Trong chăn gối, nhiều quý ông phải đối mặt với một tình huống không vui: thái độ “bất nhất” của bà xã, lúc nồng nhiệt, lúc thờ ơ.
Lưu ý, cái đang bàn là thái độ trực tiếp với tình dục, không phải chuyện “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thường tình. Nghĩa là, cả khi tâm lý hớn hở, đương sự vẫn có thể đầy hờ hững với cuộc vui và ngược lại.
Nhiều ông chồng ví tình trạng này của bà xã là… “hai sim hai sóng”. Rõ ràng đây là một cái dằm khó chịu với gối chăn, một đòn “nắn gân” thần kinh chẳng chơi, khi người đàn ông xoay xoành xoạch với những cú gió đổi chiều không biết đâu mà lần của vợ.
Vậy, cái gì gây ra sự “thiếu lập trường” của các bà vợ này? Cái gì có thể khiến một phụ nữ lúc thì nóng phỏng tay, lúc lại trơ ra như khúc gỗ? Tuy không kể những cú “sáng nắng chiều mưa” do tâm lý nhưng hẳn không thể bỏ qua sức nặng buồn - vui, đặc biệt với những quý bà quý cô có tạng tâm lý mong manh dễ vỡ. Nếu đặt sang bên thủ phạm số một này, còn lại, có vẻ, câu trả lời đổ dồn vào một cái tên: hoóc-môn, chủ yếu là testosteron.
Ta đã biết, tùy lượng hoóc-môn tiết ra theo chu kỳ hằng ngày mà chúng ta có những “giờ vàng” cho chăn gối. Như vậy, nguyên cớ trước tiên là duyên kỳ ngộ: nếu ông xã phát động yến oanh đúng giờ “hoàng đạo” thì đáp ứng của các bà hẳn sẽ nồng nhiệt hơn nhiều giờ khắc “lệch ca” .
Tuy vậy, gọi đây là thủ phạm có vẻ không hợp bởi tuy lúc này lúc khác nhưng chúng có tính chu kỳ. Nghĩa là, không cần chuyên môn sinh lý gì, chỉ vài ba lần nhận ra vào giờ đó khắc ấy, hiền thê trở nên “năng động” hẳn lên, thì một người đàn ông bình thường nhất cũng biết phải chọn gió phất cờ, không phải đau đầu than thở “không hiểu nổi đàn bà”.
Không khó chuyển hướng điều tra sang sự mất kiểm soát xảy ra hoặc nơi sản xuất hoặc cơ quan điều tiết của các hoóc-môn này. Trong cơ thể phái nữ, những cái tên chính liên quan đến quá trình này là buồng trứng, thượng thận, trục dưới đồi - tuyến yên. Do vậy, những xáo trộn đến từ một rối loạn, khối tân sinh, nhiễm độc, tác dụng phụ thuốc men, mỹ phẩm… đều có thể gây ra biến cố kiểu “vô chính phủ” dẫn đến thất thường tình cảm với chăn gối. Lúc này, cách giải quyết duy nhất là thanh toán bệnh gốc. Trong rủi có may, nếu thủ phạm có thể “nhìn, sờ, gõ, nghe” được thì lối ra cũng dễ tìm hơn, tuy không phải tất cả.
Vậy, xét thực tế, các ông phải làm thế nào đối phó với tình trạng “hai sim hai sóng” của bà xã? Trước tiên, không nên bập ngày tình huống xấu nhất, mà cần tập trung vào chẩn đoán tâm lý. Nên nhớ, cả khi trục trặc thực thể là có thật nhưng chưa đủ gây hại thì muộn phiền thường đã đến trước. Chẳng hạn, người ta nhận thấy khi các triệu chứng tiền mãn kinh chỉ mới “tiền trạm” thì sự bất an tuổi xế chiều đã đủ khiến nhiều quý bà rơi vào cảnh ra ngẩn vào ngơ ngoài và trong bốn bức tường phòng the. Sau cùng, tâm lý đôi khí cắc cớ ở chỗ: nhiều bà thoạt đầu chỉ “lo ra” chút đỉnh nhưng nếu lo nghĩ không sớm được cất đi thì tình trạng “hai sim hai sóng” có cơ thành mạn tính khó sửa.
“Tâm bệnh” trên giường của các bà thì không kể xiết và đa phần chỉ có người đàn ông của họ mới có thể nhìn ra và cởi bỏ. Chưa nói, lắm khi các ông mới người thắt nút, và lần nữa rủi có may, nếu thành tâm sai thì sửa, thì việc các ông mang lại “mưa thuận gió hòa” cho bà xã không gì khó.
BS. Đỗ Minh Tuấn
(Theo SKĐS)