Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

Vừa qua, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo” (TNTG) nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo (Luật TNTG); những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; kiến nghị giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật TNTG. 

Nội dung trọng tâm của cuộc giám sát là việc quản lý nhà nước (QLNN) về TNTG; việc thực hiện một số quy định về tài sản, tài chính cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo gắn với phát triển du lịch.

Chùa Bái Đính

Qua giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận thấy, qua hơn 02 năm thi hành Luật TNTG, hoạt động TNTG đã có nhiều thuận lợi, bên cạnh đó cũng còn một số vấn đề đặt ra trong thực tiễn mà chủ yếu liên quan đến khía cạnh thực thi Luật.

Về ưu điểm, Luật TNTG 2016 đã thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do TNTG của mọi người, kịp thời khắc phục những bất cập của Pháp lệnh TNTG năm 2004, quy định nhiều điểm mới, tiến bộ, ưu việt, đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền tự do TNTG, quyền bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật; tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động TNTG và cơ quan QLNN về TNTG.

Sau khi Luật được ban hành, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương theo quyền hạn, nhiệm vụ được giao đã tích cực ban hành các văn bản quy định hướng dẫn, thi hành; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, phối hợp, triển khai thực hiện, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ; tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật, sớm đưa nhiều quy định mới của Luật đi vào cuộc sống, khắc phục hiệu quả nhiều tồn tại, hạn chế trong thực tiễn, tạo niềm tin của người dân vào chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Các lễ hội TNTG nhìn chung diễn ra lành mạnh, tiết kiệm; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Quy hoạch đất TNTG có xu hướng tăng, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nhiều tiến bộ; việc quản lý, sử dụng tài chính của cơ sở TNTG cơ bản tuân thủ quy định trong Hiến chương của giáo hội hoặc tuân thủ quy chế quản lý, sử dụng nguồn thu của cơ quan hữu quan. Các tổ chức tôn giáo trên cả nước đã tham gia, có nhiều đóng góp trong hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo. Việc sử dụng cơ sở TNTG để phát triển du lịch những năm gần đây được quan tâm đã mang lại nguồn thu nhập, tạo việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở hạ tầng, góp phần chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai Luật TNTG và các văn bản hướng dẫn, quy định pháp luật liên quan còn một số tồn tại. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) còn một số bất cập; một số quy định chưa thực sự phù hợp thực tiễn, chưa đầy đủ và thống nhất giữa Luật TNTG với các luật liên quan; công tác tuyên truyền, phổ biến tuy đã được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao; việc áp dụng Luật vào thực tiễn ở một số nơi chưa thống nhất.

Công tác triển khai Luật ở không ít địa phương còn lúng túng. Quan hệ phối hợp giữa các Bộ, ngành ở trung ương, giữa các sở, ban, ngành ở địa phương; giữa cơ quan QLNN về TNTG với các tổ chức tôn giáo chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên.

Tổ chức bộ máy làm công tác QLNN về TNTG chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; năng lực QLNN của đội ngũ cán bộ, công chức ở một số địa phương còn chưa đồng đều; việc phân công, bố trí cán bộ làm công tác tôn giáo ở cấp huyện, cấp xã chưa hợp lý.

Việc giao đất TNTG, quản lý tài chính, xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo cơ sở TNTG còn tồn tại, bất cập. Vi phạm về hoạt động TNTG còn xảy ra ở nhiều hình thức nhưng việc phát hiện, xử lý có lúc, có nơi chưa kịp thời, quyết liệt, hiệu quả chưa cao, trong đó không ít vụ việc phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu lực QLNN và việc củng cố đoàn kết trong nhân dân.

Việc sử dụng cơ sở TNTG trong phát triển du lịch còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng.

Về nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, TNTG là hoạt động tinh thần, thuộc lĩnh vực văn hóa, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, cùng với việc lợi dụng tôn giáo gây khó khăn cho công tác quản lý TNTG. Nước ta có nhiều tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng phong phú, mỗi tổ chức tôn giáo lại có quy mô, mô hình tổ chức, hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau. Ngoài ra, thực tiễn còn có nhiều hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện và hoạt động phức tạp. Trong khi đó Luật TNTG chỉ quy định chung, bao quát cho tất cả các tôn giáo, đồng thời chịu tác động của các Luật liên quan khác nên cần thiết phải giám sát và hoàn thiện. Một số vấn đề về đất đai tôn giáo có tính lịch sử lâu dài và phức tạp.

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân chủ quan như việc chậm ban hành một số văn bản để hướng dẫn thi hành, triển khai Luật như: quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNTG; quy định về quản lý, sử dụng tài sản, tài chính cơ sở TNTG; nhiều địa phương chưa ban hành văn bản phân công về QLNN đối với cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn. Nhận thức của các cấp, các ngành, người làm công tác TNTG, người có đạo về chính sách, pháp luật về TNTG có lúc, có nơi còn hạn chế. Luật TNTG mới ban hành nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật về TNTG còn chưa được sâu rộng. Việc đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác QLNN về TNTG chưa được đầu tư đúng mức. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai tôn giáo; xây dựng, cải tạo cơ sở TNTG; quản lý tài sản, tài chính cơ sở TNTG của cơ quan hữu quan có nơi, có thời điểm chưa chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời. Ngoài chiến lược chung, nhà nước chưa có kế hoạch, chương trình, hướng dẫn trong phát triển du lịch sử dụng cơ sở TNTG.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng kiến nghị Quốc hội hoàn thiện hệ thống VBQPPL về TNTG, trong đó ưu tiên sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Di sản văn hóa, tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nhằm khắc phục bất cập trong thực tiễn; đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện Luật TNTG và các VBQPPL liên quan.

Đối với Chính phủ, chỉ đạo rà soát tổng thể, đánh giá toàn diện các quy định pháp luật liên quan đến TNTG; ban hành hoặc trình Quốc hội xem xét, ban hành VBQPPL nhằm khắc phục những hạn chế trong quy định của hệ thống VBQPPL. Chỉ đạo kiểm tra, đánh giá cơ chế quản lý tài sản, tài chính đối với các công trình TNTG, có cơ chế quản lý, bảo tồn, khai thác các công trình TNTG phù hợp, hiệu quả. Tăng cường nghiên cứu và đề ra giải pháp để hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn, phát huy văn hóa với mục tiêu phát triển kinh tế.

Đối với Bộ, ngành liên quan, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành Luật TNTG và các luật liên quan; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm; theo dõi và đánh giá thường xuyên việc chấp hành pháp luật của các địa phương, của các tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo; thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận và xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các phản ánh, khiếu nại, tố cáo về tình hình vi phạm Luật TNTG và các luật liên quan.

Các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai thực hiện Luật TNTG. Tăng cường vai trò, năng lực của cơ quan QLNN về TNTG, đảm bảo tôn trọng quyền tự do TNTG, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về TNTG. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong QLNN về lĩnh vực TNTG. Ban hành văn bản phân công trách nhiệm chủ trì tham mưu, quản lý hoạt động tín ngưỡng tại địa phương. Hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động của các cơ sở TNTG theo hướng thiết lập mối quan hệ, xác lập rõ quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong quản lý cơ sở TNTG để tránh phát sinh mâu thuẫn giữa các bên trong quá trình phối hợp quản lý cơ sở TNTG, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiểm tra, thanh tra đối với việc thi hành Luật TNTG và các luật liên quan, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm, không để tồn đọng, vi phạm kéo dài; nhất là các hành vi lợi dụng TNTG để kinh doanh, thu lợi bất chính.

Nguyễn Liên
Ảnh: Hoàng Hiệp