Sáng mùng 7 tháng Giêng, lễ hội Tịch điền (Duy Tiên, Hà Nam) được tổ chức với màn rước kiệu của làng Đọi Tam đón linh vị vua Lê Đại Hành và lễ rước kiệu linh vị vua Lê từ trên chùa Đọi xuống cánh đồng thôn Đọi Tín.
Ông Nguyễn Ngọc An (73 tuổi) ở thôn Linh Trung, vào vai vua Lê Đại Hành. Ông bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần nông, đội mũ Cửu Long xuống ruộng đi cày.
Người được lựa chọn vào vai vua là lão nông đạo mạo, có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm cày ruộng và là thành viên của một gia đình văn hóa. 
Theo sau đường cày là các cô gái gieo hạt giống.
Các tiết mục văn nghệ được tổ chức, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Trước đó, lãnh đạo Duy Tiên (Hà Nam) chọn ra hơn 20 con trâu tốt, trâu khỏe tham gia lễ hội.
Trong hai ngày 5 và 6 tháng Giêng, hội thi vẽ trang trí trâu được diễn ra. Đây là một hoạt động được tổ chức hàng năm.
Hàng nghìn người dân ngồi bên bờ ruộng theo dõi lễ hội.

Theo sử sách ghi lại, mùa Xuân năm Đinh Hợi (987), vua Lê Đại Hành đã cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn, mở đầu mỹ tục tốt đẹp cho dân tộc.  Khi cày ruộng Tịch điền ở Đọi Sơn, vua bắt được chum vàng. Năm 988, nhà vua cày ruộng ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này sau được gọi là Kim Điền, Ngân Điền. 

Từ đó, lễ Tịch điền được nhiều đời vua sau như Lý, Trần, hậu Lê duy trì. Đặc biệt, đến triều Nguyễn, lễ Tịch điền có nhiều "niêm luật" cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ Lễ chủ trì. Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009 phong tục tốt đẹp này được phục hồi bài bản và duy trì cho đến nay.