Dự án tiền mã hóa DeFi100, vừa được bán công khai vào tháng 2 vừa qua, dường như đã trở thành một vụ lừa đảo trị giá 32 triệu USD. Vào tối 22/5, nhiều người truy cập vào trang web của DeFi100 nhận được thông báo đã bị lừa.
Thông báo lừa đảo trên trang web của DeFi100. Ảnh chụp màn hình. |
"Chúng tôi đã lừa mọi người và không ai có thể làm được gì", thông báo này ký tên Devsin, người được cho là đứng đầu dự án DeFi100.
Theo thông tin trên Coinmarketcap, DeFi100 là dự án tạo ra một quỹ giả lập giá trị, tức là giá trị đồng D100 phát hành ra sẽ phụ thuộc vào tổng giá trị thị trường tài chính phi tập trung (DeFi). Nhóm phát triển dự án này lấy tên Wrapp3D, nhưng tất cả thành viên đều giấu thân phận thật sự của mình.
Đồng tiền D100 của dự án này được phát hành trên mạng Binance Smart Chain từ tháng 2. Sau đó, một số người dùng đã cảnh báo về nguy cơ của DeFi100.
Trên Twitter, người dùng có tên Tom cho rằng ban đầu DeFi100 định phát hành một token có nguồn cung điều chỉnh dựa trên giá (rebase token). Tuy nhiên, khi kế hoạch này thất bại họ lại định chuyển sang sử dụng mô hình quỹ thanh khoản (liquidity pool).
"Toàn bộ dự án này là một trò lừa. Devsin thao túng và lừa dối những nhà đầu tư", người dùng Tom khẳng định.
Giá của đồng D100 giảm dần trong tuần qua, và giảm mạnh sau thông tin lừa đảo. Ảnh chụp màn hình. |
Theo tài khoản Mr. Whale trên Twitter, người tự xưng là một nhà phân tích về tiền mã hóa, tổng số tiền lừa đảo từ dự án DeFi100 lên tới 32 triệu USD.
"Khi thị trường không còn đi lên nữa, nhiều dự án sẽ biến mất. Đừng ngạc nhiên khi nhiều dự án lừa đảo sẽ bị tố cáo trong vài tháng tới. Đừng bao giờ đầu tư vào các dự án quá mới, với đội phát triển giấu tên, tạo ra như trò đùa và không có mục đích thật sự nào", tài khoản Mr. Whale cảnh báo.
Theo CoinDesk, không loại trừ khả năng trang web của DeFi100 bị hack để đăng thông báo nói trên.
Tới sáng 23/5, thông báo trên trang web của DeFi100 đã bị gỡ. Giá trị đồng D100 đã giảm gần 3 lần trong tuần qua, từ 0,2 USD xuống còn 0,077 USD. Tài khoản Twitter của DeFi100 không có thông báo gì mới từ tháng 3.
Trong giới tiền mã hóa, trò lừa đảo, ôm tiền tháo chạy của nhà phát triển còn được gọi là "rug pull". Đây là hình thức lừa đảo khá phổ biến, nhất là với những dự án tài chính phi tập trung (DeFi), khi mà toàn bộ các giao dịch được tiến hành bằng những đoạn code chứ không có một tổ chức nào quản lý.
Theo Zing/Coinmarketcap
Trung Quốc đụng đến Bitcoin, tiền ảo ngược đà lao dốc
Bitcoin tiếp tục chứng kiến đà bán tháo sau khi Trung Quốc cảnh báo sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động đào và giao dịch tiền ảo trong một nỗ lực kiểm soát rủi ro từ thị trường tiền mã hóa này.