- Theo các chuyên gia, dù có dược lý rất phong phú nhưng người tiêu dùng không nên thần thánh hóa, coi đông trùng hạ thảo là thần dược chữa bách bệnh.

Những ngày qua, nhiều trang báo của Trung Quốc dẫn các ý kiến của chuyên gia cho rằng đông trùng hạ thảo (ĐTHT) không có nhiều công dụng như lan truyền và gọi đây là "cú lừa thế kỷ". Vậy đâu là sự thật?

Quý nhưng không phải thần dược

Năm 2006, TS Phùng Tuấn Giang (nhà thuốc Thọ Xuân Đường, Hà Nội) là người may mắn được đến 2 vùng có chất lượng ĐTHT tốt nhất tại Thanh Hải, Tây Tạng, Trung Quốc và cùng với người dân bản địa đi thu hái loại thảo dược này.

Thời điểm đó, sản lượng mỗi vùng cực kỳ hạn chế, chỉ từ 600-800kg.

“Với sản lượng ĐTHT thiên nhiên thấp vậy thì việc tiêu thụ tại Trung Quốc còn không đủ, lấy đâu sang nước mình. Chưa kể càng ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu quá lớn”, TS Giang nói.

{keywords}
TS Phùng Tuấn Giang tại Tây Tạng hồi tháng 5/2006

Theo ông, chính vì quá hiếm nên ĐTHT bị đồn thổi về tác dụng, khiến ai cũng nghĩ đó là thần dược chữa bách bệnh.

“Tôi khẳng định ĐTHT là thảo dược quý nhưng không phải thần dược trị bách bệnh. Nó cũng giống như các vị thuốc thông thường thôi”, TS Giang nhấn mạnh.

Theo TS Giang, trong y học cổ truyền, tác dụng chính của ĐTHT là vị thuốc quý bổ dưỡng, nâng cao sức khỏe, tăng miễn dịch, phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân sau ốm dậy, sau điều trị bệnh mãn tính, nan y, tốt cho việc tăng cường hormone sinh dục nam, trong những trường hợp đột quỵ, tai biến mạch máu não...

Đồng quan điểm, Ths.BS Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện 108 cho biết, ĐHTH là thuốc quý, đã được ghi lại trong nhiều y thư cổ của Trung Quốc.

Mới đây nhất, 2 cuốn Trung dược đại từ điển, xuất bản 1997 và cuốn Trung dược học hiện đại lâm sàng xuất bản 2002 của Trung Quốc cũng đã khẳng định ĐTHT trong thành phần hoá học có 25-32% protid, có nghiên cứu cho rằng tỉ lệ này lên tới 44,26% và khi thuỷ phân nó cho 14-19 axit amin quý cùng các vitamin A, B1, B 2, B 12, C và các nguyên tố vi lượng khác.

{keywords}

Các bác sĩ y học cổ truyền khẳng định, đông trùng hạ thảo quý nhưng không phải thần dược chữa bách bệnh.

“Đặc biệt trong ĐTHT có chất axit cordycepic chiếm khoảng 7%. Chất này không chỉ được các nhà khoa học Trung Quốc thừa nhận công dụng mà các nhà khoa học Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã áp dụng nghiên cứu điều trị ung thư”, BS Toàn thông tin.

Dù có các dược lý phong phú nhưng BS Toàn khẳng định: "Đây không phải là vị thuốc chữa bách bệnh. Cho đến nay cũng chưa có bất kỳ vị thuốc nào là thần dược, thuốc nào cũng chỉ chữa được một số bệnh nhất định. Việc thần thánh hoá để đẩy giá là điều phải cảnh giác”.

Thầy thuốc nhân dân Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng lưu ý, dù là vị thuốc lâu đời song ĐTHT cũng có "ngưỡng" tác dụng chứ không phải là thần dược.

“Mặc dù ĐTHT có tác dụng trong điều trị các bệnh về thận hư, thận yếu, khí phế, tuy nhiên ngay cả những người mắc các bệnh này cũng nên cân nhắc bởi hiện nay cũng có nhiều loại thuốc, dược liệu khác có thể chữa được bệnh này", ông Bản nói.

Người dân không nên hoang mang

Theo các bác sĩ y học cổ truyền, dù không phải thần dược nhưng ĐTHT vẫn là thuốc quý, không thể phủ nhận sạch trơn toàn bộ tác dụng.

Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, thực tế quan điểm về các vị thuốc y học cổ truyền quý hiếm nói chung và ĐTHT nói riêng đến nay chưa nhất quán, không phải nhà khoa học nào cũng thừa nhận.

{keywords}
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn. Ảnh: TN

“Nhiều khi họ chỉ đứng trên chuyên khoa của mình mà không nghiên cứu sâu nên đưa ra quan điểm chủ quan. Chưa kể, bản thân các thầy thuốc đông y không có trình độ thực sự nhiều khi cũng hoài nghi chính con đường bản thân đang đi”, BS Toàn phân tích.

Ngoài ra do hiếm, đắt đỏ nên hiện thị trường có rất nhiều loại với nhiều mức giá, việc lấy mẫu như thế nào cũng cần phải xem xét.

“Đến nay đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về tác dụng ĐTHT nên người tiêu dùng cần cập nhật để bình tĩnh, không nên phủ định hoàn toàn một vị thuốc quý như vậy”, BS Toàn nói.

BS Toàn cho biết thêm, từ năm 1990, Trung Quốc đã đưa ĐTHT vào trong danh mục các thuốc được dùng trong đông y. Ngoài những tác dụng như đã nói ở trên, ĐTHT có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, phòng chống tác dụng phụ của hóa, xạ trị, chống lão hóa...

Do đó, trước mọi thông tin, người dân cần xem xét một cách thấu đáo. Khi trong tay không có những tư liệu đáng tin cậy, cần tìm đến các nhà khoa học cổ truyền nhất định để tìm hiểu.

TS Phùng Tuấn Giang cũng cho rằng với những thông tin phủ nhận sạch trơn dược tính của một loại thảo dược cần phải có phát ngôn chính thức từ các cơ quan chức năng, chứ không thể dựa trên một vài quan điểm cá nhân.

TS Giang cho biết ĐTHT có vị ngọt, tính ôn, hỗ trợ chữa nhiều bệnh. Các nghiên cứu cổ truyền cũng như các thực nghiệm hiện đại xác định ĐTHT hầu như không có tác dụng phụ với cơ thể.

Do đó tùy theo bài thuốc và mục đích sử dụng, ĐTHT sẽ được chế biến theo các cách khác nhau, phổ biến nhất là hầm, hãm nước sôi uống hoặc ngâm rượu.

“Sau ốm dậy có thể hầm cách thuỷ vài con Đông trùng hạ thảo với tim, gà, chim cùng ít hạt sen, long nhãn sẽ rất tốt cho sức khoẻ”, TS Giang gợi ý.

Ông khuyên liều dùng hợp lý với ĐTHT chỉ từ 2-3 con/lần. Mỗi đợt bồi bổ nên dùng từ 10-20g, nhiều có thể dùng 40-60g.

Thúy Hạnh

Bài 2: Tuyệt chiêu làm giả đông trùng hạ thảo