- Thưởng Tết cho người giúp việc thế nào cho thỏa đáng, vừa để giữ chân buộc họ sớm quay trở lại với công việc đang là nỗi băn khoăn của không ít bà nội trợ.
Thưởng theo “Luật Lao động”
Chưa biết thưởng Tết của mình ở cơ quan thế nào nhưng chị Thùy Linh (Ngọc Hà, Ba Đình) đã lên kế hoạch thưởng Tết cho người giúp việc nhà chị.
Chị Linh cho biết: “Bà giúp việc gắn bó với nhà tôi năm nay là năm thứ 3 rồi. Lương hiện tại tôi trả cho bà là 2,5 triệu/tháng. Năm nào cũng vậy tôi thưởng Tết bằng tháng lương thứ 13 giống như Luật Lao động. Lúc bà về quê thì mua thêm giỏ bánh mứt tầm 300 ngàn nữa”.
Năm nay kinh tế khó khăn, lương của hai vợ chồng đều bị cắt giảm, thế nhưng chị vẫn duy trì khoản thưởng Tết đều đặn cho người giúp việc. “Bà ấy chăm chỉ, sạch sẽ, tuy có hơi chậm chạp nhưng chăm con tốt cho mình là mình hài lòng rồi, không tiếc gì cả”, chị nói.
Theo kinh nghiệm của chị Linh, nên thưởng Tết cho người giúp việc sớm, trước khoảng 15 ngày để họ có thời gian đi mua sắm.
“Nhiều gia đình hay mua bánh kẹo, quần áo, đồ gia dụng thưởng Tết cho người giúp việc nhưng tôi thì cứ quy hết ra tiền. Tâm lý chung của ai cũng vậy, cầm tiền mặt vẫn thích hơn là quà, bởi quà họ không biết giá trị thực của nó là bao nhiêu”, chị Linh nói thêm.
Cũng áp dụng Luật Lao động để thưởng Tết cho người giúp việc, chị Hà An (Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính) tính toán: “Bác giúp việc mới làm ở nhà mình được gần 6 tháng, theo cách tính tháng lương thứ 13 thì lấy tổng lương của cả năm chia cho 12 tháng, như vậy là mình chỉ thưởng một nửa tháng lương thôi, 1,5 triệu”.
Qua những lần thay người giúp việc, chị rút ra kinh nghiệm là thưởng cho người giúp việc cũng cần có quy chế rõ ràng, không nên mỗi năm thưởng một kiểu, như thế sẽ có cớ để họ đem ra so sánh mà vòi vĩnh.
“Trước đây mình hay thưởng cho người giúp việc theo ngẫu hứng. Năm nào kiếm được nhiều thì thưởng nhiều, năm nào kiếm được ít thì thưởng ít. Bà giúp việc gần đây nhất làm cho nhà mình được hơn 3 năm, năm đầu tiên mình thưởng 1 triệu và một giỏ quà hơn 500 ngàn, năm thứ hai làm ăn được nên thưởng cho bà 3 triệu, năm ngoái đói kém nên chỉ thưởng cho bà 1 triệu và quên không mua quà. Thế là bà cằn nhằn sao thưởng ít thế, nọ kia, rồi bà đòi ra Tết qua rằm mới ra làm. Thế là mình cho nghỉ luôn, mấy tháng sau thuê người giúp việc mới bây giờ.
Nói chung với người giúp việc, mình càng chiều thì họ càng lấn tới. Mình phải rắn từ đầu thì mới dễ ứng phó trong các hoàn cảnh về sau”, chị An nói.
Đi làm sớm thì mừng tuổi hậu hĩnh
Một trong những mối lo của các gia đình là osin về nghỉ Tết quá dài, không chịu ra làm việc mặc dù gia chủ đã đi làm trở lại. Giải pháp được nhiều người lựa chọn là giữ lại một phần lương hoặc một phần thưởng Tết để giữ chân họ không bỏ việc.
Chị Thu Ngọc (Thái Thịnh, Đống Đa) cho biết: “Người giúp việc nhà mình đòi nghỉ Tết từ 25 âm và qua Rằm mới ra làm lại. Nhưng mình không đồng ý, vì mình làm đến 28 âm mới được nghỉ và mùng 9 âm là đi làm lại rồi, không có ai trông con. Mình bảo mình cần người trông con nên mới thuê chị, nên chị chỉ được nghỉ từ 27 đến mùng 9 âm. Mình trả hết lương, cho tiền xe về, cộng thêm một giỏ quà. Còn tiền thưởng Tết thì giữ lại, sau Tết chị ra đúng ngày thì mình trả, không thì cắt luôn”.
Nhà chị Ngọc có hai con nhỏ, Tết nhiều việc nên muốn người giúp việc lên sớm đỡ đần. Thế là chị khuyến khích người giúp việc lên sớm bằng cách hứa mừng tuổi hậu hĩnh.
“Nếu lên đúng ngày mùng 9 thì mình mừng tuổi 100 ngàn. Mùng 5 lên thì mừng 500 ngàn. Còn nếu mùng 2 lên thì mình mừng 1 triệu, công thêm tiền thưởng Tết 2 triệu nữa là đưa 3 triệu luôn. Nhà có con nhỏ, không có người giúp việc thì hai vợ chồng chỉ quay chóng mặt chăm con chứ chả còn Tết nhất gì nữa”, chị Ngọc nói.
Kim Minh