Không nhận khách ồ ạt

Đảo yến Hòn Nội cách đất liền khoảng 13 hải lý. Xuất phát từ bến cảng Yến sào cầu đá, du khách sẽ mất 30-45 phút di chuyển bằng ca nô, hoặc 1 tiếng rưỡi nếu đi bằng tàu gỗ. Đây là hòn đảo có bề dày lịch sử truyền thống ngành nghề hơn 700 năm, được đưa vào khai thác du lịch năm 2003 khi TP. Nha Trang (Khánh Hòa) tổ chức sự kiện Festival biển.

Tại vùng biển Nha Trang, chim yến làm tổ rất nhiều trên những hòn đảo rải rác ngoài khơi xa. Khách sẽ bắt gặp hình ảnh chiếc lều xanh nổi bật trên màu vàng nâu của đảo đá. Cậu hướng dẫn viên tên Công cho hay, đó là những lều trông yến. Đảo nào có lều là nơi đó có yến làm tổ và có hoạt động khai thác yến.

Thông thường, đảo chỉ đón khách từ tháng 4 tới tháng 9 hàng năm, vào mùa hè cũng là mùa biển lặng.

{keywords}
Những chiếc lều xanh báo hiệu trên đảo có yến làm tổ và có hoạt động khai thác yến
{keywords}
Mỗi ngày, công ty du lịch chỉ bán 300 vé ra tham quan đảo yến Hòn Nội. Ảnh Ngọc Hải

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc công ty Sanest Tourist, cho hay, để giữ gìn môi trường biển và đảm bảo phát triển bền vững, công ty không nhận khách ồ ạt. Với 2 ca nô và 2 tàu gỗ, tối đa chỉ 300 khách được ra đảo yến Hòn Nội mỗi ngày. Trước khi ra đảo, hành khách được yêu cầu dẫm giầy qua dung dịch khử khuẩn, không hút thuốc trên đảo, không ngủ lại qua đêm,...

Du khách tới đây được tham quan hang yến Hòn Sam, xem cách chim yến làm tổ và tìm hiểu truyền thống về ngành nghề yến sào Khánh Hòa. Tuy nhiên, không phải Hòn Nội mà Hòn Ngoại mới là hang yến tự nhiên lớn nhất ở nước ta, nhưng chỉ những người canh yến và thu hoạch tổ yến mới có thể tiếp cận. Du khách chỉ có thể quan sát từ xa.

Chim yến có tập tính bay đi xa kiếm ăn từ sáng sớm, đến tối mới về lại đảo. Vì thế, ở đảo yến Hòn Nội chỉ còn một số ít con đang mải miết tiết dãi làm tổ.

Ông Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ, chim yến đảo phân bố chủ yếu tại các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam, cụ thể là từ Quảng Bình đến Côn Đảo, Phú Quốc. Trong đó, Khánh Hòa có quần thể chim yến phát triển với số lượng ổn định và lớn nhất nước, khoảng 173 hang phân bố trên 33 đảo. Đây là loài cho tổ yến chất lượng hàng đầu thế giới, có giá trị kinh tế cao.

“Chim yến ban ngày bay đi kiếm ăn, chiều tối mới về nên việc du khách tham quan không ảnh hưởng nhiều đến việc làm tổ của chúng. Song, xác định đây là tour du lịch sinh thái biển đảo và vì mục tiêu khai thác lâu dài, chúng tôi vẫn hạn chế đưa khách ra đảo”, ông Hải nói.

Ra đảo yến gặp hải âu bay

Trong tưởng tượng của những du khách đến từ Hà Nội, ra đảo yến Hòn Nội (Nha Trang, Khánh Hòa) tất nhiên là xem chim yến. Nhưng, điều tạo nên cảm xúc đặc biệt, khác lạ của chuyến đi biển đảo lần này không chỉ là những chú chim yến nhỏ xinh, cần mẫn làm tổ, mà cả đoàn hết sức bất ngờ với đàn hải âu hàng trăm con chao liệng.

Chúng bay rợp trời, phát ra những tiếng kêu như reo lên chào đón, nhưng cũng để báo hiệu cho người coi đảo biết rằng có người lạ tới.

{keywords}
Hàng trăm chú chim hải âu chao liệng trên bầu trời như chào đón du khách

Ở đây có hai loại hải âu là hải âu trắng và hải âu đen. Có chú chim rất dạn, đậu lên cây tre làm chòi cho du khách dừng chân.

Theo anh Nhật, người trông coi đảo của công ty khai thác yến, dân vùng biển có câu “hải âu phi xứ”, tức với con chim này không nơi nào là nhà cả. Chúng có tập tục chọn những nơi yên bình để trú ngụ, đến khi biển động lại dời đi.

Tại vùng biển Nha Trang, hải âu tụ về đảo yến Hòn Nội từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm. Đó là chỉ dấu của biển êm, sóng lặng, mưa thuận gió hòa. Dựa vào chim hải âu, người đi biển có thể nắm bắt được tâm trạng của trời đất, biển cả,… để có phương án khai thác hợp lý.

{keywords}
Bãi tắm đôi nổi tiếng trên đảo yến

Tạm biệt đàn chim, du khách leo lên đỉnh Du Hạ cao hơn 90 mét so với mực nước biển để phóng tầm mắt ngắm bãi tắm đôi, được chia tách bằng dải cát trắng tinh. Rồi được ngâm mình dưới làn nước trong vắt của hai dòng thủy triều, một bên nước mát lạnh, một bên nước ấm, một bên nước lặng như tờ và một bên dập dờn sóng vỗ.

Trong rất nhiều đảo đang khai thác du lịch, thì đảo yến Hòn Nội vẫn giữ nguyên được vẻ hoang sơ. Tại các đảo như Nam Du (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cô Tô (Quảng Ninh),... cùng với việc phát triển du lịch, lượng khách càng ngày đông kéo theo đó rác cũng ngày càng nhiều. Riêng tại đảo yến Hòn Nội, nhờ hạn chế khách và có các biện pháp bảo vệ môi trường, nơi đây rất sạch sẽ không một cọng rác.

Ngọc Hà