Lời tòa soạn  
Phóng viên VietNamNet đã tìm hiểu ở những nơi được hỗ trợ chuồng trại, cấp bò giống tại xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An), sơ bộ, sau hơn 2 năm thực hiện dự án, hiện đàn bò đã giảm 1/3, chủ yếu bị bán đi và chết vì bệnh, nhiều chuồng trại bỏ hoang, tháo tôn, thép bán với giá rẻ.

XEM CLIP:

Nhiều chuồng không còn bò 

Theo thông tin PV VietNamNet có được, 1/3 số bò hỗ trợ theo đề án phát triển kinh tế - xã hội cho người dân Ơ Đu giai đoạn 2016 – 2025 tại bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) đã bị chết hoặc bán rẻ.

Trước đó, trong năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã xây 67 chuồng trại cho 77 hộ dân và hỗ trợ con giống với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng. Bản Văng Môn được hỗ trợ mỗi hộ 4 con bò giống (có 4 hộ hỗ trợ 3 con). Giá trị mỗi con bò lúc cung ứng cho bà con nơi đây là 15 triệu đồng/con.

Ông Lo Văn Thi (SN 1977, trú khu 1, bản Văng Môn) cho biết, giữa năm 2020, gia đình anh cùng nhiều hộ dân bản Văng Môn nhận bò do Nhà nước hỗ trợ.

Ông Lo Văn Thi được hỗ trợ chuồng và 4 con bò thì 1 con đã chết. Ảnh: QH

“Bò nuôi được vài tháng gầy dần đi, một con ốm yếu được cán bộ thú y đến tiêm nhưng không khỏi, sau đó đã chết, gia đình đành phải đem chôn. Thật sự rất tiếc khi phải chôn bò”, ông Thi than thở.

Theo ông Thi, hiện gia đình chỉ còn 3 con bò. Vì ở bản Văng Môn không đủ nguồn thức ăn nên gia đình đã đưa về thả rông trong khu vực lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương).

“Nhà ngay cạnh gia đình tôi, hộ anh Lo Văn Pèn cũng được cấp 4 con bò nhưng 2 con đã chết, 2 con còn lại được anh Pèn bán sau đó không lâu. Bò nhà nước cấp giá 15 triệu đồng/con nhưng chỉ bán được hơn 5 - 7 triệu/con. Chuồng bò cả trăm triệu nay phải bỏ trống”, ông Thi chia sẻ.

Chị Vi Thị Linh (SN 1988, trú bản Văng Môn) cho biết, gia đình chị cũng được cấp 4 con bò, tuy nhiên, có 3 con đã chết vì bệnh tật.

Hơn 100 con bò chết và bán ra khỏi bản

Phó bản Văng Môn (xã Nga My) kiêm nhân viên thú y ở bản Lo Văn Hoàng cho hay, bản được cấp 304 con bò giống cho 77 hộ dân. Đến thời điểm hiện tại có hơn 100 con bò chết hoặc bị bán ra khỏi địa phương, mới chỉ có 6 hộ có bò đẻ thêm, số còn lại phát triển bình thường.

Một chuồng nuôi không còn bò, trở thành nơi tập kết gỗ của gia đình. Ảnh: QH

Phó bản Văng Môn Lò Văn Hoàng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến giảm sút đàn bò là do dịch bệnh, nguồn thức ăn thiếu và người dân thiếu kiến thức trong việc chăm sóc đàn vật nuôi.

“Khi bò xuống kg là người dân liền rao bán, chuyển đổi sang nuôi trâu. Có hộ bán cả 4 con được 18 triệu đồng, cao nhất cũng chỉ 36 triệu đồng, đủ để mua 2 con trâu”, Phó bản Văng Môn Lò Văn Hoàng nói.

Một nguyên nhân khác cũng được kể tới là việc thiếu thuốc đặc trị khi bò giống mắc bệnh.

Bà Lương Lan, Trưởng bản Văng Môn thông tin, bò giống lấy từ các trang trại ở huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương và Nam Đàn, được chia thành 3 đợt hỗ trợ trong năm 2020.

“Lúc đăng ký chúng tôi được báo là nhận nuôi 2 đực, 2 cái. Đến khi cấp lại toàn bò cái. Chất lượng bò giống cũng không đồng đều”, bà Lan nói.

Còn Bí thư Chi bộ bản Văng Môn (xã Nga My) Lo Xuân Tình chia sẻ: “Cấp bò từ dưới xuôi lên là không phù hợp với địa hình và khí hậu, bò chết đi thì lãng phí”.

 Trước thực tế đàn bò "hụt" dần, ông Lo Xuân Tình - Bí thư Chi bộ bản Văng Môn cho rằng, cấp bò từ dưới xuôi lên là không phù hợp với địa hình và khí hậu. Ảnh: QH

Theo ông Kha Văn Lập, Bí thư Đảng ủy xã Nga My, bà con dân bản chỉ dựa vào nguồn cỏ nên rất khó để đàn bò duy trì và phát triển. Như ở các huyện miền xuôi, bò sẽ được bổ sung thêm cám, cùng các chất đạm, việc chăn nuôi bò sẽ thuận lợi hơn.

“Một số chuồng bò bỏ trống vì người dân chuyển bò sang bên kia suối, gần nguồn thức ăn. Vậy nên, có thực tế các chuồng bò khang trang, bỏ trống thực sự rất lãng phí”, ông Lập nói.

Là chủ đầu tư quản lý thực hiện dự án, ông Vy Mỹ Sơn, Phó Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, từ đầu năm đến nay Ban chưa lên kiểm tra lại số lượng đàn bò nên chưa có số liệu cụ thể. Trước những thông tin PV VietNamNet cung cấp, ông Sơn cho biết sẽ cho kiểm tra lại thực tế đàn bò nuôi tại đây.

Hỗ trợ 67 chuồng trại và 304 bò giống cho 77 hộ dân

Tháng 8/2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025 tại bản Văng Môn, xã Nga My và bản Đửa, xã Lượng Minh (huyện Tương Dương).

Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An được giao làm chủ đầu tư quản lý thực hiện dự án với nguồn kinh phí 120 tỷ đồng (ngân sách Trung ương chiếm 90%). Mục tiêu của đề án nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người Ơ Đu.

Tuy nhiên, thực tế ở bản Đửa không có người Ơ Đu nên bị loại khỏi đề án kể trên vào tháng 2/2019, chỉ còn lại 102 hộ ở bản Văng Môn nằm trong đề án.

Tại bản Văng Môn, đề án triển khai xây 67 chuồng trại cho 77 hộ dân đủ điều kiện chăm sóc, nuôi nhốt bò với số tiền hơn 12,6 tỷ đồng. Trong đó, có 4 chuồng loại 1 giá 127 triệu đồng/chuồng (tổng 508 triệu đồng), 10 chuồng loại 2 giá 236 triệu đồng/chuồng (tổng 2,36 tỷ đồng), 53 chuồng loại 3 giá hơn 136 triệu đồng/chuồng (tổng 7,24 tỷ đồng).

 Số bò giống được cấp cho 77 hộ dân ở bản Văng Môn là 304 con, mỗi hộ 4 con (có 4 hộ hỗ trợ 3 con). Giá trị mỗi con bò lúc cung ứng cho bà con nơi đây là 15 triệu đồng/con, với số tiền gần 5 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất sản xuất hơn 5 tỷ đồng cùng các hạng mục khác.

Kỳ 2: Nghệ An: Những chuồng bò trăm triệu bỏ hoang, thép tôn bị tháo bán rẻ