Mỏ vàng chưa khai thác hết
Với lợi thế từ năm 2017 đến năm 2021, Việt Nam được vinh danh là điểm đến golf tốt nhất châu Á, đặc biệt là điểm đến golf tốt nhất thế giới năm 2021. Du lịch golf là một phân khúc thị trường đang có nhiều tiềm năng thu hút khách quốc tế từng bước mở cửa du lịch sau đại dịch.
So với Thái Lan, thị trường này Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh mẽ. Như dẫn chứng của chủ tịch Hội Golf Quảng Ninh cho biết, một đoàn khách Canada chuyển hướng sang Thái Lan vì chuyến bay dễ hơn, chi phí hợp lý hơn, thủ tục dễ hơn.
Theo ông Lê Hùng Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam, Thái Lan là điểm đến chơi golf của Đông Nam Á với lượng khách du lịch tới đây chơi golf chiếm 9% trong tổng lượng du khách mỗi năm.
Trong khi đó, lượng người chơi golf ở Việt Nam còn rất thấp, chỉ 1% nhưng ông Nam cho rằng, con số này sẽ tăng lên trong những năm tới bởi Việt Nam từng là điểm đến golf châu Á trong 5 năm liên tiếp. Ông dự báo, lượng người chơi golf trên thế giới vào khoảng 60 triệu người, do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục những du khách tới đây chơi golf.
Đánh giá về tiềm năng này, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, trước dịch, những người làm trong ngành du lịch đã nhìn thấy xu hướng du lịch golf, đã có bước chuẩn bị, đầu tư vào sân golf rất mạnh mẽ.
Thu hút khách du lịch bằng các giải đấu golf (Ảnh:D.A) |
Sau dịch, du lịch golf sẽ vẫn thu hút khách hạng sang, đẳng cấp, thân thiện với môi trường. Do đó, cần đẩy mạnh du lịch golf và phải đầu tư mạnh mẽ hơn, bởi đây được coi là loại hình du lịch an toàn, tránh tập trung đông người.
“Trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện nhanh, tự tin, thúc đẩy du lịch golf để thu hút du khách. Nếu không nắm bắt tốt các cơ hội, chúng ta sẽ để tuột mất và du khách có thể tìm tới những nơi khác”, ông nói.
Còn về thị trường golf trong nước, ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng giám đốc VGS cho biết, năm 2019-2020, số lượng người chơi golf thống kê được vào khoảng 26.000 người.
Năm 2021, con số này tăng lên đạt 51.000 người. Tỷ lệ người chơi golf, tiếp cận golf tăng nhanh. "Con số này chỉ chiếm khoảng 90% con số thực tế và sẽ còn tăng trưởng ngày càng tốt khi chúng ta mở cửa đón khách du lịch", ông Minh nói.
Thách thức thu hút khách
Thực tế, ngành du lịch golf còn nhiều hạn chế. Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel chia biết, chưa có chính sách để tạo điều kiện phát triển golf chuyên nghiệp. Hiện, chưa có đơn vị nào vào cuộc để có tour trọn gói cho du khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản trong khi đó ở Thái Lan, Malaysia đã có tour trọn gói giá tốt, nhờ sự vào cuộc từ Chính phủ, hệ thống cung ứng khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành.
Ông Nguyễn Mạnh Quân – Phó tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways đánh giá, việc tổ chức các tour du lịch để giữ chân khách hàng trong 7 ngày là một thách thức, đặc biệt là du lịch golf. Quảng Ninh có 3 sân golf, một sân ở rất xa, còn tại thành phố có 2 sân. Tour phổ biến 5 ngày mà chơi có 2 sân là thiếu. Theo ông Quân, tour thiết kế về Quảng Ninh "đẹp nhất" hiện nay là kết hợp giữa golf và du thuyền.
Lượng người chơi golf tại Việt Nam sẽ tăng trong những năm tới (Ảnh:D.A) |
Bàn về giải pháp thu hút khách chơi golf, ông Hà Văn Siêu cho rằng, các địa phương cần đa dạng sản phẩm, sân golf cần sẵn sàng để đón khách du lịch. Bài toán đề ra là tăng cường sự kết nối. Cần ứng dụng mạnh công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf. Những hoạt động của sân golf này kết nối với sân golf khác, địa bàn khác. Chính quyền cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp, lữ hành kết nối với nhau để mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, muốn golf vào được Việt Nam cần giảm thuế và vai trò quyết định là của các công ty lữ hành. Bởi khâu kết nối của công ty lữ hành với hàng không, sân golf, các địa điểm đến, nhà hàng, khách sạn... rất quan trọng.
Bên cạnh đó, Linh cho rằng, cần phải có các giải golf với giải thưởng đủ hấp dẫn với các golfer. Ngoài ra, du lịch golf nên hướng tới khách nội địa, chứ không chỉ khách nước ngoài.
Với golf tour nói riêng và du lịch hộ chiếu xanh nói chung, ông Đỗ Việt Hùng, Tổng giám đốc FLC Biscom kiến nghị, Chính phủ, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch, Tổng cục Du lịch, đẩy nhanh chính sách mở rộng giai đoạn 2 các tỉnh được đón khách quốc tế. Các địa phương phối hợp với doanh nghiệp, đón khách an toàn.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách golf như: vấn đề nhập cảnh; nghiên cứu cấp phép cho các tour golf trọn gói có thời gian ngắn hơn như 4 ngày 3 đêm, thay vì yêu cầu thời gian 7 ngày như hiện nay...Ngoài ra cũng cần xem xét điều chỉnh mức giá của tour golf phải phù hợp nhất, so với mặt bằng chung của Đông Nam Á bằng hoặc thấp hơn.
Hiệp hội golf Việt Nam cần hỗ trợ quảng bá kết hợp các sân golf, tạo thành vành đai, tour tuyến không chỉ đón khách du lịch nước ngoài mà còn cả khách du lịch trong nước, để tạo thêm trải nghiệm cho golfer.
Hải Phòng cố gắng là điểm đến thứ 8 đón du khách quốc tế Ông Trần Văn Ngọc, Phó giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, thành phố đã sẵn sàng phối kết hợp với Quảng Ninh để thực hiện các golftour. Theo ông Ngọc, golf kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển và hưởng lợi. Trong quý I năm sau, Hải Phòng sẽ có đề án trở thành địa điểm đón khách du lịch sớm nhất, cố gắng trở thành điểm đến thứ 8 đón khách du lịch quốc tế. Theo đại diện Sở Du lịch Hải Phòng, tỉnh này đang nằm trong top 10 tỉnh thành có tỷ lệ người chơi golf lớn trên cả nước với 3 sân golf chính đang hoạt động bên cạnh những sân nhỏ và sân đang tiếp tục xây dựng. Dự kiến, đến cuối năm 2022, Hải Phòng sẽ có 6 sân golf chính. |
Duy Anh
Dịch vụ cách ly, khai mỏ vàng du lịch golf
Đầu năm 2021, 59 du khách nước ngoài đã đến tỉnh Phuket ở miền Nam Thái Lan và cách ly tại một khách sạn cao cấp trong 14 ngày. Đây là một trong những nhóm khách du lịch đầu tiên đến Thái Lan theo chương trình "cách ly nghỉ dưỡng".