Triển khai tại 40 tỉnh, Dự án BMGF-VN đã thành công, đạt tất cả các cam kết theo bộ chỉ số đánh giá thực hiện chung của Chương trình Thư viện Toàn cầu. Dự án đã “góp phần nâng cao năng lực phục vụ và cách thức cung cấp thông tin máy tính và Internet cho các Thư viện công cộng (TVCC) và Điểm Bưu điện Văn hóa xã (BĐVHX) với tầm nhìn mới, hỗ trợ người  nghèo và đặc biệt khó khăn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng với CNTT, được hưởng lợi ích thiết thực và từ đó cải thiện cuộc sống, đóng góp cho gia đình, cộng đồng và cho xã hội.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, Dự án đã cung cấp 12.670 máy tính nối mạng Internet băng thông rộng và các thiết bị phụ trợ cho 1.900 điểm TVCC và BĐVHX của 40 tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn. Sau khi có Dự án, tỉ lệ máy tính tại các điểm truy nhập công cộng ở nông thôn tăng 96,7%; Tỉ lệ máy tính sẵn sàng cho việc kết nối Internet tăng 95,6%. Người dân được sử dụng Internet miễn phí tại TVCC và giảm 50% cước phí tại BĐVHX. Bắt đầu từ bước 3, giai đoạn II,  Dự án có bước đi mới là ký kết hợp tác với các cơ quan, tổ chức như Bộ Giáo dục & Đào tạo, Hội Khuyến học,  Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO)… để tăng cường vận động, khuyến khích các đối tượng cư dân tiếp cận và thụ hưởng những lợi ích của Internet, ứng dụng vào đời sống.

Dự án đã thực sự mang “Máy tính cho cộng đồng thay đổi cuộc sống”, nâng cao đời sống cho người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thực tế triển khai Dự án tại 40 tỉnh cho thấy, trong số hàng triệu người đến và sử dụng máy tính tại các điểm truy nhập công cộng của Dự án, có hàng trăm, hàng ngàn trường hợp thành công nhờ học tập kinh nghiệm từ Internet để sản xuất nông nghiệp, làm giàu từ trang trại chăn nuôi, trồng trọt; Học sinh sử dụng máy tính phục vụ học tập, nổi bật là tham gia các kỳ thi Olimpic toán, tiếng Anh qua mạng đạt giải cao. Nông dân với kinh nghiệm và năng khiếu sẵn có cùng  kiến thức từ mạng máy tính đã sáng chế ra các thiết bị sản xuất nông nghiệp phục vụ cho gia đình và bà con các địa phương. Đó là những đổi thay có thật trong đời sống nhờ sự trợ giúp của máy tính và Internet của mọi đối tượng người dân nông thôn, từ trẻ em, thanh thiếu niên đến phụ nữ, người cao tuổi. Đây là mục tiêu lâu dài mà Dự án đã đạt được và đang nỗ lực để duy trì.

Dự án cũng đã cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng cho 1.900 cán bộ quản lý, nhân viên để nâng cao năng lực phục vụ. 100% cán bộ thư viện huyện; 44% cán bộ thư viện xã; 27,8% cán bộ thư viện tỉnh được đào tạo. Tỉ lệ này ở cán bộ điểm Bưu điện văn hóa xã là 54,8%. Để nâng cao hiệu quả hệ thống trang thiết bị, Dự án đã tổ chức hơn 6.000 sự kiện truyền thông, thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham gia để hướng dẫn người dân trải nghiệm kỹ năng sử dụng máy tính. Hơn 1.000 tác phẩm báo chí được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương (Truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử…) hỗ trợ tích cực trong việc khuyến khích cộng đồng ứng dụng máy tính và Internet.

Việc đầu tư hệ thống CNTT cho các điểm truy nhập công cộng đã khuyến khích xuất hiện nhiều sáng kiến nhằm cải thiện hoạt động cung cấp dịch vụ tại TVCC và BĐVHX như sáng kiến liên quan đến người sử dụng, thu thập dữ liệu cho việc theo dõi, đánh giá và truyền thông vận động; xây dựng các blog cho thư viện công cộng; thành lập Fanpage cho các thư viện địa phương trên Facebook... Lần đầu tiên, ở Việt Nam hình thành hệ thống thư viện tuyến xã khang trang, có thiết bị thông tin hiện đại phục vụ người dân. Ngoài các hỗ trợ theo cam kết, Dự án còn thu hút thêm được các nguồn khác như Tổ chức Internet Society của Thụy Sỹ đã tài trợ 200 triệu đồng cho thư viện Nghệ An để mở thêm lớp đào tạo máy tính và Internet cho phụ nữ và trẻ em gái… Đây cũng là một minh chứng cho sức lan tỏa của một Dự án vì cộng đồng.

Để duy trì bền vững những thành quả đạt được, Bộ TT&TT cùng các bên liên quan còn tiếp tục thực hiện hệ thống giải pháp, gồm: Hỗ trợ triển khai các hoạt động tại các điểm tiếp nhận Dự án để hướng dẫn cho nhân viên nhằm củng cố kỹ năng, tăng cường năng lực triển khai; Duy trì bền vững hạ tầng công nghệ thông tin thông qua việc duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, máy tính, đường truyền, đường điện; tập huấn, đào tạo kỹ năng vận hành hệ thống cho cán bộ điểm, vận động các đối tác duy trì chính sách ưu đãi cước dịch vụ; Phát triển mô hình đào tạo tiếp tục cho nhân viên nhằm phát huy hiệu quả của các Trung tâm đào tạo, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường, đổi mới hoạt động truyền thông, vận động tiếp cận cộng đồng và đặc biệt là việc duy trì nội dung số địa phương phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng vùng, miền.