Trước bài toán ngành giáo dục phải đổi mới toàn diện giáo dục ĐH, không ít lãnh đạo các trường ĐH băn khoăn: không biết bắt đầu từ đâu? Đây cũng là câu hỏi Trường ĐH Bách khoa đặt vấn đề với lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại buổi làm việc chiều 14/12.

TIN BÀI KHÁC:

Bộ GD-ĐT đang dự kiến giao tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH

Sẽ chỉ bắt đầu từ nóc


Trước "tư lệnh ngành" lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa nhìn nhận, đổi mới vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Do vậy phải xác định cho được những gì là căn bản, là cốt lõi, là động lực cho hệ thống tự đổi mới.

GS Nguyễn Trọng Giảng - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, đổi mới giáo dục (GD) ĐH trước hết phải đổi mới mô hình, nội dung chương trình đào tạo. Nếu không đổi mới mô hình đào tạo thì đổi mới GD ĐH sẽ chỉ bắt đầu từ nóc. Mặc dù được Bộ từng bước giao tự chủ từ năm 2009 và trường dần khẳng định mô hình một trường ĐH nghiên cứu nhưng còn đứng trước nhiều thách thức.

Còn PGS Huỳnh Minh Sơn, trưởng Phòng đào tạo nhà trường nhìn nhận, chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT là cơ hội lớn để thay đổi chất lượng GDĐH. Theo PGS Sơn, điểm xuất phát là cần đổi mới từ hệ thống bằng cấp và mô hình đào tạo, vì đây là nền tảng cốt yếu và động lực cho đổi mới cơ bản và toàn diện. “Hệ thống bằng cấp quốc gia phải rõ ràng thống nhất, đối chiếu được với hệ thống thông dụng trên thế giới. Mô hình đào tạo phải phù hợp với hệ thống bằng cấp, mềm dẻo và liên thông để có xây dựng chương trình đào tạo đa dạng phù hợp với nhu cầu người học”.

"Thực tế, bằng cấp của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là khi dịch ra tiếng Anh, rất khó để chuyển đổi liên thông trong nước và quốc tế, khó được thế giới công nhận" - ông Sơn nói.

Các đại biểu đều thống nhất, tự chủ ĐH là chìa khóa cho đổi mới quản lý ĐH. Sự phân cấp tự chủ cho các trường sẽ phát huy sức mạnh tối đa cho cả hệ thống. Nhà nước không cần làm nhiều việc, chỉ cần tạo cơ chế để các trường phát triển. “Phương tiện đi nhanh nhất đến mục tiêu đổi mới toàn diện, căn bản GD-ĐT chính là tự chủ ĐH cộng với cạnh tranh bình đẳng. Cần Luật hóa các quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường. Xây dựng lộ trình để tất cả các trường tự chủ. Trường phải được coi là một pháp nhân như một tập đoàn kinh tế”, vẫn PGS Huỳnh Minh Sơn nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tự chủ phải đồng nghĩa với tự chủ tài chính. Cần xây dựng cơ chế cho phép các trường khai thác sử dụng các nguồn lực khác như kinh phí hợp đồng đào tạo, nghiên cứu theo đặt hàng của địa phương, doanh nghiệp, kinh phí tài trợ, lợi nhuận đầu tư.. .Song song đó cần xây dựng các cơ chế quản lý và giám sát của Nhà nước, trong đó có các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia như chuẩn năng lực đầu vào, chuẩn các điều kiện bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra; hệ thống bảo đảm chất lượng và báo cáo công khai của các trường. Cùng với đó, tăng cường các cơ quan kiểm định độc lập, cơ quan quốc gia điều tra năng lực, khả năng việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh gia, giám sát trực tiếp của Bộ GD-ĐT.

Đáp lại ý kiến đề xuất, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhìn nhận, để tham mưu cho Chính phủ ban hành một Nghị quyết về đổi mới GD ĐH toàn diện cần huy động trí tuệ của các trường. Do đó, đổi mới toàn diện có nghĩa phải đổi mới tất cả các lĩnh vực, các ngành học và tất cả các khâu....

"Tuy nhiên không thể nói suông mà phải hành động từng bước" - Bộ trưởng nói. Với những kinh nghiệm của ĐH Bách khoa đã làm sẽ được nhân rộng. Và chắc chắn việc giao tự chủ cũng sẽ không giao đồng loạt mà sẽ bắt đầu từ các trường có năng lực, đủ điều kiện. Với những trường chú ý đến uy tín, chất lượng và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với nhà nước và trách nhiệm với bản thân sẽ được tự chủ hoàn toàn. Ngược lại những trường không chú ý đến quyền lợi người học, luồn lách sẽ bị xử lý...

Để làm được như vậy, vai trì của Bộ thiết kế khung luật đủ mạnh để các trường thực hiện - Bộ trưởng khẳng định.

"Chúng tôi muốn được tự chủ tài sản công"

Nhiều ý kiến cho rằng, các ĐH công của Việt Nam đang bị đối xử không công bằng. Cùng là ĐH nhưng ĐHQG được đầu tư nhiều hơn lại không trực thuộc Bộ. Thậm chí ĐH công đang bị bỏ đói? Cũng có ý kiến đề xuất, để đổi mới GD ĐH toàn diện thành công cần có quy hoạch xây dựng đề án triển khai phù hợp với từng giai đoạn 10 năm, 20 năm hoặc 30 năm... Tránh tình trạng một số đề án như "xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế" tốn nhiều thời gian, tiền của nhưng lại không hiệu quả.

PGS Huỳnh Minh Sơn đề xuất, cần có cơ chế bình đẳng giữa các trường thuộc loại hình, bình đẳng trên cơ sở như với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là cào bằng. “Đầu tư cho các trường có thể là Nhà nước hoặc tư nhân, nhưng giá trị pháp lý và nghĩa vụ của các trường phải như nhau. Để tránh cào bằng, việc phân bổ vốn đầu tư của Nhà nước phải dựa trên đặt hàng của Nhà nước và năng lực của các trường”.

"Phải xây dựng hành lang pháp lý để xóa bỏ các đặc quyền, độc quyền. Các trường phải được đối xử bình đẳng" - ông Sơn nói.

Còn PGS Nguyễn Cảnh Lương, phó Hiệu trưởng đưa ra các lí lẽ để chứng minh cho việc giao tự chủ cho các ĐH không thể chần chừ. Ông nói, sự bao cấp của Nhà nước đã mang đến sự trì trệ cho các trường. “Không có quốc gia nào tiến hành bao cấp hết cho các trường ĐH. Cần để các trường linh động trong việc sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp, tránh tình trạng như hiện nay là người giỏi ở các trường bị hút về công ty nước ngoài, sinh viên giàu có đổ xô đi học nước ngoài.

Theo PGS Lương, những bất cập trong quản lý hiện nay đối với GDĐH đã gây ra nhiều hệ lụy. Các trường bị trói buộc bởi cơ chế quản lý lạc hậu. Vì vậy, tự chủ phải bao gồm cả về học thuật (ngành học và chương trình đào tạo, tiêu chuẩn học thuật và chất lượng, phương thức tuyển sinh), tự chủ về tài chính (được khai thác các nguồn lực tài chính, sử dụng tài chính, tài sản, quy mô đào tạo và học phí), tự chủ về tổ chức và cán bộ.

Dĩ nhiên, khi đã được tự chủ, các trường phải tự chịu trách nhiệm đối với xã hội về chất lượng đào tạo, với Nhà nước về sự phát triển của hệ thống ĐH và đặc biệt là trách nhiệm với chính mình trong việc giữ gìn thương hiệu trường. PGS Nguyễn Cảnh Lương cũng đồng tình cho rằng cần gấp rút giao quyền tự chủ nhưng trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm sự phát triển ổn định, chưa thể giao quyền tự chủ ngay cho toàn bộ hệ thống. Thay vào đó cần tiến hành thí điểm cho một số trường có năng lực và tự nguyện, sau đó mới rút kinh nghiệm nhân rộng. “Các điều kiện để giao quyền tự chủ cần được bảo đảm một cách chặt chẽ”, PGS Lương kiến nghị.

GS Giảng tiếp lời, đổi mới đã tạo ra khí thế mới cho nhà trường. Tuy nhiên, trường vẫn mong muốn được tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện hơn. “Chúng tôi muốn được tự chủ về tài sản công, tự chủ về học phí cũng như các cơ chế ưu đãi khác phục vụ cho sự phát triển của trường. Học phí hiện nay quá bất cập, thu không đủ chi. Nhà nước không nên bao cấp cho giáo dục nghề nghiệp. Học phí ĐH cần được tính đúng tính đủ vì người học phải đầu tư cho tương lai của mình”, GS Giảng kiến nghị.

Buổi làm việc giữa Bộ GD-ĐT với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chiều 14/12 đã đi đến thống nhất: giao tự chủ cho trường ĐH không ồ ạt mà thí điểm ở những trường có điều kiện sau đó nhân rộng.

Về kiến nghị "được tự chủ tài sản công" người đứng đầu ngành phải tham vấn ý kiến Bộ Tài chính mới có câu trả lời cụ thể. Bộ trưởng cũng "nhắc nhở" ĐH Bách khoa trong việc đề xuất được "tự chủ toàn diện" nhưng lại không dám tổ chức thi riêng là cần phải xem lại. PGS Nguyễn Cảnh Lương đề xuất vẫn thi chung để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, Bộ vẫn muốn trường hiến kế bởi Bộ trưởng bật mí, ngoài 2 ĐHQG - Bộ huy động thêm trí tuệ của 16 trường ĐH trọng điểm trong đó có ĐH Bách khoa Hà Nội hiến kế cho cho Bộ trong việc đổi mới tuyển sinh.

Kiều Oanh