Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016 - 2021 cả nước có hơn 54.000 người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đủ điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu. Như vậy, bình quân mỗi năm có thêm 9.000 người hưởng lương hưu từ BHXH tự nguyện.

Luật BHXH năm 2014 quy định, chế độ hưu trí của BHXH tự nguyện liên thông với chính sách BHXH bắt buộc thông qua việc quy định điều kiện hưởng lương hưu giống nhau; cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH giống nhau; thời gian đóng BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc được cộng dồn. Điều này tạo điều kiện cho người lao động linh hoạt, tiện lợi chuyển đổi giữa 2 loại hình BHXH (tự nguyện và bắt buộc) phù hợp với quan hệ lao động, nhu cầu và khả năng tài chính của mình.

 Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng.

Tuy nhiên, thời gian qua, bộ, ngành, cơ quan có liên quan đánh giá, chính sách chưa đủ tính hấp dẫn do chưa có các chế độ ngắn hạn như với BHXH bắt buộc

Tương tự như chính sách BHXH bắt buộc, nhiều người lao động phản ánh việc quy định phải đóng đủ BHXH từ 20 năm trở lên mới đủ điều kiện hưởng lương hưu là quá dài, khiến nhiều người lao động không đủ động lực để tham gia BHXH tự nguyện.

Ngoài ra, dù chính sách BHXH tự nguyện được thiết kế hướng tới việc gia tăng số người nghỉ hưu, tuy nhiên thời gian qua số người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần là khá cao. 

Đơn cử đến 2021 cả nước có 1.449.820 người tham gia BHXH tự nguyện, nhưng số người hưởng BHXH tự nguyện một lần là 12.365 người (0,8%).

Đủ tuổi hưu không bị trừ tỷ lệ hưởng

Tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung quy định chuyển tiếp liên quan tới người tham gia BHXH tự nguyện trước khi luật mới có hiệu lực (dự kiến từ tháng 7/2025).

Theo đó, người lao động bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành và có đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ. Người tham gia BHXH tự nguyện không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu như với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi.

Bộ luật Lao động năm 2019 đề ra lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu, để lao động nữ làm đến 60 tuổi (tăng 5 tuổi), lao động nam đến 62 tuổi (tăng 2 tuổi) mới được nghỉ hưu. Theo đó, điều kiện thời gian chờ để được hưởng lương hưu cũng tăng dần.

Để vừa đảm bảo phù hợp với định hướng tăng tuổi nghỉ hưu chung, dự thảo luật BHXH sửa đổi đã bổ sung quy định chuyển tiếp với những trường hợp người lao động đã tham gia BHXH tự nguyện từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được hưởng nguyên điều kiện tuổi hưởng lương hưu như trên.

BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Công dân từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.