1001 kiểu tiệc tất niên
Những buổi học cuối năm, không khí giảng đường các trường Cao đẳng, Đại học dường như sôi nổi hơn. Ngoài việc trao đổi những dự định Tết thì những cô cậu cử nhân tương lai cũng rục rịch bàn bạc cho những buổi liên hoan tất niên cuối năm.
Tất niên SV có đủ kiểu, tùy vào túi tiền, phong cách của mỗi người, mỗi nhóm. Từ các hàng quán sang trọng, đến các quán nhậu bình dân, quán vỉa hè… cỡ nào cũng có. Tiền “cạn” nên mức tiền đóng góp, cách thức, địa điểm liên hoan… đều được sinh viên chọn lựa rất kỹ càng nhằm tiết kiệm tối đa chi phí.
Dù nghèo nhưng sinh viên vẫn cố gắng tiết kiệm để có thể có một bữa tất niên rộn ràng với bạn bè trước khi về nghỉ Tết (Ảnh: LNV) |
Tùng (ĐH Thương mại) chia sẻ: “Cuối năm, cả lớp định tụ tập đi liên hoan nhưng bạn nào cũng hết tiền. Có bạn chỉ còn vài chục nghìn sống tạm mấy hôm đợi nghỉ học là về quê luôn. Có bạn còn không đủ tiền mua vé tàu về quê”.
Lúc đầu, ban cán sự lớp dự tính mỗi bạn đóng 100 nghìn nhưng thấy tình hình "bi đát" quá nên đã giảm xuống 50 nghìn, phần còn thiếu thì trích quỹ lớp. Mọi người cũng bàn tán sôi nổi nhưng đến khi chốt danh sách cũng chỉ được tầm hai chục bạn tham gia”.
Còn Chương (Đại học Công nghiệp Hà Nội) nhớ lại: “Hôm vừa rồi, chúng tớ tự nấu lẩu để liên hoan. Lớp tớ có 90 bạn nhưng khi liên hoan thì chỉ có 18 đứa chơi thân với nhau tụ tập. Lẩu của chúng tớ là dạng thập cẩm, vừa gà vừa bò luôn. Mỗi bạn chỉ cần đóng 50 nghìn là đã có một bữa liên hoan ra trò. Cả 18 đứa tụ trong cái phòng của tớ, tuy hơi chật nhưng mỗi người một công một việc, nói chuyện rôm rả nên vui lắm. Ngồi vui vẻ từ 8h đến 10h tối thì tiệc tan để các bạn nhà nào về nhà ấy, tránh giờ “giới nghiêm” của các chủ trọ”.
Nhóm của Hoài (Đại học Giáo dục - ĐH QGHN) cũng đã có buổi tất niên vui vẻ trước khi lui về nghỉ Tết. Cô bạn này hồ hởi chia sẻ về bữa liên hoan: “Cả đám đóng tiền tụ tập ăn uống, về sau cũng thiếu hụt túi bụi nhưng cuối cùng các bạn nam ga lăng đứng ra chi trả giùm nên sau buổi liên hoan ai ra về mặt mày cũng hớn hở”.
Hay lớp của Khánh (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) để tránh “viêm màng túi” trước khi nghỉ Tết, cả lớp đã kịp tổ chức một buổi liên hoan trước khi lên đường thực tập vừa để đón Tết sớm, vừa để chúc tụng nhau gặp nhiều thuận lợi khi thực tập.
Ngoài những bữa tiệc tự nấu, sinh viên còn nghĩ ra những cách thức liên hoan khác nhẹ nhàng và thú vị không kém như mua đồ ăn nhẹ, tất cả tập trung ở một địa điểm rộng rãi, thuận đường cho các thành viên rồi cùng nhau ăn uống.
Ăn xong, mọi người có thể đi chơi để tăng thêm không khí vui vẻ. Mặc dù hơi rét nhưng những buổi liên hoan cũng là buổi dạo chơi một vòng Hà Nội khiến nhiều bạn tỏ ra rất thích thú.
Những buổi liên hoan cuối năm thế này, vừa giúp sinh viên vui vẻ về quê ăn Tết vừa tạo ra không khí đoàn kết cho cả lớp và lưu lại những khoảng khắc đáng nhớ thời sinh viên.
"Cháy túi" vì ăn tất niên
Hòa trong không khí những ngày cuối năm, sinh viên cũng tất bật với các bữa tất niên. Dịp gặp mặt vui vẻ nhưng cũng kéo theo không ít hệ lụy.
Thời điểm này, người người nhà nhà đều quay cuồng trong các bữa tiệc tất niên cuối năm.. SV cũng không nằm ngoài vòng quanh đó. Chưa nói đến độ hoành tráng, số lượng các buổi tiệc tùng cuối năm của SV có khi còn “ăn đứt” dân công sở. Bởi đang tuổi ăn, tuổi học, tuổi giao lưu… họ có ti tỉ mối quan hệ. Nào là ở chỗ trọ, bạn bè cũng lớp, bạn học cũ, các nhóm hoạt động xã hội, từ thiện, lớp học thêm, lớp học năng khiếu… Trong nhóm lớn lại có các nhóm nhỏ thế nên dịp này nhiều SV vắt cổ “chạy sô” ăn tất niên.
Ở các xóm trọ SV, những ngày gần đây từ chiều đến đêm, khu nào cũng lai rai chén chú chén anh. Hôm xôm tụ thì có ngao sào ốc hến, két bia, hôm đơn giản chỉ vài đĩa lạc rang cũng xong, miễn là có đồ uống. Chính vì đơn giản mà việc tổ chức tất niên của SV càng trở nên dễ dàng, họ càng có nhiều cơ hội “say” liên miên trong các bữa gặp mặt.
Những "bữa tất niên" rất sinh viên như thế này sẽ là ký ức khó quên với mỗi người (Ảnh: TPO) |
Linh may mắn được ở thuê trong một xóm trọ thật vui vẻ và đoàn kết. Cả xóm chẳng khác nào một đại gia đình, ở đó, mọi người gắn bó và yêu thương giúp đỡ nhau. Những ngày giáp tết, cũng vừa kết thúc kì thi hết môn, cả xóm bàn nhau tổ chức bữa cơm tất niên cho ấm cúng, đồng thời chia tay nhau về tết. Ý kiến được cả xóm thông qua.
“Không làm thì thôi, đã làm phải thật hoành tráng” – đấy là ý kiến chung của mọi người.
Trước mắt, anh chàng này hô mọi người “ứng” trước 200k, còn thừa thiếu đâu tính sau. Kế hoạch được vạch ra là: ăn lẩu thập cẩm, gà, bò, hải sản… với phương trâm “cá, gà là chủ yếu, còn rau in ít thôi vì ngày thường ăn rau mãi chán rồi”.
Đồ nhắm cũng được “đại gia hóa” khi anh chàng quyết định thay rượu nút lá chuối bằng bia Hà Nội, kèm theo vài chai vodka “xịn”.
Xóm trọ của Linh rất tưng bừng vì kế hoạch tất niên. Nhưng để hoành tráng thì túi tiền cũng phải rủng rỉnh. Mà gần tết, cái gì cũng đắt đỏ. 200k với sinh viên, nhất lại trong những ngày áp tết quả không phải là nhỏ. Nhưng vì niềm vui chung, ai cũng cắn răng tìm cách vét hầu bao, có người thậm chí phải đi mượn khắp mới có tiền ăn tất niên.
Kết quả là: “Vui kinh khủng, tình cảm vô cùng. Nhưng ăn xong đứa nào cũng xót vì nhẵn nhụi tiền. Mình vẫn còn để lại được 50k để đi xe khách về quê, nhưng có đứa chẳng còn xu nào cả.” – Linh vừa nói vừa thở dài.
Còn Tiến, (SV Học viên Ngân hàng) vừa vác cây máy tính vào hiệu cầm đồ trên phố Lê Thanh Nghị vừa than thở: “Cuối năm, liên hoan triền miên...sợ quá!”.
Cái sự sợ mà cậu nói thì cụ thể như sau: “Nhậu với mấy thằng bạn thân trên lớp, nhậu với bạn trong khu KTX, liên hoan với dân đồng hương, hội chơi game, … Mà cuộc nào cũng không thể không tham gia, toàn bạn bè “chí cốt” cả!”.
Tiến tính: “Từ hôm “mùa vui” bắt đầu khoảng 1 tuần nay, mình tốn ít nhất cũng phải đến 250 ngàn đồng cho khoản này. “Tiền lương” bố mẹ gửi thì đã hết từ lâu lắm rồi, vé xe về quê cũng chưa kịp mua, bạn bè hầu như chung cảnh ngộ nên quyết định... cầm đồ cái máy tính lấy 1 triệu đồng”.
Huyền, SV năm cuối ĐH Hà Nội cho hay, rút kinh nghiệm năm ngoái vừa yếu, vừa đuối, vừa phải vay mượn khắp nơi để đi ăn tất niên nên năm nay cô lên kế hoạch cho mình ngay từ đầu. Chỉ những mối quan hệ thực sự thân và cần thiết cô mới tham gia họp mặt cuối năm. Còn nữa, Huyền thẳng thắn nói mình đi làm thêm, không xin nghỉ được. “Thậm chí có người gọi tụ tập em đành nói dối là về quê rồi. Em cũng lựa lời hẹn ra Tết gặp”, Huyền chia sẻ..
Tất niên là những cuộc họp mặt thân thiết cuối năm thế nhưng ngày càng “lan rộng” thành những bữa ăn nhậu của nhiều người. Để có một dịp cuối năm không bị hụt “hầu bao”, tỉnh táo cho năm mới, có lẽ các bạn SV cũng cần học cách lựa chọn buối gặp nào cần thiết, buổi nào không cũng như cách từ chối.
Tết đến luôn là thời điềm mất nhiều kinh phí cho các khoản chi "không tên". Chi tiêu hợp lý và biết dừng lại đúng lúc ở những cuộc vui, có thể sẽ giúp nhiều bạn sinh viên tránh được tình trạng "cháy túi" vào dịp cuối năm.
Lê Nho Việt