Mất tiền cho tất cả các dịch vụ từ nhà ở đến điện nước, vệ sinh nhưng với những người đi thuê trọ họ vẫn phải nhận vào không ít những tức tưởi mà chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Bị lột quần áo, đánh dã man vì ngủ chui
Nhận lời mời ngủ lại qua đêm trong phòng trọ của bạn mình, Thảo (SV ĐH Công nghiệp HN) đã bị chủ nhà bắt lột quần áo, đánh đập dã man và bắt nộp phạt...
Hành xử côn đồ với cái lý phòng trọ của tao
“Tao nói cho mày biết phòng trọ nhà tao không cho bất cứ đứa nào ngủ qua đêm, ngủ qua đêm phải báo chủ còn nếu không thì đừng có nói chuyện” - ông chủ trọ trú tại thôn Vân Trì - Từ Liêm - Hà Nội tuyên bố.

“Lơ mơ là tao đuổi!”

Câu chuyện “ngủ chui” của Thảo giờ đã “đâu vào đấy”, khu trọ lại trở về với nhịp sống hàng ngày, thỉnh thoảng vẫn có người nhắc lại nhưng cũng chỉ là để nhắc nhở nhau “biết mà tránh không có khi lần sau ông ấy đuổi thẳng cổ thì lại khổ”. Xung quanh những xóm trọ nơi thành phố vẫn còn bao câu chuyện tức tưởi giữa chủ trọ và kẻ đi thuê.

Vào học đại học mới được 2 năm đã phải chuyển nhà tới 4 lần, Nguyễn Thanh Tâm (ĐH Lao động Xã hội) nhớ lại: “4 năm học Đại học mình đã phải chuyển nhà tới 8 lần. Và bây giờ dù đã ra trường đi làm mình vẫn không biết đã có thể “ an cư” ở khu trọ này mà “lạc nghiệp” nữa không”.
 
Không cần lý do, không cần trình bày những chủ trọ vẫn cho mình cái quyền “nhà của tao” và thực hiện theo quy tắc “ai cần ai” ,còn người thuê trọ chỉ biết lắc đầu “khách hàng có phải lúc nào cũng là thượng đế đâu”.
Kể về lần bị đuổi khỏi phòng trọ gần đây nhất Trần Anh Minh (ĐH Xây dựng Hà Nội) không giấu nổi những bức xúc: “Đúng là đến bây giờ nghĩ lại thấy sao đời sinh viên đi thuê trọ lại khổ đến thế. Cho thằng bạn học gửi nhờ đồ, hôm ấy vừa dọn đống đồ ra cho nó chuyển sang nhà mới thì gặp ngay ông chủ nhà. Rồi cứ thế ông đùng đùng bảo “Mày muốn chuyển đi thì đi luôn đi. Đã thế tao không cho mày thuê nữa. Ngay hôm nay mày phải chuyển đồ ra khỏi nhà tao”.

Còn với Minh Hồng (ĐH Hòa Bình) cũng bị nhà chủ “tống cổ” chỉ vì mấy lần góp ý về việc tu sửa nhà vệ sinh cho xóm trọ của mình. Hồng chia sẻ: “Cửa nhà tắm nhà vệ sinh có vấn đề thì mình phải được quyền có ý kiến chứ. Nước thì thỉnh thoảng lại mất. Chúng mình mỗi người phải đóng 50 nghìn / người tiền nước và 20 nghìn tiền phí vệ sinh mà cứ nói đến là chủ trọ nói mình “lắm chuyện, ở được thì ở không thì đi chỗ khác”. Rồi sau mấy lần chủ nói thẳng với mình “Lơ mơ là tao đuổi”. Nhưng không ngờ, vừa có người đến hỏi thuê trọ là ông ta đuổi mình luôn”.

Và mỗi lần ra đi như thế dù bị nhà chủ đuổi hay không chịu được phải đi thì người đi thuê trọ vẫn là kẻ chịu thiệt đủ đường. Tiền mất đã đành nhưng rồi lại loay hoay tìm kiiếm và chỉ biết trông chờ vào sự may mắn. Đi thuê trọ cũng chỉ là đi ở nhờ!

Không cần lý do, không cần trình bày những chủ trọ vẫn cho mình cái quyền “nhà của tao” và thực hiện theo quy tắc “ai cần ai” còn người thuê trọ chỉ biết lắc đầu “khách hàng có phải lúc nào cũng là thượng đế đâu”.

Bao giờ “thượng đế” có quyền?


Đến nhiều khu trọ của sinh viên hiện nay, trong mỗi khu đều có những quy định riêng cộp mác của chủ nhà. Có khi được quán triệt từ giờ giấc sinh hoạt đến hoạt động cá nhân. Nói về vấn đề này, Thu Thủy (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Ban đầu đi thuê trọ đã là một mớ những quy định nhưng vào ở rồi vẫn còn này sinh ra đầy những quy định mới mà chủ trọ cứ thích là cấm”.

Còn với Cường và Vinh, sau khi nộp tiền phạt xong cho chủ trọ họ cho biết: “Cũng từ ngày hôm ấy, ông chủ lại “quá bộ” qua khu trọ nhiều hơn nhưng tuyệt nhiên không hề dành một lời hỏi thăm nào đến Thảo”.
 
Lếch thếch xách đồ đi rồi đến, ở rồi chuyển hàng ngàn người đang sống trong cảnh thuê trọ mà không có một quyền lợi gì đảm bảo cho chính mình.

Cường và Vinh cũng tâm sự: “Sự việc xảy ra cũng ngoài ý muốn. Chấp nhận đi ở trọ là chấp nhận quen dần với những chuyện bất ngờ theo hứng của chủ như thế. Không ít người bảo sao người trong khu trọ thấy thế mà không làm gì. Nhưng thực sự phải đi ở trọ mới hiểu được cảm giác sao lại cứ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” như thế. Bây giờ đụng đến chủ là coi như đụng đến nhà ở của mình rồi nên không ai dám làm gì cả”.

Lếch thếch xách đồ đi rồi đến, ở rồi chuyển hàng ngàn người đang sống trong cảnh thuê trọ mà không có một quyền lợi gì đảm bảo cho chính mình. Không một hợp đồng văn bản ký kết tất cả chỉ được quy ước bằng miệng. Và có thể phát sinh bất cứ lúc nào theo ý chủ.

Nói cho cùng, có lẽ, đời đi thuê trọ vẫn chỉ sống dưới cái quyền “phòng của tao, ở được thì ở không ở được thì đi”. Con đường đòi được chút quyền của chính mình của các thượng đế xem ra vẫn còn xa xăm và đầy vất vả?

Hồng Khanh