XEM CLIP: Người dân kéo nhau vào hầm mỏ doanh nghiệp

Khoảng 5h sáng ngày 27/5, sau tiếng nổ lớn, 1 hố sâu xuất hiện tại gia đình chị Lê Thị Nga (trú tại bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) có đường kính rộng gần 8m ngay dưới phòng ngủ của gia đình. Gia đình chị Nga tháo chạy ra ngoài, nhờ hàng xóm tới di chuyển tài sản tới nơi an toàn.

Sau sự việc xảy ra, rất đông người dân xã Châu Hồng kéo đến nơi khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang để đi vào bên trong đường hầm.

Hố lớn ở nhà dân...
... lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp đến hiện trường kiểm tra và ghi nhận sáng nay - Ảnh: CTV

Khi được tận mắt chứng kiến hang khai thác của doanh nghiệp, người dân tỏ rất bất ngờ và bức xúc: “Con đường vào hang rộng hơn cả đường nhựa, nhìn rất sợ. Điều đáng nói là ở đây còn có nhiều cửa hang khác xung quanh”.

“Dân ở đây khổ lắm. Nhà không có mà ở, sụt lún hết rồi còn đâu”, một người dân khác chia sẻ.

Những người tại đây cho biết, họ không vào đây để phá hoại tài sản của doanh nghiệp, rất mong nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sớm tìm ra nguyên nhân cho hiện tượng sụt lún, “hố tử thần”, giếng cạn trơ đáy xảy ra bất thường, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Người dân kéo nhau đi vào khu vực khai thác khoáng sản để kiểm tra...
... dòng người đi vào hầm mỏ - Ảnh: Hồng Thắng

Đây không phải là lần đầu tiên xã Châu Hồng xuất hiện các hố sâu như vậy. Chiều ngày 16/5, trong lúc làm ruộng, người dân cũng phát hiện 1 hố sụt lún nằm giáp ranh giữa bản Công và bản Na Hiêng (xã Châu Hồng) rộng khoảng 3m, sâu hơn 15m.

Theo báo cáo mới nhất của UBND xã Châu Hồng, đến nay đã có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục hố sâu. Trong khi, toàn xã có chưa đến 1.000 hộ dân.

Xã Châu Hồng được xem là thủ phủ khoáng sản với 11 doanh nghiệp khai thác. Người dân xã Châu Hồng cho rằng nguyên nhân tình trạng sụt lún, giếng cạn bất thường là do khai thác khoáng sản làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Khẩn cấp di dời nhà dân đến nơi an toàn

Hôm nay (27/5), trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, đoàn công tác huyện vào kiểm tra, ghi nhận hiện trường vụ sụt lún ở nhà dân. Đồng thời, yêu cầu chính quyền xã hỗ trợ người dân di dời khẩn cấp tài sản đến nơi an toàn.

Người dân đi vào bên trong đường hầm chụp ảnh, quay phim - Ảnh: HT

“Người dân đi vào hầm mỏ để xem doanh nghiệp làm đúng như thông báo của huyện và tỉnh là dừng khai thác nước ngầm. Để xảy ra sụt lún đã khiến người dân hết sức hoang mang. Do đó, người dân kiểm tra thực tế  và thấy doanh nghiệp không còn bơm hút nước nữa. Sau đó, tôi trực tiếp giải thích cho người dân và tuyên truyền để rời khu vực mỏ” – ông Lợi thông tin.

Ngay sau khi di dời người vùng bị ảnh hưởng, chính quyền địa phương đã khoanh vùng, rào chắn và cảnh báo khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng canh gác tại vị trí bị sụt lún.

Hầm mỏ được dựng kiên cố chắc chắn - Ảnh: HT

“Chúng tôi đã yêu cầu xã rà soát lại tất cả các hộ dân cần phải di dời khẩn cấp trong đợt này. Trong chiều nay (27/5), UBND huyện tiếp tục vào làm việc với chính quyền xã và người dân để bàn các giải pháp. Để đảm bảo phương án lâu dài, chúng tôi đang chờ kết luận cuối cùng của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) do UBND huyện Quỳ Hợp hợp đồng thuê điều tra, khảo sát đánh giá.

Trong trường hợp kết luận có ảnh hưởng đến đời sống người dân về nhà cửa, sinh hoạt thì sẽ xây dựng phương án tái định cư mới. Chúng tôi đang đốc thúc đơn vị được thuê khảo sát làm nhanh để chính quyền địa phương có giải pháp lâu dài” – ông Lợi khẳng định.

Hòa Bình - Quốc Huy