Nhìn tổng số vàng 5,5 lượng trên tay, chị Nguyễn Thị Kim Cúc ở Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, nay chị đi mua vàng giá 45,15 triệu đồng/lượng, đắt hơn hồi Tết nhưng chắc chắn sẽ rẻ hơn ngày Vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch).

Chị chia sẻ, vợ chồng chị có 2 đứa con, là cặp song sinh 1 trai 1 gái, năm nay 9 tuổi. Suốt 9 năm qua, cứ vào dịp Tết, bao nhiêu tiền mừng tuổi của các con chị để dùng để nuôi heo đất, mỗi năm nuôi một con. Đến khi 2 đứa tròn 6 tuổi, chị mua mỗi đứa 1 con heo đất cho chúng tự nuôi riêng.

Vậy là cứ lễ Tết được bao nhiêu tiền mừng tuổi, rồi mỗi lần được điểm 10 ông bà nội ngoại thưởng tiền chúng cũng nhét hết vào heo đất.

Cuối năm 2019 vừa qua, ông nội bán mảnh đất được một khoản tiền khá lớn nên Tết Nguyên đán ông quyết định mừng tuổi 7 đứa cháu cả nội lẫn ngoại mỗi đứa 20 triệu đồng. Hai đứa con chị cộng lại được 40 triệu, chị khoe.

{keywords}
Nhiều gia đình đi mua vàng Thần Tài khá sớm

“Nhân chuyện hai cháu được ông nội mừng tuổi số tiền khá lớn, vợ chồng tôi quyết định về mổ hết đàn heo đất của chúng xem được bao nhiêu tiền”, chị nói. Sau khi mổ hơn chục con heo đất, cộng qua vợ chồng chị bất ngờ khi 2 đứa con chị có 250 triệu đồng, tính cả số tiền ông nội mừng tuổi.

Tiền mừng tuổi thật ra có năm được vài triệu, có năm được hơn chục triệu đồng mỗi đứa. Con mình được mừng tuổi, mình cũng phải đi lì xì lại cho con người ta, chị Cúc chia sẻ. Nhưng nghĩ tiền mừng tuổi của con thì để dành cho con nên chị nuôi heo đất, không tiêu của chúng đồng nào. Mà đúng là tích tiểu thành đại, cộng dồn lại không ngờ lại được khoản tiền lớn thế.

Chị Cúc tính gửi tiết kiệm lấy lãi, đến tuổi chúng lớn dựng vợ gả chồng thì làm của hồi môn cho các con. Bởi, vợ chồng chị làm công ăn lương, cũng không buôn bán gì nên tiền này chỉ để gửi tiết kiệm hoặc mua vàng.

Nhưng chồng chị nói tiền càng ngày càng mất giá, để đến hơn chục năm nữa thì không biết còn lại giá trị bao nhiêu. Cuối cùng vợ chồng chị quyết ôm hết số tiền này đi mua vàng về tích trữ.

“Đây là năm đầu tiên vào dịp Thần Tài vợ chồng tôi mua nhiều vàng đến vậy. Bình thường những năm trước, vào ngày Vía Thần Tài tôi vẫn ra đây mua 1-2 chỉ vàng gọi là lấy may mắn”, chị nói.

{keywords}
Dù chưa đến ngày Vía Thần Tài, các cửa hàng đã nườm nượp khách tới mua vàng cầu may

Mọi người nói, đi mua vàng Thần Tài thì mua đúng ngày sẽ tốt hơn. Nhưng vợ chồng chị ngồi tính, trước kia mua đúng ngày giá vàng thường tăng 50.000-100.000 đồng/chỉ. Mua 1-2 chỉ vàng thì không sao. Còn năm nay mua tới vài lượng, nếu ngày mùng 10 tháng Giêng mà giá vàng cũng tăng như những năm trước thì vợ chồng chị sẽ bị mua đắt mất vài triệu đồng.

Chưa kể, năm nay có dịch viêm phổi do virus corona gây ra nên càng tránh đến chỗ đông người càng tốt. Do đó, chị quyết định đi mua vàng sớm hơn một ngày, chị Cúc cho hay.

Ghi nhận của PV. VietNamNet trước ngày Vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch), tại các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), lượng người tới mua vàng tương đối đông, có thời điểm khách đứng chật kín các cửa hàng.

Một số người đến mua vàng chia sẻ, vào ngày Vía Thần Tài họ sợ cảnh chen lấn, xếp hàng dài chờ cả vài tiếng đồng hồ mới đến lượt mua vào, trong khi năm nay dịch virus corona đang diễn biến phức tạp nên ngày Chủ Nhật (mùng 9 tháng Giêng âm lịch) họ tranh thủ đi mua vàng Thần Tài sớm.

Vào những ngày này, dù đa phần là tâm lý đi mua vàng cầu may mắn tài lộc cho cả năm, nhiều người chỉ mua 1-2 chỉ, song cũng có người mua vài lượng, thậm chí cả chục lượng vàng.

Băng Dương