Đại diện VKS đưa ra quan điểm đối đáp cho rằng: Sau nhiều cuộc họp, bị cáo Đinh La Thăng đã có những kết luận, chỉ đạo trực tiếp Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) thực hiện chỉ định thầu.
Theo đại diện VKS, chỉ đạo của ông Thăng giải quyết vấn đề chỉ định thầu cho liên danh nhà thầu không đủ năng lực, là chỉ đạo trực tiếp. Bị cáo chỉ định thầu và bác bỏ yếu tố kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu không đảm bảo, miễn sao phía Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) đồng ý giá thầu là hơn 59 triệu USD.
Các bị cáo tại tòa |
Ngày 25/5/2009, liên danh nhà thầu đàm phán giá thầu, nhưng không đi đến được thống nhất giá 59 triệu USD nên sau đó đã báo cáo bị cáo Thăng.
Lúc này, bị cáo có bút phê chỉ đạo bị cáo Trần Thị Bình (cựu Phó TGĐ PVN), nếu PVC không đồng ý giá đó thì để PVB đàm phán với nhà thầu khác.
Để được chỉ định thầu, Trịnh Xuân Thanh tổ chức cuộc họp HĐQT, Ban TGĐ của PVC tổ chức họp, ban hành nghị quyết, đi đến thống nhất việc nhận thầu. Bị cáo Thanh khai, nếu bị cáo Thăng không chỉ đạo thì bị cáo đã không nhận thực hiện gói thầu này.
Theo đại diện VKS, bị cáo Thăng và Bình biết rõ liên danh nhà thầu do PVC đứng đầu không đủ năng lực, nhưng vẫn chỉ đạo thực hiện các thủ tục và tiến độ ký hợp đồng với nhà thầu rồi khởi công dự án.
Theo quy định của pháp luật, PVB là doanh nghiệp có quyền tự quyết định. Nhưng trên thực tế, PVB không thực hiện được quyền này. PVN đã thực hiện thay quyền này của PVB.
PVN thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các Dự án nhiên liệu sinh học, để thông qua đây có thể chỉ đạo, chi phối PVB.
Mặt khác, các thành viên HĐQT của PVB đều là những người đại diện của các công ty con của PVN nên PVN hoàn toàn có thể chỉ đạo, gây sức ép.
Phía VKS giữ quan điểm, hành vi của bị cáo Thăng và Bình đã cấu thành tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Không có cơ sở chấp nhận luận điểm mà bị cáo Thăng và luật sư đưa ra.
Quan điểm của đại diện VKS thể hiện: Trong vụ án này, giữa các bị cáo có sự thống nhất, câu kết với nhau cùng thực hiện hành vi tội phạm.
Đại diện VKS trong phần luận tội đã nêu, đây là vấn đề lợi ích nhóm tiêu cực. “Vì bị cáo Thăng có đặt vấn đề đối đáp về việc này nên tôi nói rõ, không phải nhóm lợi ích như bị cáo nói, mà là nhóm lợi ích tiêu cực, các bị cáo câu kết với nhau cùng thực hiện tội phạm thì đó là nhóm lợi ích tiêu cực”, lời vị đại diện VKS.
Lựa chọn của Trịnh Xuân Thanh
Thực hiện đối đáp, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp nhận chỉ đạo của Đinh La Thăng. Bị cáo thừa nhận đã được cấp dưới báo cáo PVC không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.
Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại tòa |
Nhưng do sức ép, Thanh vẫn đồng ý nhận thầu. Bằng việc chủ trì cuộc họp HĐQT, họp với Ban TGĐ, trên cơ sở đó ban hành nghị quyết chấp nhận nhận gói thầu. Đây là cơ sở để PVC thực hiện các bước tiếp theo của gói thầu.
Đối chiếu điều luật trong BLHS, đại diện VKS thấy các bị cáo ở PVC biết việc chỉ định thầu là trái pháp luật, nhưng vẫn thực hiện các thủ tục để việc chỉ định thầu hoàn thiện. Vì thế việc các bị cáo ở PVC bị truy tố với vai trò đồng phạm là có căn cứ.
Bị cáo cho rằng, hợp đồng giữa chủ đầu tư và PVC là dân sự, nhưng đại diện VKS khẳng định, đây không phải hợp đồng kinh tế độc lập, nó là chỉ định thầu trái pháp luật.
Phía các luật sư cho rằng, thời điểm xảy ra vụ án, BLHS chưa quy định hành vi của bị cáo. Tới năm 2018 mới có tội danh truy tố các bị cáo, vậy hành vi của bị cáo không được coi là tội phạm.
Đối đáp quan điểm trên của các luật sư, đại diện VKS viện dẫn các điều luật để chứng minh, việc truy tố các bị cáo theo điều 224 BLHS là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Theo đại diện VKS, hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh là đồng phạm, nhưng có vai trò cao hơn các bị cáo khác ở PVC.
Dù bị PVN chỉ đạo, nhưng PVB và PVC vẫn có sự độc lập. Với giá thầu hơn 59 triệu USD, PVC có thể nhận thầu hoặc không, nhưng Trịnh Xuân Thanh vẫn chọn thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng.
Tại tòa, bị cáo Thanh không nhận tội nên VKS cho rằng, chỉ có thể áp dụng có mức độ tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Ông Đinh La Thăng biện luận về thiệt hại trong dự án Ethanol
Hôm nay (11/3), phiên xử vụ Ethanol Phú Thọ tiếp tục với phần tranh luận. Được quyền tự bào chữa, ông Đinh La Thăng dành thời gian biện luận về thiệt hại của vụ án.
T.Nhung