Lòng tự hào trỗi dậy cao hơn tất cả những ý nghĩ thấp hèn để lấy những đồng tiền cắc bạc...
Tiến về Sài Gòn
Tháng 12 năm 1974, C282Q Công an nhân dân vũ trang (đơn vị B17 tại Hà Tĩnh) nhận lệnh hành quân vào Nam để chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Những chàng trai tuổi đôi mươi, có người chưa một lần yêu, hăm hở lên đường với ý chí quyết tâm đánh giặc giải phóng đất nước.
B17 di chuyển bằng những chiếc xe ôtô Zin 157. Huế - Đà Nẵng vẫn đang trong thời kỳ chiến tranh nên phải tranh thủ đi vào ban đêm. Đơn vị hành quân và dừng chân ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) do đường bị bom đạn cày xới không thể đi được. Đường mòn Hồ Chí Minh nhiều đoạn rừng dọc núi quanh co, bụi mịt mù dày đặc. Xe sau cách xe truớc khoảng 4 đến 5 mét là không nhìn thấy nhau.
Cựu chiến binh Hoàng Minh Duyệt vẫn giữ biên bản bàn giao kho vàng hơn 40 năm về trước. |
B17 hành quân vào đất Campuchia khi Tết cổ truyền của dân tộc ở nước bạn đang cận kề. Đơn vị dừng chân và ăn Tết trong niềm vui xen lẫn cảm giác nhớ nhà và nỗi lo lắng bởi nơi đây cách căn cứ địch đóng quân không xa.
Với cựu binh Hoàng Minh Duyệt thì đón Tết ở chiến trường giữa bom rơi đạn vãi, trong một cánh rừng thâm u bạt ngàn là một kỷ niệm không thể nào quên. Sau đó, đơn vị được cử đến Trung ương Cục miền Nam làm nhiệm vụ.
Sau khi Buôn Ma Thuột giải phóng, các đơn vị được lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam phổ biến kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng để tiếp quản các căn cứ tại Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. C282Q gồm 34 người được giao làm nhiệm vụ đi đầu để bảo vệ đoàn của Trung ương Cục miền Nam tiến về Sài Gòn.
Các xe đi đầu được trang bị súng B41 và sẵn sàng chiến đấu nhưng đơn vị của ông Duyệt không phải dùng tới một viên đạn nào. Tối 30 tháng 4, đơn vị được lệnh tiến vào Trường Cao Thắng tạm nghỉ chờ phân công nhiệm vụ.
Ông Duyệt tâm sự: “Dù tình hình khá yên ổn nhưng anh em chúng tôi vẫn hết sức cảnh giác. Chúng tôi chia nhau canh gác tại những chốt ki-ốt ở vị trí giáp Ngân hàng Quốc gia Việt Nam”.
Vào tới trường, mọi người bất ngờ vì gặp rất nhiều người trú ẩn. Hai bên đều cảnh giác đề phòng lẫn nhau. Cuối cùng, bộ đội phải dùng biện pháp kêu gọi những người còn trú ẩn ra trình diện và đầu hàng, nếu không sẽ chịu mọi hậu quả.
Mọi người hơi lo lắng nhưng sau khi nghe bộ đội giải phóng nói chuyện, giải thích trấn an thì tất cả nhẹ lòng. Sau đó, họ cùng bộ đội hát hò làm không khí trở nên ấm áp, đầy niềm vui và tiếng cười.
4h sáng 1/5, đơn vị thức dậy, bố trí đội hình cử người lên canh giữ Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (17 Bến Chương Dương, quận 1). Lúc đó, Chỉ huy truởng là ông Đặng Hồng Minh; Chỉ huy phó là ông Hoàng Minh Duyệt và ông Bùi Bá Lân là Chính trị viên.
Tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn, người giữ chìa khóa kho vàng. |
Đơn vị chia làm 3 xe, 2 xe lên cửa chính, một xe xung kích tiếp cận ở phía sau. Một tổ khác vòng ra phía sau khống chế viên thiếu tá cảnh sát đang chốt giữ lô cốt phía truớc ngân hàng bằng khẩu súng máy đại liên. Sự việc được giải quyết nhanh chóng, viên cảnh sát Ngụy buông súng đầu hàng.
Chỉ vài ngày sau đó, địch thuê những đứa trẻ dùng lựu đạn mini ném vào trước ngôi nhà 17 Bến Chương Dương, nơi các đơn vị đang tập trung nghỉ ngơi. Những ngày tiếp theo, địch vẫn không bỏ ý định phục kích, tấn công.
Sau khi đơn vị tiếp quản xong, cấp trên yêu cầu Công an vũ trang phải có một bộ phận đi tiếp quản căn cứ tồn trữ (nay là Tổng kho Thủ Đức). Đây là kho mà quân đội Sài Gòn chuẩn bị khối lượng lương thực thực phẩm đủ cho dùng trong 3 năm.
Những người đầu tiên tiếp quản kho vàng
Tâm trạng trong ngày giải phóng xúc động dâng trào, không ai nói gì nhưng mắt đỏ hoe, mong muốn lâu nay đã thành hiện thực, ai cũng làm hết sức mình, có người làm 2 – 3 mục tiêu.
“Lúc đầu khi đến ngân hàng, các nhân viên ở đây làm việc rất nghiêm túc, tiền vàng với số lượng lớn như vậy nhưng họ vẫn làm việc rất vô tư và trong sáng, mình mà có chút nhỏ nhen trong đó sẽ bị họ xem thường, không chỉ một mình mà cả đơn vị đều bị ảnh hưởng. Tôi dặn lòng làm điều gì đó không đúng nó giống như xúc phạm bản thân mình vậy” - ông Duyệt chia sẻ.
Trong đoàn quân tiếp quản ấy, ai cũng một lòng hướng về Tổ quốc, họ lao động miệt mài, bền bỉ, đầy trách nhiệm. Đó là Đặng Tài Ô, Hồ, Công, Dũng, Tuyết, Quỳnh, Linh... mỗi người phải xử lý hết một kho vàng tiền mà chẳng bao giờ suy nghĩ tơ hào việc gì cho riêng mình.
Buổi gặp mặt ấm áp, chân thành giữa những người bạn một thời cùng nhau đi qua thời khắc lịch sử của dân tộc. |
Số vàng đúc lưu giữ tại kho của Ngân hàng Quốc gia vào thời điểm đó gồm vàng thoi và các loại tiền vàng nguyên chất, nặng 12-14kg, tổng số vào khoảng 16 tấn. Trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng. Ngoài ra còn có ngoại tệ, các đồng tiền vàng. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau.
Trong khi thực hiện bài viết này, ông Hoàng Minh Duyệt đã nhiệt tình sắp xếp cho chúng tôi gặp Tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn, người trao chìa khóa kho vàng năm ấy. Buổi gặp mặt diễn ra ấm áp, đậm nghĩa tình của những con người một thời từng ở hai chiến tuyến, cùng nhau chứng kiến thời khắc thiêng liêng của lịch sử.
Tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn ngày đó là kiểm soát viên, làm việc trong Ban lãnh đạo Nha phát hành Ngân hàng Quốc gia. Ông Sơn là người giữ chìa khóa kho vàng, còn ông Lê Minh Khiêm giữ mã số các hầm bạc. Trong suốt thời gian hỗn loạn, kho vàng, hầm bạc vẫn được những người này quản lý an toàn tuyệt đối.
Chứng kiến buổi kiểm đếm hôm ấy có mặt của Chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân hàng Quốc gia Hoàng Minh Duyệt. Buổi kiểm kê diễn ra suôn sẻ, đúng và đầy đủ số vàng bạc, ngoại tệ so với sổ sách. Chúng tôi hỏi ông Duyệt lúc nhìn thấy vàng bạc nhiều như thế, các ông có nảy sinh ý nghĩ nào không?
Ông Duyệt dứt khoát: “Chứng kiến cách làm nghiêm túc, tác phong chỉn chu, đĩnh đạc và một thái độ nhiệt tình của anh Huỳnh Bửu Sơn đã làm cho mọi suy nghĩ tiêu cực không thể hiện diện trong đầu chúng tôi. Người ta giữ chìa khóa cả kho vàng khổng lồ mà còn không tơ hào gì thì mình làm sao dám suy nghĩ khác được”.
Còn Tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn, thì thời khắc kiểm kê để bàn giao tiền vàng được ông xem là nhiệm vụ quan trọng và ý nghĩa đặc biệt. Bản thân ông cảm thấy hạnh phúc bởi đất nước đã hoàn toàn độc lập. Sau này, Tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt chọn tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Ngày vui giải phóng
Sau giải phóng, đơn vị C282Q của ông Duyệt được phân bổ đi khắp nơi, nhiều nhất là về công tác tại Trại giam Thủ Đức (Z30D, Bình Thuận), số khác về trường cảnh sát làm công tác giảng dạy. Riêng ông Duyệt được điều về làm trợ lý tại Cục Chính trị Công an vũ trang, sau đó về Trường Sĩ quan Biên phòng II làm giáo vụ. Năm 1983, ông Duyệt chuyển ngành về Bộ Thương mại và nghỉ hưu.
Biên bản dù đã cũ, hoen ố nhưng vẫn luôn được ông Duyệt cất giữ cẩn thận. |
Có một kỷ niệm trong ngày tiếp quản về cây đàn guitar khiến ông Duyệt khắc cốt ghi tâm đến tận bây giờ. Số là ông Duyệt rất yêu văn nghệ, đánh đàn giỏi và hát hay. Lúc Quân giải phóng vào tiếp quản Ngân hàng Quốc gia thì một số người bỏ chạy, trong đó có một người phụ nữ đang mắc kẹt trong ngân hàng không đi được.
Bà tìm cách cho vàng, cho tiền và nói với bộ đội: “Các anh đã thiệt thòi nhiều quá rồi, tôi gửi các anh mỗi người một ít làm kỷ niệm. Bây giờ được gặp các anh như thế này cũng là những người trần mắt thịt nhưng các anh hy sinh nhiều quá, các anh xứng đáng được nhận những thứ tốt đẹp nhất”.
Không ai đáp từ lời thỉnh cầu ấy của người phụ nữ. Sau khi dẫn bà về nhà kiểm tra, ông Duyệt thấy bà có một bộ sưu tập đàn, gồm rất nhiều loại, trong đó có cây đàn guitar thùng, một bộ trống, 2 cây kèn saxophone, mấy cây violon.
Người phụ nữ ngỏ ý: “Nếu đơn vị các anh thích thì tôi biếu luôn”. Ông Duyệt cứ ngẩn ngơ nhìn cây đàn thùng gỗ với chiếc cần dài và chiếc thùng to ôm không vừa, loại đàn không cần gắn loa vì âm thanh rất to và rất vang.
Ông Duyệt tâm sự với cậu bạn tên Linh: “Nếu mà được, em lên xin bà cây đàn đó cho đơn vị, anh rất thích nó. Chúng ta chỉ lấy một cây đàn duy nhất đó thôi còn lại không lấy gì hết”. Hôm sau, thấy Linh vác cây đàn về, trong lòng ông Duyệt vui sướng không thể tả nổi.
Cây đàn như vật báu đối với ông Duyệt, đi đâu ông cũng ôm theo và đánh lên cho mọi người thưởng thức. Sau này, ông đã tặng lại cho một cậu bé, cũng vì cậu ta quá đam mê âm nhạc, yêu thích cây đàn mà không có điều kiện mua nó.
Những người lính năm ấy bây giờ mỗi người một nơi, một hoàn cảnh khác nhau. Ông Duyệt tâm sự với chúng tôi rằng, nguyện vọng lớn nhất của ông là có thể kết nối và tập hợp được các đồng đội năm xưa từ Bắc vào Nam, cùng nhau tâm sự về cuộc đời và sự nghiệp, nếu có thể thì sẽ giúp đỡ nhau, chia ngọt sẻ bùi như những ngày chiến đấu gian khổ.
(Theo Cảnh sát toàn cầu)