ĐỒNG TÂM, ĐỒNG LÒNG, ĐỒNG SỨC VƯỢT QUA KHÓ KHĂN QUYẾT TÂM CHIẾN THẮNG ĐẠI DỊCH COVID-19

                                                                      

Đỗ Trọng Hưng,

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

 

Chúng ta bước vào nhiệm kỳ mới - nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh đặc biệt. Đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực, kéo theo sự suy thoái về kinh tế và khủng hoảng về xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, sau một thời gian kiểm soát tốt tình hình; từ ngày 27-4-2021 đến nay, đại dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại, lan rộng ở hầu hết các tỉnh, thành phố, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, tác động nhiều mặt đến các hoạt động xã hội và đời sống Nhân dân.

Trong bối cảnh đó, cùng với cả nước, Thanh Hóa cũng đã trải qua những thời điểm rất khó khăn khi phải căng mình đối mặt với nguy cơ đại dịch COVID-19 có thể xâm nhập, bùng phát và lây lan ra cộng đồng bất cứ vào ai, ở đâu, lúc nào. Đây chính là phép thử lớn nhất đối với năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và bản lĩnh của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Như câu tục ngữ “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, gian nan thử thách chính là lò luyện trui rèn tài năng, bản lĩnh, sức chịu đựng của con người; vì vậy, gian nan càng nhiều thành công càng lớn, càng vinh quang hơn. Thấu triệt tinh thần đó, với quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và mạnh mẽ các biện pháp để vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn về sức khỏe cho Nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm, mà nổi bật nhất là đã tổ chức thành công rất tốt đẹp Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, rải rác các ca bệnh xâm nhập đều được giám sát, phát hiện sớm, chạy đua với thời gian, xử lý triệt để ngay từ đầu, hạn chế tối đa các trường hợp F1, F2, không để dịch lây lan diện rộng.

Để có thể ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch bệnh; bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ, tham gia đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; có vai trò rất quan trọng của đội ngũ cán bộ y tế, chiến sĩ quân đội, công an nhân dân, các lực lượng xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Chính những con người ấy đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, tận tâm, tận lực, có mặt tại những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất để làm tốt công tác phòng, chống dịch, đem lại cuộc sống bình yên cho mỗi chúng ta.

Trong muôn vàn gian khó, với tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Vì miền Nam ruột thịt”, cùng hành động có trách nhiệm với đất nước; cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã dành những tình cảm sâu nặng, nghĩa tình, tích cực hưởng ứng tham gia đóng góp sức người, sức của cho Nhân dân các tỉnh, thành phố là những địa bàn có dịch, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vượt qua dịch bệnh. Thực hiện lời kêu gọi toàn dân, toàn quân chung tay phòng, chống dịch COVID-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và của Bộ Y tế; Thanh Hóa đã điều động 59 cán bộ y tế, là những y, bác sĩ và điều dưỡng viên giàu nhiệt huyết, không quản ngại gian khổ, hy sinh, đem theo sức trẻ, khát khao trị bệnh, cứu người, xung phong đến tuyến đầu để tham gia phòng, chống dịch bệnh, mang theo tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và ngành Y tế Thanh Hóa đến với thành phố Hồ Chí Minh, quyết tâm cùng Nhân dân thành phố mang tên Bác sớm vượt qua đại dịch.

Cùng với sự hy sinh thầm lặng và những nghĩa cử cao đẹp của đội ngũ thầy thuốc; hưởng ứng Tuần lễ “Hướng về Thành phố mang tên Bác” do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động; đã có hàng triệu tấm lòng thơm thảo của những người con quê Thanh tích cực tham gia ủng hộ bằng tiền và hiện vật để tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Chỉ sau 04 ngày phát động, từ ngày 17 đến hết ngày 20-7-2021, toàn tỉnh đã huy động và tiếp nhận 565 triệu đồng và 1.645 tấn hàng hóa các loại, gồm: Gạo, lạc, đậu, miến, cá khô, moi khô và các nhu yếu phẩm khác. Có thể nói, trong khó khăn, hoạn nạn, lòng yêu nước, yêu quê hương vô bờ bến và những tình cảm tốt đẹp của người xứ Thanh lại càng tỏa sáng, đẹp đẽ và cao cả hơn bao giờ hết. Đó là hình ảnh của cụ Vi Thị Mão, 103 tuổi ở xã Bình Lương, huyện Như Xuân; cụ Hoàng Thị Nhâm, 101 tuổi ở thôn Thanh Xá 1, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, đến hình ảnh của các em thiếu niên, nhi đồng chắt chiu từng hạt gạo, từng kg lương thực, thực phẩm, từng bữa ăn sáng… gửi trọn cả tấm lòng thương yêu “Vì miền Nam ruột thịt” đến với Thành phố mang tên Bác.  

Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường của dịch bệnh, để san sẻ kịp thời gánh nặng cho các địa phương đang có dịch; với trách nhiệm, tình cảm của mình với cả nước, các lực lượng chức năng tỉnh ta đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện, đặc biệt là khu cách ly tập trung để tiếp nhận người lao động, người dân nhập cảnh về nước và từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và tới đây là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu trở về địa phương, bảo đảm đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch. Đây là nghĩa cử cao đẹp, thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân ái với những người con xa xứ. Đó cũng chính là tiếp nối và làm cao dày hơn truyền thống tốt đẹp của ông cha ta trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta suốt mấy nghìn năm qua.

 Kết quả mà Thanh Hóa đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua là rất phấn khởi, nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn rất gian nan và đầy thử thách. Trong thời gian tới, cùng với số lao động người Thanh Hóa đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành phố có dịch, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về địa phương; tỉnh ta cũng sẽ tiếp nhận thêm các công dân nhập cảnh về cách ly; vì vậy, số người từ vùng dịch về lưu trú tại Thanh Hóa sẽ tăng lên. Thách thức đặt ra với công tác phòng, chống dịch COVID-19 là rất lớn.

Để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh COVID-19 có thể xảy ra; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Phấn đấu mỗi người dân trong tỉnh chủ động cùng các cấp, các ngành làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để mỗi người, mỗi nhà, mỗi địa phương, đơn vị và toàn tỉnh là những pháo đài vững chắc mà dịch bệnh COVID-19 không thể xâm nhập.

Cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo phương châm bốn tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; trong đó phải nhận diện, đánh giá đúng mức độ, nguy cơ dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tiễn, coi trọng nhận diện từ xa, từ sớm, từ cơ sở để chỉ đạo triển khai các biện pháp phù hợp với từng địa bàn, gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm từng địa phương an toàn, để toàn tỉnh an toàn. Thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc xin, theo phương châm “Siết chặt công tác phòng, chống dịch từ bên ngoài bằng biện pháp thích hợp nhất, nới lỏng bên trong một cách có kiểm soát; phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, truy vết thần tốc, bao vây, phong tỏa diện hẹp, giãn cách diện rộng, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, sớm ổn định tình hình”. Trước mắt, cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện, đặc biệt là các khu cách ly tập trung và các địa chỉ cách ly tại gia đình (nếu được cơ quan chức năng khẳng định đủ điều kiện) để tiếp nhận người lao động và người dân từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu trở về địa phương, bảo đảm đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch; đồng thời triển khai nhanh, bảo đảm chính xác các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01-7-2021 của Chính phủ.

Trong cuộc chiến không tiếng súng này, khi điều kiện nguồn vắc xin phòng ngừa COVID-19 có hạn, thì không có vắc xin nào hiệu quả bằng sự đoàn kết, đồng tâm, đồng lòng, đồng sức của từng người dân. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và phương châm “Mỗi người dân là một chiến sĩ, là lá chắn thép” trên trận tuyến chống dịch; hơn bao giờ hết, mỗi người dân trong tỉnh hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm với xã hội, tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; không đi, không đến vùng có dịch, không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết; thực hiện tốt yêu cầu 5K (Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế); tiếp tục chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ công tác phòng, chống dịch và kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch để có biện pháp xử lý kịp thời.

Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”, tin tưởng chắc chắn rằng, Thanh Hóa sẽ cùng cả nước hoàn thành “Mục tiêu kép”, vừa chiến thắng đại dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, sớm trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc./.