thị trường Nhật Bản, bất chấp sự mất giá của đồng Yen, FPT vẫn giữ được đà tăng trưởng cao, 39,1% so với cùng kỳ. Tăng trưởng này đến từ nhu cầu chi tiêu lớn cho công nghệ thông tin, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số, lĩnh vực mà Nhật Bản đang bị tụt lại sau Mỹ và các quốc gia phương Tây, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bên cạnh yếu tố khách quan từ nhu cầu thị trường, FPT cũng đã tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa tỷ giá và điều chỉnh tăng giá bán bám sát sự biến động của đồng Yen để đảm bảo tăng trưởng tốt của thị trường Nhật Bản.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài đạt 11.227 tỷ đồng, tăng 30,2%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.834 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu chuyển đổi số từ thị trường nước ngoài trong nửa đầu năm 2023 đạt 4.886 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics.
Công ty cũng ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, với doanh thu ký mới đạt 15.017 tỷ đồng, tăng trưởng 28,6% so với cùng kỳ. Trong đó có 13 dự án với quy mô trên 5 triệu USD.
Một trong những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng tại thị trường quốc tế khác là Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global). Viettel Global cho biết, hoạt động kinh doanh cốt lõi tại hầu hết các công ty thị trường (bao gồm cả công ty con và công ty liên kết) đều tăng trưởng tốt về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Trong đó, Unitel tại Lào tăng 32%, Movitel tại Mozambique tăng 30%, Telemor tại Đông Timor tăng 23%, Metfone tại Campuchia tăng 22%, Mytel tại Myanmar tăng 21%.
Đặc biệt các Công ty Ví cũng tăng trưởng rất ấn tượng như: M_mola (Mozambique) tăng 924%, Starfintech (Lào) tăng 100%, Telemor Fintech (Đông Timor) tăng 83%.
Trong quý II/2023, doanh thu của Viettel Global đạt 6.861 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Đây là mức doanh thu hợp nhất cao nhất từ trước đến nay của Viettel Global và ghi nhận quý thứ 4 liên tiếp doanh thu ở mức trên 6.000 tỷ đồng/quý.
Về cơ cấu doanh thu theo thị trường, châu Phi tăng 18% lên 2.935 tỷ đồng; Đông Nam Á tăng 17,6%, đạt 3.171 tỷ và thị trường Mỹ La-tinh đạt 755 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Viettel Global đạt hơn 13.300 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng trưởng 18%. Lợi nhuận trước thuế đạt 187 tỷ đồng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Ở thị trường trong nước, công nghệ vẫn tiếp tục mang lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của FPT, dịch vụ viễn thông ghi nhận tăng trưởng hai con số, doanh thu đạt 7.423 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.475 tỷ đồng, tăng 14,5%.
Dịch vụ công nghệ thông tin ghi nhận doanh thu 2.975 tỷ đồng, tăng trưởng 9% và lợi nhuận trước thuế đạt 171 tỷ đồng, giảm 24,3%. Công ty tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với khối chính phủ, bộ ban ngành, khối doanh nghiệp nước ngoài và các ngành kinh tế ít bị ảnh hưởng nhằm đảm bảo tăng trưởng.
Tính đến nay, FPT đã xúc tiến ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với gần 30 địa phương và đào tạo nhận thức chuyển đổi số cho gần hàng vạn cán bộ lãnh đạo các cấp của các địa phương trên toàn quốc.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu 24.166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.339 tỷ đồng.
Cùng lĩnh vực, CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 (kỳ kế toán 1/4-30/6) với doanh thu thuần đạt 1.771,5 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của tập đoàn 109,6 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, doanh nghiệp thu về 96,7 tỷ đồng lãi ròng, tăng 5,2%.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, CMG đặt mục tiêu doanh thu thuần (sau khi loại trừ doanh thu các công ty liên kết và nội bộ) 8.846,17 - 9.249,25 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 407,71 - 428,12 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 11%.
Đầu năm 2023, CMC đã được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Tổ hợp CCS thứ 2 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Dự án có diện tích đất xây dựng 3,88 ha với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào quý I/2026, phục vụ nghiên cứu công nghệ lõi, phát triển giải pháp Make in Vietnam đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, Tổ hợp CCS thứ 3 tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội với diện tích đất xây dựng 1,13 ha cùng tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC (CMC ATI) tiếp tục phát triển, hoàn thiện 11 sản phẩm Make in Vietnam – Made by CMC.
CTCP VNG vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với con số tích cực. Theo đó, doanh thu đạt 2.245,9 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận 100,29 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 265,48 tỷ đồng, tức tăng thêm 365,77 tỷ đồng.
Theo VNG, trong quý II công ty có lãi nhờ vào các sản phẩm trò chơi mới thành công và tiết giảm được chi phí quảng cáo.
Kết thúc nửa đầu năm, VNZ đạt gần 4.100 tỷ đồng doanh thu (tăng 12%), thực hiện được 44% kế hoạch năm; lãi ròng gần 60 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 281 tỷ đồng).
Trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông, Tổng công ty Công trình Viettel (Viettel Construction) ghi nhận kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với 5.063 tỷ đồng doanh thu.
Lợi nhuận trước thuế 288,8 tỷ đồng, cùng tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả trên, công ty đã hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và 47% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Với mảng kinh doanh hạ tầng công trình, Viettel Construction cho biết, tính đến tháng 6/2023, Viettel Construction sở hữu và cho thuê 4.929 trạm BTS, 1,87 triệu m2 DAS, 2.682 Km truyền dẫn và 16,87 MWp năng lượng mặt trời. Luỹ kế 6 tháng, doanh nghiệp đã có 155 trạm BTS có lớn hơn 2 nhà mạng thuê vị trí.
Bưu chính tăng trưởng
Trong lĩnh vực bưu chính, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu đạt 4.938 tỷ đồng.
Tính riêng lĩnh vực bưu chính, Viettel Post đạt 101% kế hoạch doanh thu, tăng gần 17 % so với quý I/2023 và tăng 29% cùng kỳ năm 2022. Các lĩnh vực viễn thông, thương mại điện tử đều hoàn thành vượt kế hoạch doanh thu, lần lượt đạt 110%, 127% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế của Viettel Post quý II/2023 đạt gần 98 tỷ đồng,
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Viettel Post đạt 9.710 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 173 tỷ đồng.
Lĩnh vực bưu chính của Viettel Post đạt 104,3% kế hoạch, tăng trưởng 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 6 tháng cuối năm 2023, Viettel Post xác định rõ mục tiêu, đến tháng 12/2023 sẽ cán mốc 1 triệu đơn/ngày, doanh thu ước tính tăng trưởng từ 23,8% - 34,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng công ty Chuyển phát nhanh bưu điện (EMS) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh. Trong quý II, tổng doanh thu của EMS đạt 423 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp quý II đạt 5,3 tỷ đồng, trong khi đó quý II/2022 âm 1,6 tỷ đồng.
Luỹ kế từ đầu năm tới nay, doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát đạt 801 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 13,5 tỷ đồng.
Năm 2023, EMS đặt chỉ tiêu tổng doanh thu 2.650 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 90 tỷ đồng, cổ tức 10%.