Huyện biên giới Đồng Văn, tỉnh Hà Giang có trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu. 

Đời sống người dân ở đây gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Điều kiện tự nhiện không thuận lợi cho phát triển kinh tế, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Kinh tế phát triển chậm. Diện tích đất trồng trọt thiếu và xấu, việc chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Hạ tầng cơ sở còn thiếu, nguồn hỗ trợ của Nhà nước chưa đáp ứng cho phát triển sản xuất và kết cấu hạ tầng nông thôn.

Huyện Đồng Văn huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Với xuất phát điểm thấp như vậy nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương cùng nhân dân trên địa bàn huyện đã nỗ lực vượt khó, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huyện phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, qua đó đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Đến nay, bộ mặt nông thôn của huyện Đồng Văn ngày càng khang trang; sản xuất phát triển, đời sống của bà con nông dân ổn định và ngày càng được cải thiện. 

Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra chỉ tiêu đưa 2 xã về đích xây dựng nông thôn mới. Sau nửa nhiệm kỳ, địa phương đã thành công đưa xã Lũng Cú hoàn thành các tiêu chí. Hiện, huyện có 12 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; tổng số các tiêu chí đã đạt được là 19 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 11 tiêu chí. 

Năm 2023, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện tập trung nâng cao các tiêu chí hoàn thành, khắc phục tiêu chí bị tụt, duy trì xã đạt chuẩn và thực hiện tiêu chí nâng cao. Trong đó, đặt mục tiêu thực hiện tăng thêm 21 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, 11 thôn nông thôn mới đạt từ 10 tiêu chí trở lên. 

Huyện Đồng Văn đã đầu tư xây dựng 16 nhà văn hoá thôn, hỗ trợ 23 dự án phát triển sản xuất cộng đồng, hỗ trợ nước phân tán cho 840 hộ, đã thẩm định, phê duyệt hồ sơ công trình, dự án phát triển sản xuất…

Đối với phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, huyện quan tâm xây dựng mô hình sản xuất áp dụng khoa học công nghệ cao, tạo chuỗi giá trị liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và đã đạt nhiều kết quả tích cực như: Mô hình thụ tinh nhân tạo bò; Mô hình ủ cỏ chua gắn với chăn nuôi bò vỗ béo; Mô hình phát triển chăn nuôi bò hàng hóa; Mô hình chăn nuôi ứng dụng đệm lót sinh học.

Các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sở thích được thành lập và hoạt động. Đây là đầu mối liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giúp nhân dân ổn định sản xuất và tạo ra các sản phẩm thương hiệu, nhãn hiệu. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất tạo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Để công tác xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến các tiêu chí, nội dung, chủ trương, phương pháp xây dựng nông thôn mới đến người dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới”. Vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh môi trường. Triển khai thực hiện các tiêu chí, nội dung không cần đến sự đầu tư hỗ trợ từ Nhà nước như công tác vệ sinh hộ gia đình, xây dựng các hạng mục công trình vệ sinh. 

Bảy tháng đầu năm 2023, huyện Đồng Văn thực hiện 269 buổi tuyên truyền thông qua các buổi họp chợ, họp thôn, chi bộ, hội nghị… với gần 12.000 lượt người nghe; thông qua kịch nói, văn nghệ quần chúng được 194 buổi với hơn 6.500 lượt người tham gia; chiếu phim lưu động được 80 buổi với trên 4.100 lượt người tham gia; 357 tin thời sự, phóng sự, chuyên mục, chuyên trang trên các trạm FM không dây; phổ biến trên 300 văn bản trên trạm FM không dây; cổ động trực quan, biển panô, biển tường, tranh cổ động 197 bộ.

Phát động phong trào thi đua Xây dựng nông thôn mới gắn với cải tạo vườn tạp, toàn huyện tổ chức ra quân được gần 70 buổi với gần 5.000 người tham gia; hiến được trên 6.800 m2 đất; đóng góp được 650 triệu đồng tiền mặt và trên 2.300 ngày công; nhân dân thực hiện láng và bó nền nhà 41 hộ; xây dựng 50 công trình nhà tắm, nhà vệ sinh, 21 bể nước. 

14/17 xã trong huyện đạt tiêu chí điện nông thôn, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 95%; 12/17 xã hoàn thành tiêu chí giao thông; 12/19 xã, thị trấn đã có hội trường văn hóa đa năng cấp xã; 153/225 thôn đã có nhà văn hóa, khu thể thao thôn.

Dù công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện Đồng Văn thu được nhiều kết quả tích cực nhưng thởi gian tới, huyện sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, tồn tại để chương trình ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Ngọc Diệp và nhóm PV, BTV