Câu chuyện mở cửa hay không mở cửa cho khách du lịch quốc tế là bài toán không dễ. Khi du lịch tạo ra việc làm cho 2,2 triệu lao động trực tiếp, đem lại doanh thu hàng chục tỷ USD.
Nhiều quốc gia đang rốt ráo chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách. Điều đó cũng có nghĩa, Việt Nam có thể bị chậm chân, mất nguồn thu lớn nếu không chuẩn bị.
Trong một chia sẻ mới đây, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, việc mở cửa đón khách du lịch nước ngoài là khao khát của ngành du lịch. Bởi vì, mở cửa sẽ giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm doanh thu, thậm chí không bị chậm chân so với các nước khác. Nếu bỏ lỡ cơ hội, khách quốc tế quen với thị trường du lịch khác rồi thì không đến Việt Nam nữa.
Năm 2020, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước. |
Trước đó, vào giữa tháng 4, Bộ VHTT&DL có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc thí điểm mở lại hoạt động du lịch quốc tế, bắt đầu từ tháng 7/2021. Ngày 17/4, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng cho biết, tỉnh đang xây dựng chương trình chủ động đón tiếp các đoàn khách nước ngoài về cách ly Covid-19 và du lịch tại Phú Yên nhằm kích cầu du lịch.
Dịp lễ 30/4, 1/5, nhiều tỉnh thành có kế hoạch bắn pháo hoa, tổ chức các chương trình lễ hội. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây ở các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, đặc biệt là Ấn Độ, hàng loạt tỉnh thành đã hủy chương trình bắn pháo hoa và các hoạt động lễ hội tập trung đông người, đồng thời nâng mức phòng chống dịch Covid-19 lên cao nhất.
Gửi ý kiến tới báo VietNamNet, độc giả Nguyễn Hồng cho hay: “Dịch bệnh các nước láng giềng đang phức tạp, đề nghị Nhà nước chưa cho đón khách du lịch với bất kỳ lý do gì”.
“Tôi cho rằng khó có thể mở cửa thị trường trong năm tới khi tình hình Covid-19 của thế giới còn phức tạp. Chỉ cần 1, 2 người nhập cảnh nhiễm bệnh thì chúng ta sẽ phải đối phó hậu quả rất căng thẳng”, bạn đọc tên Minh nêu quan điểm.
Bạn đọc Nguyễn Thiện nhìn nhận, nếu mở cửa chúng ta có thể giống Thái lan, Ấn Độ. “Thái Lan đã phải thay đổi kế hoạch tái mở cửa ngành du lịch do số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trong những ngày vừa qua. Mục tiêu thu hút 6,5 triệu du khách quốc tế như trong dự báo trước đây của Thái Lan đã sụp đổ hoàn toàn. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho nhiều nước trong đó có Việt Nam”, bạn Thiện nói.
Bạn đọc tên Định nêu quan điểm: “Chấp nhận hy sinh phát triển kinh tế để chống dịch đang bao vây chúng ta. Nếu không, ta sẽ trả giá đắt nếu phát sinh dịch trong cộng đồng”.
“Đừng tham một bát bỏ một mâm !”, Hà Vân nói. Còn độc giả tên Trường cho rằng: “Hãy tập trung chống dịch cho an toàn, còn những ai, đơn vị nào đồng ý cho mở cửa nếu đất nước xảy ra đại dịch sẽ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.
“Không được đánh đổi sức khỏe của người dân để lấy lợi ích của ngành du lịch”, bạn Công Tâm nói.
"Việc quyết định mở cửa khi nào và mở cửa như thế nào cho khách quốc tế vào Việt Nam thì một mình ngành du lịch không thể nói được. Quan điểm của chúng tôi là tất cả các bên cùng ngồi lại, cùng bàn, phải nhìn lợi ích của các bên chứng không chỉ nhìn lợi ích của ngành du lịch”, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch nói |
Kiên Phạm phân tích: “Việc phát triển kinh tế đang có mấy trụ cột: Công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Hai trụ công nghiệp - nông nghiệp đang phát huy tốt. Cần giữ vững. Dịch vụ, chúng ta phải tính toán. Mở cửa cho du khách nước ngoài vào, nếu mọi chuyện ổn định thì doanh thu thêm được bao nhiêu? Còn dịch bệnh thâm nhập thì tác hại và chi phí cho chống dịch là bao nhiêu? Con số này các bộ tính toán được (họ có đủ số liệu).
Trường hợp dịch bùng phát, tôi cho rằng, ngành du lịch cũng không có nhiều doanh thu, vì nhiều nước đang rất căng thẳng. Khách nước ngoài đi du lịch cũng không nhiều.
Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 này là thời điểm quan trọng cho chúng ta giữ được kết quả sau bao ngày tháng phòng chống dịch... Quân dân chúng ta đã căng mình kiểm soát dịch ở biên giới, biển đảo rồi, sẽ rất vất vả nếu dịch bệnh bùng phát ở trong nước”.
Vẫn có cơ hội cho Việt Nam
Đưa ra góc nhìn tươi sáng hơn, bạn Nguyễn Thảo Nguyên cho rằng: “Mặc dù dịch bệnh trên thế giới đang rất phức tạp nhưng không phải không có cơ hội cho Việt nam mở của đón du khách. Chúng ta lo lắng nhất là nhập cảnh trái phép còn đường nhập cảnh chính thức bằng hàng không thì hoàn toàn có thể an toàn và khả thi".
Từ bài viết có tiêu đề “Đề nghị mở hội nghị “Diên Hồng” bàn việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế” đăng trên VietNamNet, bạn Thảo nguyên cho rằng, không phải mở hội nghị bàn việc có mở cửa du lịch ngay bây giờ. Chúng ta cần mở hội nghị để lấy sáng kiến, chuẩn bị để khi thời cơ tới là mình chớp cơ hội.
Đưa ra quan điểm khác nhiều bạn đọc khác, Lê Cường cho rằng: “Theo tôi Nhà nước nên mở với những điều kiện như: Tiêm vắc xin cho các nhân viên dịch vụ, khách đã được tiêm vắc xin , yêu cầu khách và nhân viên dịch vụ chấp hành tiêu chí 5K”.
“Nếu có thể tôi cho rằng chúng ta nên "dành" riêng Côn Đảo hoặc Phú Quốc chỉ để đón khách quốc tế. Khi đó, chỉ có các chuyến bay quốc tế hoặc chuyến hàng chở nhu yếu phẩm cần thiết, để hạn chế tối đa lây nhiễm, đồng thời đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách thế giới. Tất nhiên điều kiện được tới các đảo này là phải có hộ chiếu vắc xin cũng như chứng nhận âm tính với Covid - 19”, bạn đọc Lê Viết Phú nói.
Đề nghị mở hội nghị “Diên Hồng” bàn việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế
Việc khi nào mở cửa đón khách du lịch nước ngoài, một mình ngành du lịch không thể quyết định mà các bên ngồi lại cùng bàn và Chính phủ cần cầm trịch việc này.
B. Ngọc