Sự kiện nằm trong kế hoạch triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025).

Hội nghị có đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bát Xát; cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể và 80 đại biểu là hội viên, phụ nữ xã Tòng Sành đã cùng nhau thảo luận quanh chủ đề “Đối thoại chính sách, pháp luật về phụ nữ, bình đẳng giới và một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em”.

Hiện nay, tại Lào Cai cũng như nhiều vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các vùng dân số khác bởi các định kiến và rào cản văn hóa. Mặc dù thời gian qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp phụ nữ vùng DTTS thay đổi nhận thức, tự vươn lên tham gia làm kinh tế, tham gia vào các công việc chính trị, xã hội.

Tuy đã có những tiến bộ, song, số đông chị em phụ nữ vẫn loay hoay chưa dám vượt qua định kiến, chưa biết cách vượt qua định kiến giành chỗ đứng cho bản thân và các chị em xung quanh.

Bởi vậy tỉnh Lào Cai nói chung và chính quyền cơ sở nói riêng xác định, thực hiện việc triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” với nhiều hoạt động và mô hình cụ thể thiết thực là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ này.

Việc triển khai dự án sẽ mở ra cơ hội để chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số chuyển đổi nhận thức, tự vươn lên trong cuộc sống.

Cách nay mấy năm, truyền hình Lào Cai đưa tin: từ một gia đình thuộc diện hộ nghèo, thường xuyên phải nhận trợ cấp của Nhà nước, nhờ kiên trì thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình chị Lò Lở Mẩy, thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát đã vươn lên trở thành một điển hình trong phát triển kinh tế, giúp nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

chimay.png
Chị Lò Lở Mẩy

Từ việc phát triển hiệu quả mô hình cây dưa hấu của gia đình, gia đình chị Lò Lở Mẩy đã vận động thêm 8 gia đình trong thôn cùng liên kết sản xuất hơn 2 ha cây dưa hấu và dưa lê. "Trên vùng cao chỉ trồng cấy được một vụ lúa, vì vậy, tôi đã vận động chị em trong thôn mở rộng mô hình trồng dưa để bán, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình", chị Lò Lở Mẩy, thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát cho biết.

Không chỉ phát triển trồng trọt, mới đây chị Lò Lở Mẩy tiếp tục đầu tư máy móc, thành lập nhóm may trang phục truyền thống với sự tham gia của 6 thành viên. Chị Mẩy cũng đã dành ra trên 100 triệu đồng cho một số chị em khó khăn trong thôn và một số thôn lân cận vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế. "Trước đây, ngoài làm ruộng thì tôi không có nghề gì thêm để làm, cuộc sống cũng vất vả lắm. Từ khi được chị Mẩy cho vào nhóm làm may trang phục truyền thống thì tôi vừa có tiền để tiêu, vừa giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình nên tôi mừng lắm", chị Lý Sử Mẩy, thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát chia sẻ.

Từ sự thành công của chị Mẩy, xã Tòng Sành cũng đã có nhiều việc làm thiết thực để động viên Nhân dân, nhất là phụ nữ các dân tộc vươn lên làm giàu. "Cũng giống như chị Lò Lở Mẩy, hiện nhiều chị em phụ nữ ở xã cũng đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, qua đó giúp ích cho thôn bản, cho xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mở nhiều lớp chăn nuôi, trồng trọt để bà con học tập và có việc làm ngay tại địa phương", ông Chảo Ông Phẩy, Chủ tịch UBND xã Tòng Sành, huyện Bát Xát nói.

Từ sự mạnh dạn và hiệu quả bước đầu trong chuyển đổi hướng phát triển kinh tế của chị Lò Lở Mẩy chắc chắn sẽ góp phần tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khích lệ sự vươn lên trong phát triển kinh tế của nhiều chị em hội viên phụ nữ trong tỉnh.

Hội nghị đối thoại diễn ra hôm 12/9, các đại biểu đã nêu 17 ý kiến liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế, chuyển đổi nghề; xây dựng nông thôn mới; nước sạch và vệ sinh môi trường; kế hoạch hóa gia đình; hỗ trợ hội viên phụ nữ thoát nghèo; giải pháp tìm đầu ra cho quả dưa hấu; một số chế độ, chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em…

Đây được xem là một tín hiệu tốt, cho thấy sẽ có những bước tiến dài trong ở huyện Bát Xát. Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở, đặc biệt với sự tiếp sức từ các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đang nỗ lực triển khai hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giúp họ thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, tới đây tại xã Tòng Sành nói riêng, ở huyện Bát Xát nói chung sẽ còn có thêm còn nhiều tấm gương như chị Lò Lở Mẩy.

Yên Minh