Những ngày qua, hàng chục héc ta đu đủ đến kỳ thu hoạch, quả chín rụng đầy gốc trồng tại thị xã Thái Hoà (Nghệ An) nhưng Công ty CP Chanh leo Nafoods không đến thu mua như hợp đồng đã ký kết.
Sản lượng đu đủ ước tính gần 2.000 tấn, quả đang rụng dần mỗi ngày. Trong khi đó, người dân lại không được bán vì sợ vi phạm hợp đồng đã ký với doanh nghiệp.
Trước đó, vào tháng 11/2022, Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu và Công ty CP Chanh leo Nafoods (có địa chỉ ở phường Quán Bàu, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) ký hợp đồng cung cấp cây giống đu đủ hồng phi Đài Loan và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho nông dân
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu, cho hay, sáng nay (18/8), Công ty Nafoods đã có buổi làm việc và hứa sẽ đền bù những thiệt hại cho người dân.
"Vì lý do bất khả kháng nên chúng tôi và công ty đã đạt được thoả thuận để đảm bảo lợi ích hai bên”, ông Trung thông tin.
Theo đó, doanh nghiệp đã chấp nhận đền bù, hỗ trợ người dân 225 triệu đồng/ha. Nếu tính theo hợp đồng đã ký trước đó thì doanh nghiệp phải đền bù cho người dân gần 500 triệu đồng/ha.
Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu mua giống trồng, phía Công ty CP Chanh leo Nafoods sẽ thu mua quả chín từ tháng 7/2023 đến 12/2024 (dự kiến mỗi ha khoảng 80 tấn).
Khi có hợp đồng, các thành viên hợp tác xã đã trồng đu đủ trên diện tích 13,3ha. Bình quân mỗi hộ bỏ ra khoảng 300 triệu đồng để gieo trồng, chăm sóc từ 5 sào đến 2ha.
Sau gần 1 năm, đu đủ cho ra quả nhiều và đạt năng suất cao. Tuy nhiên, phía công ty Nafoods đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng kinh tế cho hợp tác xã. Lý do là bất khả kháng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine nên không thể xuất khẩu đu đủ sang thị trường này.
“Do bối cảnh bất khả kháng nên chúng tôi cũng hỗ trợ doanh nghiệp. Để nhận được số tiền đền bù, công ty và hợp tác xã sẽ huỷ bỏ hợp đồng đã ký kết từ trước”, ông Trung chia sẻ.
Thông tin với báo chí, đại diện Công ty CP Chanh leo Nafoods cho hay DN có triển khai hợp tác trồng thử nghiệm và bao tiêu 13,3ha đu đủ tại thị xã Tây Hiếu (Nghệ An). Tuy nhiên, do những ảnh hưởng khách quan từ thị trường khiến việc tổ chức thu mua bị gián đoạn.
Sau thời gian thảo luận giữa 3 bên: đại diện doanh nghiệp, đại diện Hợp tác xã Tây Hiếu và đại diện bà con nông dân trồng đu đủ, các bên đã thống nhất: Doanh nghiệp hỗ trợ chi phí cho người dân 225 triệu đồng/ha. Hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng trước đó. Công ty sẽ thực hiện việc chi trả cho HTX sau khi thanh lý hợp đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng liên hệ với các đầu mối tiêu thụ đu đủ ở các chợ, thương lái tại Trung Quốc, Lào, Thái Lan để tìm đầu ra cho sản lượng đu đủ đang đến kỳ thu hoạch.