- Vụ một phụ nữ đột ngột qua đời không để lại di chúc với khối tài sản 1.000 tỷ đồng đã gây xôn xao dư luận. Tranh chấp tài sản giữa những người thân là anh chị em bà với người con nuôi duy nhất của bà đã xảy ra. Liệu phần thắng sẽ thuộc về ai?

Ngày 31/5, trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Mạnh Hùng – Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh (TP.HCM) xác nhận có việc văn phòng này đã lập một vi bằng ghi nhận lại khối tài sản trị giá 1.000 tỷ đồng do bà T.K.P để lại theo yêu cầu của các bên trong vụ tranh chấp. 

Tranh chấp khối tài sản “kếch xù”

Theo đó, bà T.K.P. (66 tuổi) ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM. Bà sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, bà không có con đẻ mà chỉ có một người con nuôi duy nhất là chị T.H.H.L.(22 tuổi). Quá trình nhận nuôi chị L., bà P. đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về nhận con nuôi theo quy định của pháp luật.
 

 Ông T.V.P được mời đến Sacombank làm việc chiều 30/5. Ảnh: NLĐ

Lúc sinh thời, bà P. có nghề làm bún gạo do được cha mẹ truyền lại. Do làm ăn phát đạt nên cơ sở sản xuất bún gạo của bà ngày càng mở rộng quy mô sản xuất. Khối lượng tài sản bà sở hữu cứ thế lớn dần lên đến con số “khủng” tới cả ngàn tỷ đồng.

Do bà P. mất đột ngột không để lại di chúc nên phát sinh tranh chấp tài sản giữa những người là anh chị em ruột của bà P. với người con nuôi là chị L. Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh đã được mời đến lập vi bằng ghi nhận lại số tài sản kếch xù bà để lại trong két sắt trước sự chứng kiến của hai bên và công an địa phương. Khối tài sản bao gồm: 100 cây vàng, tiền mặt, 1 triệu USD, trang sức có rất nhiều kim cương, 17 cuốn sổ tiết kiệm trị giá lên tới cả trăm tỷ đồng. Ngoài ra, bà P. còn có rất nhiều tài sản là bất động sản, đất đai khác.

Lúc đầu, chúng tôi cũng chỉ cử một Thừa phát lại và một thư ký đi ghi nhận. Tuy nhiên, do khối lượng tài sản quá lớn nên sau đó chúng tôi phải huy động thêm 5 – 6 người nữa làm việc ròng rã cả tuần lễ mới xong”, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Lê Mạnh Hùng cho biết. Khi được hỏi về vi bằng, ông Hùng cho biết theo nguyên tắc phải giữ bí mật thông tin cá nhân của khách hàng nên phía văn phòng không thể cung cấp.

Tuy nhiên, ông xác nhận thông tin mà một tờ báo đã đăng tải là tương đối chính xác.  

Sau khi kiểm kê, toàn bộ tài sản trong két sắt được hai bên tranh chấp thống nhất đem đi ký gửi tại Sacombanhk, thời hạn đến tháng 3/2012. Sau khi đến hạn, con gái bà P. là chị L. muốn rút số tài sản trên về nhưng anh chị em của bà P. không đồng ý. Liên quan đến nội dung tranh chấp, ông T.V.P. (em trai bà P.) cho rằng trong khối số tài sản nói trên có sự đóng góp công sức của cả dòng họ, trong đó có những người ở nước ngoài hùn hạp làm ăn với bà P.

Họ muốn gia hạn gửi tài sản để chờ những người ở nước ngoài về giải quyết. Vì khối tài sản quá lớn nên họ không muốn giao cho người con nuôi là chị L. quản lý.

Phần thắng sẽ thuộc về ai?

Theo luật sư, Lê Hà Thúy Lan – Đoàn luật sư TP.HCM: trong trường hợp trên theo thông tin cung cấp do bà P. không còn cha mẹ, không có chồng và con ruột thì về pháp luật thừa kế khối lượng tài sản trên đương nhiên sẽ thuộc về quyền sở hữu của người con nuôi – chị L bởi chị là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Theo quy định của pháp luật, nếu người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì khối tài sản sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật.

Ở đây, chị L. là con nuôi được xác nhận hợp pháp nên chị là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết). Những người thuộc hàng thừa kế sau chỉ được hưởng tài sản nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết nên không có quyền hưởng di sản, do bị truất quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản. Do vậy, chị L. đương nhiên được hưởng toàn bộ di sản theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, luật sư Lan lưu ý: Do chị L. là người thừa kế duy nhất đương nhiên theo pháp luật nên quan hệ tranh chấp giữa anh chị em của bà P. đối với khối tài sản bà để lại không thể giải quyết theo quy định về pháp luật thừa kế. Nếu anh chị em của bà P. chứng minh được họ có đóng góp một phần trong quá trình tạo lập khối tài sản thì có quyền khởi kiện, đòi phân phần tài sản tương đương với phần đóng góp của họ.

Đây là quan hệ tranh chấp đòi lại tài sản chứ không phải tranh chấp về thừa kế. Muốn đòi lại tài sản, người có yêu cầu có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp thì mới được chấp nhận.
 

Không để lại di chúc, ni sư viên tịch, ai hưởng tiền?
 

 Năm 2010, TAND quận Tân Phú thụ lý hồ sơ vụ tranh chấp tài sản là 138.000 USD xung quanh việc một ni sư qua đời không để lại di chúc.
 
 Năm 1998, Ban trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM bổ nhiệm ni sư Huệ Tịnh, thế danh Đỗ Thị Thiềng, làm trụ trì chùa Thiên Chánh (đường Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú). Tháng 5/2008, ni sư Huệ Tịnh viên tịch không để lại di chúc. Trước đó, ni sư đã gửi năm quyển sổ tiết kiệm tổng trị giá 138.000 USD tại ngân hàng.
 
 Vụ việc phát sinh tranh chấp khi em ruột ni sư là bà Đ.N.T. có gửi đến Ban đại diện Phật giáo Tân Phú, xin được nhận lại 5 quyển sổ tiết kiệm cùng giấy chứng tử để thực hiện quyền và nghĩa vụ của những người thừa kế theo quy định pháp luật. Ban đại diện Phật giáo Tân Phú cho rằng đây là tài sản của chùa, do phật tử thập phương đóng góp nên từ chối đề nghị trên. Bà T. và các đồng thừa kế đã khởi kiện ra tòa.
 
 Ngày 31/5/2012, trao đổi với VietNamNet, thẩm phán Phạm Thị Thu Hà – Phó Chánh án TAND quận Tân Phú (TP.HCM) cho biết hiện cơ quan này vẫn chưa có kế hoạch đưa vụ kiện ra xét xử sau nhiều lần hoãn phiên tòa.
 
M.Phượng