Ngày 2/4, Ban quản lý công viên địa chất, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã có chương trình làm việc với các nhà điều hành tour về công viên địa chất Lạng Sơn. Chương trình có sự tham gia của các đơn vị thuộc ngành du lịch Lạng Sơn và các công ty lữ hành.
Tại chương trình, bà Phạm Thị Hương (Phó Trưởng ban quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn) đã giới thiệu, quảng bá 4 tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn. Đồng thời, ngành du lịch Lạng Sơn sẽ phấn đấu đưa Công viên địa chất Lạng Sơn thành một sức hút, điểm đến mới, hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và khách du lịch trong và ngoài nước.
Ông Ninh Văn Sa (Phòng Quản lý Du lịch, Sở VHTT tỉnh Lạng Sơn) thông tin, năm 2023, Lạng Sơn đón hơn 3,9 triệu lượt khách, doanh thu hơn 3,1 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh Lạng Sơn có 300 cơ sở lưu trú với 3.784 buồng. Phấn đấu năm 2024 sẽ đón hơn 4 triệu lượt khách, doanh thu 4.300 tỷ đồng.
Sau khi nghe báo cáo của ngành du lịch Lạng Sơn, nhiều đơn vị lữ hành cho rằng lượng khách và doanh thu của tỉnh này còn thấp so với tiềm năng du lịch vốn có. Đại diện một số đơn vị lữ hành đã có những chia sẻ thẳng thắn và "hiến kế" cho ngành du lịch Lạng Sơn thu hút nhiều khách hơn.
Ông Đặng Xuân Phi (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Du lịch Chang) cho rằng, Lạng Sơn phải hiểu du khách cần gì và muốn gì. Cụ thể, tính kết nối của các địa phương cực kỳ quan trọng, không chỉ tập trung mỗi Lạng Sơn mà phải xem du khách sau khi đi các tỉnh lân cận thì có nhu cầu sang Lạng Sơn hay không.
Mặc dù giao thông tới Lạng Sơn hiện giờ đã phát triển nhiều so với thời gian trước, nhưng đường tới Lạng Sơn nhanh một cách nhàm chán, không có sản phẩm du lịch gì trọng tâm của địa phương nơi tuyến đường đi qua.
Để Lạng Sơn phục vụ tốt cho khách hơn nữa thì cần quan tâm việc đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ làm du lịch ở địa phương, các hợp tác xã hay địa điểm tham quan.
Còn ông Vũ Quyết Thắng (Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Vận tải Du Lịch Hoàng Việt) nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của Lạng Sơn rất khả quan, đặc biệt là những điểm mới liên quan đến Công viên địa chất Lạng Sơn. Tuy nhiên, đến hôm nay nhiều đơn vị lữ hành mới biết Công viên địa chất Lạng Sơn có những nét độc đáo để có thể phát triển du lịch.
Theo ông Thắng, trong thời gian tới, nhu cầu du khách đi du lịch bằng đường bộ sẽ tăng, trong đó tới Lạng Sơn sẽ nhiều vì giao thông tỉnh này phát triển rất tốt.
Lạng Sơn cần tập trung khai thác những tuyến điểm mới tại Công viên địa chất Lạng Sơn thay vì những địa điểm du lịch truyền thống có từ trước. Để làm được như vậy, cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước ngành du lịch cũng như sự phối hợp của những đơn vị khai thác du lịch để có một mức giá tour không đắt và hấp dẫn được du khách.
"Làm du lịch thì đơn vị nào cũng cần có lợi nhuận, tuy nhiên trong giai đoạn đầu thu hút khách tới những địa điểm mới của Lạng Sơn thì chúng ta nên đặt chỉ tiêu về lợi nhuận thấp thôi, tính về sau thì sẽ phát triển dài hơi hơn, lượng khách sẽ đều", ông Thắng chia sẻ.
Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Thanh (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch S Toàn Cầu) cho rằng Lạng Sơn hiện đang có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Ví dụ như đường cao tốc rút ngắn thời gian di chuyển, mạnh về các điểm văn hoá tâm linh.. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của Lạng Sơn hiện đang bị mờ nhạt.
Cũng theo bà Thanh, để sự mờ nhạt đó được tô đậm hơn thì Lạng Sơn cần đẩy mạnh về truyền thông. Ngoài ra, các đơn vị lưu trú tại Lạng Sơn cần phối hợp với những công ty lữ hành xây dựng một mức giá thống nhất.
"Để các công ty lữ hành đưa khách tới Lạng Sơn thì những đơn vị lưu trú tại đây cần thống nhất mức giá với công ty lữ hành, tránh trường hợp mỗi bên báo một giá lưu trú khác nhau gây hiểu nhầm cho du khách", bà Thanh cho biết.
Về vấn đề sản phẩm, mặt hàng phục vụ du khách, Bà Phạm Thị Giang (đại diện Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông, Lâm sản Lạng Sơn) cho rằng Lạng Sơn có sản phẩm hoa hồi cũng rất đặc trưng nhưng để nổi bật trong mảng du lịch thì trước nay chưa được quan tâm.
Theo đó, mặc dù công ty bà Giang đã phát triển hơn 30 sản phẩm liên quan đến hoa hồi nhưng lượng du khách tiếp cận còn hạn chế. Ngoài ra năm 2022, công ty bà Giang còn xây dựng một điểm dừng chân mang tên Hoa Hồi để giới thiệu sản phẩm của Lạng Sơn nhưng hầu như du khách tới đây không mấy mặn mà.
Với những chia sẻ khách quan của các đơn vị lữ hành, đại diện ngành du lịch Lạng Sơn đã xin tiếp thu để có những thay đổi trong thời gian tới nhằm thu hút thêm du khách đến với tỉnh nhà.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, ngành du lịch Lạng Sơn đã có lễ ký kết thỏa thuận đối tác với Công viên địa chất Lạng Sơn và nhiều công ty, đơn vị lữ hành.