- Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư số 43 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC. Tuy nhiên, việc quy định hạn chế số lượng ghế của phương tiện được đóng khiến các doanh nghiệp (DN) “kêu cứu” lên Thủ tướng vì quy định này cản trở việc áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất.
Hạn chế năng lực doanh nghiệp?
Thông tư số 43 ban hành ngày 20/12/2016 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/7/2017 ban hành về quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu polypropylene copolymer (PPC). Tại đây, Thông tư 43 đưa ra hạn mức cho phép các đơn vị đóng tàu PPC chỉ được phép đóng “tàu có sức chở đến 12 người” khiến các đơn vị trong lĩnh vực này bị hạn chế.
Hiện nay, đã có các DN chuyên đóng tàu thuyền bằng vật liệu PPC có năng lực tốt.
Sau 6 năm công nghệ vật liệu PPC được đưa vào VN, DN trong nước đã sản xuất hàng chục tàu tuần tra, ca nô các loại cung cấp cho lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển…
Ông Nguyễn Kim Sơn – Chủ tịch HĐQT Cty James Boat - cho biết: “Trong quá trình Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Cty chúng tôi đã hợp tác nghiêm túc với Cục Đăng kiểm VN, Bộ GTVT để tiến thử nghiệm vật liệu PPC như thử kéo, thử uốn, thí nghiệm xác định khả năng chịu lửa…”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Sơn tỏ ra thất vọng khi “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia” được Bộ GTVT ban hành lại hạn chế số người đến 12 người.
Doanh nghiệp đóng tàu kêu cứu lên Thủ tướng |
Ông Sơn cho biết: “Trước khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 43, chúng tôi đã kiến nghị loại bỏ nội dung này. Việc hạn chế số người trên tàu đến 12 người sẽ dẫn đến việc không thể ứng dụng vật liệu PPC trong việc chế tạo tàu khách, du thuyền… Thực tế tàu tuần tra cao tốc PPC được cung cấp cho Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 đã hoạt động tốt 2 năm nay. Tàu có sức chở 16 thuyền viên, chịu được sóng cấp 4, cấp 5, thân vỏ ổn định”.
Ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Cty Việt Séc (KCN sông Dinh, TP Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) khẳng định: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đóng tàu PPC giới hạn kích thước dưới 20m và số khách đến 12 người là hạn chế DN".
Trong khi những tàu do chúng tôi sản xuất đã được đăng kiểm hiện nay có kích thước dưới 10m đã được chở đến 12 người thì những chiếc tàu lớn hơn cần phải được tăng sức tải nếu kết quả tính toán thiết kế bảo đảm an toàn”.
Trước các kiến nghị của DN, ngày 3/2/2017, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội đã có CV gửi Bộ GTVT khẳng định: “Ủy ban KHCN&MT nhận thấy kiến nghị của DN là có cơ sở thực tế; để thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ phát triển DN khoa học công nghệ và thúc đẩy ứng dụng vật liệu mới, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, chỉ đạo xử lý, trả lời DN”.
“Sau khi có ý kiến của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, Bộ đã chuyển đến CV Cục Đăng kiểm VN báo cáo Bộ về các nội dung liên quan đến phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu PPC.
Thực tế, trước khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 43 chỉ cho phép đóng tàu PPC có sức chở đến 12 người thì Cục Đăng kiểm VN đã cấp hồ sơ đăng kiểm cho hai tàu khách PPC có sức chở 32 người và 56 người do DN chế tạo và hai tàu khách này vẫn đang được sử dụng tại TP Nha Trang, Khánh Hòa.
Doanh nghiệp gặp khó
Ông Vũ Văn Đảo cho biết, đơn vị của ông đã có hợp đồng đơn hàng với khách hàng đóng 4 cano PPC dài tới 20m, có sức chở 20 – 35 người cho một công ty kinh doanh du lịch khai thác các tuyến du lịch biển Hoàng Hóa – Sầm Sơn; Hoàng Hóa – đảo Mẹ; Hoàng Hóa – cảng cá Hậu Lộc.
“Hợp đồng ký kết đóng 4 cano PPC có tổng trị giá hợp đồng là 4,8 tỉ đồng. Đơn vị đặt mua tàu cũng đã xây dựng bến bãi, chuẩn bị nhân lực đầy đủ chờ mỗi cano về. Chúng tôi cũng đã đóng xong lô hàng 4 tàu vật liệu composite, cano PPC chạy thử hiệu quả, an toàn và rất êm. Nhưng, khách hàng của chúng tôi không lấy tàu làm gì khi Cục ĐKVN không cấp đăng kiểm cho tàu” – ông Đảo mệt mỏi.
Để gỡ khó, Công ty Việt Séc đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Cục ĐKVN thực hiện việc đăng kiểm phương tiện theo hợp đồng đã ký nhưng Cục ĐKVN vẫn chưa trả lời chính thức.
“Việc này khiến chúng tôi thiệt hại không chỉ ở lô tàu đã đóng xong cho khách mà còn hợp đồng với một DN ở Quảng Ninh cũng đổ bể. Nếu Cục ĐKVN không cho chúng tôi biết phương hướng xử lý, chúng tôi sẽ phải đối mặt nguy cơ phá sản”.
Mới đây, Cty Việt Séc đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, Ủy Ban KHCN&MT của Quốc hội về vấn đề này và bày tỏ lo lắng khi DN đứng trước nguy cơ bị phạt hợp đồng và phải đóng cửa sản xuất.
Mới đây, ngày 19/5/2017, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có văn bản số 5178/VPCP – ĐMDN gửi Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, VPCP nhận được văn bản số 283/CV-VSC ngày 15/5/2017 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc kiến nghị việc tháo gỡ khó khăn trong công tác đang kiểm tàu thuyền PPC.
Văn phòng Chính phủ chuyển văn bản nêu trên đến Bộ GTVT để xem xét, xử lý và trả lời Công ty Việt Séc theo thẩm quyền , thời hạn trước ngày 09/6/2017.
Di Linh