Trong “Bức thư gửi người lớn”, em Trần Vương Cường - “quán quân” cuộc thi viết về Quyền trẻ em do ĐSQ Thuỵ Điển tổ chức ước các bậc cha mẹ tham gia khoá học “lắng nghe con trẻ nói”.

Em viết: Người lớn hãy lắng nghe chúng con nói, đừng chỉ bằng đôi tai mà hãy lắng nghe bằng cả trái tim và tấm lòng; các bậc cha mẹ nên tham gia khoá học “làm sao để lắng nghe con trẻ nói”.

Ngài Đại sứ Staffan Herrström trao quà cho em Trần Vương Cường - "quán quân" cuộc thi viết Quyền trẻ em
Trần Vương Cường chia sẻ, ý tưởng về khoá học cho người lớn hiểu trẻ em đã manh nha trong đầu từ rất lâu rồi và cuộc thi tạo cho em cơ hội để nói, để người lớn hiểu được mong muốn của những cô bé, cậu bé như em. Trong tưởng tượng của mình, Cường hình dung một lớp học dạy người lớn cách lắng nghe con trẻ là một lớp mà giáo án dựa trên chính lời con trẻ. Để sau đó, người lớn sẽ biết được thời điểm nào con trẻ muốn được lắng nghe, cần được lắng nghe. Sau đó người lớn sẽ hiểu con trẻ hơn, có những hành động thiết thực hơn.

65 bài thi với cả ngàn ước muốn “thời sự”

Cuộc thi viết về quyền trẻ em với chủ đề "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?” khởi động từ tháng 4/2011. 65 em nhỏ trên mọi miền đất nước qua những dòng thư đầy ắp tâm tình đã gửi những ước muốn, suy nghĩ mong người lớn lắng nghe. Các em đau nỗi đau nghèo đói, thất học, bị bạo hành; trăn trở với những mảnh đời mồ côi bất hạnh, trẻ nhiễm HIV, sự phân biệt giàu - nghèo, nạn ô nhiễm môi trường.

Xuất phát từ sự đói nghèo, các em ước trẻ em có thể được ăn đủ chất, có thêm sách vở để học hành, được đến trường để có cơ hội thay đổi số phận. Tuổi nhỏ nhưng phải gánh chịu những nỗi đau từ sự sai lầm của người lớn, bị bạo hành, bóc lột..., các em mong có một gia đình nhỏ, đủ cha, đủ mẹ và đủ yêu thương, có một mái ấm tình thương để san bớt những đắng cay, bất hạnh, hưởng một chút tư vị của yêu thương. Các em mong có một tổ chức, một người lớn trách nhiệm để cất bớt gánh nặng mà cuộc đời chất lên vai khi các em còn chưa đủ sức.
Nguyễn Lê Hà Nguyên, 12 tuổi, thí sinh nhỏ tuổi nhất của cuộc thi đã xuất sắc giành giải nhì nhờ bức thư đầy xúc động về trẻ em nhiễm HIV
Trong buổi trao giải cuộc thi viết về Quyền trẻ em diễn ra sáng ngày 7/6/2011 tại Đại sứ quán Thuỵ Điển, ngài Đại sứ Staffan Herrström đã tận tay trao quà cho em Trần Vương Cường, lớp 11 Tin, Trường THPT Sơn Tây, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, người đoạt giải nhất và em Nguyễn Lê Hà Nguyên, Lớp 6 A1, Trường THCS Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội đoạt giải nhì. Cuộc thi đã chọn ra 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 7 giải khuyến khích. Các giải thưởng được lựa chọn dựa trên cơ sở ý tưởng duy nhất xuất phát từ chính các em và bài viết được các em viết bằng chính trái tim mình.

Ban tổ chức cuộc thi cho rằng, mỗi bài viết là một ý tưởng, một tâm tư nguyện vọng của trẻ em và đều đáng trân trọng. Bởi vì đây là một cuộc thi nên phải lựa chọn các giải nhưng tất cả các em đã gửi bài dự thi đều là những người thắng cuộc bởi các em đã nắm bắt được cơ hội để được quyền nói, để người lớn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của mình. Để cất tiếng nói cũng cần sự dũng cảm bởi vậy, tất cả các em tham gia dự thi sẽ nhận được giấy chứng nhận và một món quà nhỏ từ Đại sứ quán Thuỵ Điển.

Trẻ em cũng có thể thay đổi thế giới

Phát biểu trong lễ trao giải, ngài Đại sứ đánh giá cao kết quả Việt Nam đạt được trong nỗ lực hành động vì trẻ em như giảm ½ tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên ông cũng cho rằng còn rất nhiều vấn đề còn tồn tại mà Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hành động. Thuỵ Điển sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện quyền trẻ em trong đó đặc biệt là việc đảm bảo quyền trẻ em gái. Ông cũng cho rằng, không phải chỉ người lớn mới có khả năng thay đổi thế giới, trẻ em cũng có thể làm được điều đó nếu chúng ta tạo ra được một hệ thống mà ở đó trẻ em có thể tham gia sáng tạo, được nói lên suy nghĩ của chính mình.

Tham dự lễ trao giải, Bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng: Nhiều khi người lớn bỏ qua cơ hội, không tạo cơ hội và không tìm cơ hội nói chuyện với con trẻ. Những cuộc thi như thế này sẽ giúp người lớn có cơ hội thấy được trẻ em đang suy nghĩ gì, nhìn về tương lai như thế nào.

Ban tổ chức cuộc thi cũng trao bản sao của toàn bộ các bài dự thi cho Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.Bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng Đại sứ quán Thuỵ Điển đã làm được một việc đầy ý nghĩa khi tạo ra một diễn đàn đầy ý nghĩa để người lớn có cơ hội lắng nghe tiếng nói của trẻ em. Nhận tập bản sao các bài dự thi của các em từ đại sứ Thuỵ Điển, bà Thanh Thanh cho biết Hội sẽ cố gắng chuyển tải tiếng nói của các em tới các diễn đàn của người lớn, xem xét trong hoạt động của hội có thể tiến hành làm những việc gì trước theo như những mong muốn, nguyện vọng của các em. chẳng hạn như việc tổ chức một lớp học để người lớn học cách lắng nghe con trẻ.

Danh sách các em đoạt giải thi viết Quyền trẻ em

Giải thưởng

Họ và tên

Địa chỉ

Giải Nhất

Trần Vương Cường
Lớp 11 Tin

Trường THPT Sơn Tây, thị xã Sơn Tây, Hà Nội

Giải Nhì

Nguyễn Lê Hà Nguyên
Lớp 6A1

Trường THCS Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Võ Thượng Diễm Phúc
Lớp 10 Hoá

Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Tuy Hoà, Phú Yên

Giải Ba

Mai Trúc Nghi
Lớp 8/6

Trường THCS Lê Văn Tám, TP HCM

Nguyễn Ngọc Thanh Trúc
Lớp 10 C10

Trường THPT Xuân Lộc, Đồng Nai

Nguyễn Tấn Lộc
Lớp 8 A4

Trường THCS Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương

Giải Khuyến khích

Phạm Thị Thuý Hằng
Lớp 9
1

Trường THCS Tân Thanh, Giồng Trôm, Bến Tre

Trịnh Lê Thuý Hiền
Lớp 6/1

Trường THCS Bình Đa, Biên Hoà, Đồng Nai

Hoàng Liên Trà
17 tuổi

Trường THPT Quỳ Hợp I, Quỳ Hợp, Nghệ An

Võ Thị Trúc Ngân

60B hẻm Hoài Hương, Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt

Nguyễn Lê Hoàng

19B K92 Long Đức, Tam Phước, Biên Hoà, Đồng Nai

Phạm Thuỳ Trang
Lớp 11 Văn

Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội

Nguyễn Thị Trang
Lớp 7B

Trường THCS Yên Trung, Yên Định, Thanh Hoá

Huyền My