Lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dân, nhiều đối tượng đã giở đủ mọi mánh khóe nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...
Nhóm lừa đảo đổi ngoại tệ gần nửa tỷ đồng sa lưới
Mới đây, cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã triệt phá một ổ nhóm chuyên lừa đảo ngoại tệ với thủ đoạn rất tinh vi. Sau khi đã tiến hành trót lọt phi vụ, nhóm này nhanh chóng tẩu tán tài sản đến hàng chục tài khoản khác nhau, mua điện thoại di động iPhone... gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra cũng như thu hồi tài sản của Cơ quan công an.
Trước đó, tháng 12-2021 anh T.L (trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) có đơn trình báo lên Cơ quan công an về việc bị một nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần nửa tỷ đồng bằng hình thức chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng trực tuyến. Ngay khi tiếp nhận thông tin đơn vị đã chỉ đạo các CBCS khẩn trương tổ chức điều tra, truy bắt các đối tượng.
Theo một chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Đống Đa, bị hại cho biết mọi thỏa thuận diễn ra trên mạng xã hội Zalo. Thời điểm chuyển khoản, đối tượng đeo khẩu trang kín mặt nên gần như không thể nhận dạng. Bên cạnh đó nhóm đối tượng sử dụng thủ đoạn mới, rất kín kẽ từ tài khoản Zalo, Facebook đến tài khoản ngân hàng đều là “ảo”, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra trong công tác truy xét, lần dấu vết đối tượng.
Nhiều ngày đêm các trinh sát phải truy vết, xác minh hàng chục số tài khoản ngân hàng của nhiều ngân hàng khác nhau được các đối tượng sử dụng, rà dựng nhiều mối quan hệ của các đối tượng. Không quản tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều mũi trinh sát Công an quận Đống Đa khẩn trương lên đường tổ chức điều tra tại các tỉnh thành phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu...
Đến ngày 21-12-2021 Cơ quan công an đã truy bắt thành công 3 đối tượng gồm Phùng Đình Cường (SN 1987, thường trú tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Ngô Quang Trung (34 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) và Bùi Tuấn Cường (22 tuổi, thường trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Tại Cơ quan công an, nhóm đối tượng này khai nhận. Do cần tiền tiêu xài và trả nợ nên ngày 13-12-2021, Đình Cường tìm mua các tài khoản Facebook, Zalo, ngân hàng trùng khớp nhau với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức đăng tin đổi tiền cho các cá nhân có nhu cầu đổi từ tiền Việt Nam sang ngoại tệ.
Khi khách hàng có nhu cầu đổi tiền, Cường yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp. Thấy tài khoản “nổ” (đã nhận được tiền) Cường lập tức chuyển số tiền đã chiếm đoạt được qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, sau đó khóa tài khoản Facebook, Zalo và vứt bỏ sim điện thoại. Thực hiện kế hoạch, Đình Cường rủ Trung và Tuấn Cường cùng tham gia và hứa hẹn sẽ chia phần trăm tiền nếu chiếm đoạt thành công.
Sau khi đăng thông tin trên mạng xã hội, biết anh T.L có nhu cầu đổi tiền, chiều ngày 18-12-2021 Đình Cường sử dụng Zalo tên “Hữu Lộc” kết bạn với anh T.L để thống nhất thực hiện giao dịch. Tuấn Cường đứng ra đảm bảo và gặp anh T.L ở trong ngõ 64, phố Nguyễn Lương Bằng, phường Ô Chợ Dừa để chứng kiến việc anh T.L chuyển 438 triệu đồng vào tài khoản mang tên Phạm Hữu Lộc.
Ngay khi nhận được tiền, nhóm này lập tức tẩu tán sang hàng chục tài khoản khác nhau, thậm chí chuyển tiền cho mẹ và bạn gái của đối tượng. Ngoài ra, các đối tượng còn đặt mua điện thoại iPhone 11 Pro Max để sử dụng. Song, thủ đoạn tinh vi này đã bị các chiến sĩ công an bóc mẽ.
Đây có thể nói là chiến công xuất sắc của CBCS Công an quận Đống Đa trong “Đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”. Hiện, Cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đình Cường, Tuấn Cường và Trung về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Những cái bẫy khi đổi tiền mới
Cứ đến dịp gần Tết Nguyên đán, trên các website cũng như mạng xã hội dịch vụ đổi tiền lẻ đi chùa, đổi tiền mới mừng tuổi... trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Trong vai người có nhu cầu đổi tiền, liên hệ với số điện thoại 0989.887.xxx (hotline của trang mạng được quảng cáo chuyên đổi tiền mới, đổi tiền lẻ số lượng lớn) phóng viên được người quản lý fanpage “đổi tiền lẻ” này cho biết, tùy vào số lượng tiền đổi sẽ có mức phí đối với từng mệnh tiền khác nhau.
Cụ thể, đối với khách đổi lẻ, giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống, sẽ có phí như: Đối với loại tiền mệnh giá 200 ngàn đồng có phí đổi là 5% trên tổng số tiền, loại tiền mệnh giá 100 ngàn đồng có phí đổi là 6%, loại tiền mệnh giá 50 ngàn đồng có phí đổi là 8%, 20 ngàn đồng phí đổi là 10%, 10 ngàn đồng phí đổi là 12-15%. Riêng đối với các loại tiền có mệnh giá từ 5 ngàn đồng trở xuống có phí từ 25-30% trên tổng số tiền.
Theo người quản lý trang fanpage này, nếu đổi buôn từ 10 triệu đồng trở lên sẽ được giảm phí từ 2-15% tùy từng mệnh giá tiền, riêng đối với những tờ tiền mệnh giá càng nhỏ phí sẽ càng đắt. Về thời gian nhận tiền, theo chủ fanpage này chỉ cần chốt đơn hàng và báo trước một ngày, số lượng bao nhiêu cũng có.
“Lân la” sang một địa chỉ Facebook khác được quảng cáo rầm rộ không kém về dịch vụ chuyên nghiệp, giá cả phải chăng khi đổi tiền lẻ, tiền mới dịp cuối năm. Qua trao đổi, chủ tài khoản cho biết: “Khách hàng muốn đổi số lượng tiền mới từ vài chục triệu đồng trở lên thì phải đặt cọc trước bằng hình thức chuyển khoản hoặc nộp card điện thoại một số tiền để làm tin”.
Nếu khách hàng đổi số lượng tiền lớn thì tính chênh lệch giá quy đổi là 10%. Tức muốn đổi được 10 triệu đồng tiền mới thì người muốn đổi phải bỏ ra 11 triệu đồng. Còn đổi với số lượng tiền ít từ 10 triệu đồng trở xuống tính giá lẻ là 15%. Mức chênh lệch trên được chủ tài khoản này đưa ra dành cho khách đổi các loại tiền mệnh giá hàng chục nghìn đồng (tức tiền đổi có mệnh giá 10, 20 và 50 ngàn đồng). Còn muốn đổi tiền mới có mệnh giá nhỏ hơn (hàng nghìn) thì tỷ lệ chênh lệch có khi lên đến 30%.
Không chỉ tiền Việt, các loại tiền nước ngoài cũng được trao đổi rầm rộ trên chợ mạng. Trong đó, được quan tâm nhất là tờ 2 USD. Tiền mới nguyên thếp, liền seri giá 180 ngàn đồng tờ, loại mới 90% giá 150 ngàn đồng. Các tờ seri đẹp lên đến tiền triệu. Người bán thoải mái giao dịch, khẳng định có sẵn lượng lớn.
Tuy vậy, đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo rất cao bởi nhiều trang web đổi tiền không có địa chỉ rõ ràng và thường yêu cầu khách chuyển khoản trước nên không ít người đã bị “bùng” tiền khi chưa nhận được tiền mới, tiền lẻ. Đa phần thường bị rút ruột, hoặc tráo tiền giả vào...
Đã có những bị hại khi trao đổi về % phí đổi tiền rất nhỏ, song đến khi nhận tiền thì phát hiện bị tính đến mấy chục phần trăm mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Chị Hoàng Lan (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) là một trong những bị hại kể lại. Do có nhu cầu đổi tiền các mệnh giá 100 ngàn và 200 ngàn đồng để mừng tuổi vào dịp Tết nên chị đã vào nhóm “Doi tien...” trên mạng xã hội Facebook tìm hiểu. Sau khi chat với chủ tài khoản “Thich Mua”, chị Lan được nickname này cho biết tỷ lệ là 5%. Thấy giá cả khá cạnh tranh (bình thường là 7-8%) chị Lan đã đồng ý. Đối tượng hẹn chị Lan tại một bến xe bus và tiến hành giao dịch.
Hai đối tượng đi xe máy đến, ôm một túi vải đựng nhiều loại tiền khác nhau. Sau khi cầm ra một vài cọc, đối tượng yêu cầu chị Lan phải chuyển khoản trước. Không chút nghi ngờ, chị Lan thao tác trên điện thoại để chuyển khoản cho các đối tượng. Khi thấy tiền đã về tài khoản, một đ tượng đưa cho chị một cọc tiền 100 ngàn đồng và một cọc 200 ngàn đồng rồi lên xe phóng vụt đi. Giật mình đếm lại, chị Lan mới phát hiện đối tượng đã rút ruột tổng cộng 3 triệu đồng. Hơn nữa, trong số 50 tờ 200 ngàn đồng thì chị còn phát hiện mấy tờ tiền giả.
Có thâm niên khá lâu năm trong nghề “buôn tiền lẻ”, chị N.T.H (phường Hàng Đào, quận Hoàng Kiếm) chia sẻ: “Tham gia đổi tiền lẻ trên mạng xã hội cần phải rất tinh, kẻo dính bẫy lừa như không. Cứ vào dịp cuối năm, trong các hội nhóm hàng mua bán tiền trên mạng xã hội có nhiều tố cáo các chiêu trò đổi tiền bịp bợm của những nạn nhân. Một trong những chiêu trò thường gặp nhất là viện cớ ít hàng, khan hàng rồi đưa người mua vào bẫy, yêu cầu đặt cọc rồi biến mất”...
Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, nếu như các đối tượng trên mạng xã hội thường có thủ đoạn ôm cọc bỏ trốn, tráo tiền giả, hoặc “rút lõi” trong cọc tiền thì lại có những đối tượng lợi dụng sự tin tưởng của người thân, đồng nghiệp để chiếm đoạt số tiền rất lớn. Một trong số đó là Nguyễn Ngọc Kiên (SN 1995, cựu nhân viên một ngân hàng có chi nhánh trên phố Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình).
Dịp Tết Nguyên đán năm Tân Sửu, Kiên khoe với người thân, bạn bè rằng có mối đổi tiền mới các mệnh giá 10 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng... miễn phí. Tin lời Kiên, đã có nhiều người chuyển tiền nhờ Kiên đổi giúp. Kiên thông báo, ai có nhu cầu thì sẽ chuyển tiền trước vào tài khoản của Kiên để đổi hộ (không mất phí đổi). Kiên hứa hẹn sau từ 2 đến 7 ngày sẽ đổi được tiền mới cho mọi người.
Đến ngày hẹn, khi bạn bè, đồng nghiệp nhiều lần đòi tiền thì Kiên vào mạng Internet tìm người đổi tiền để đổi (Kiên chịu mất phí). Sau đó Kiên sẽ trả lại đồng nghiệp một phần tiền đổi. Thấy Kiên đổi được thật, nhiều bạn bè, đồng nghiệp khác tin tưởng Kiên và tiếp tục chuyển tiền cho anh ta.
Chỉ trong vòng hơn một tháng, Kiên đã chiếm đoạt của gần 20 bị hại với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng. Số tiền này đã được anh ta ném vào sàn giao dịch Wefinex trên mạng Internet và chi tiêu cá nhân hết. Kiên sau đó đã phải lĩnh bản án 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Mạo danh cán bộ Công an lừa đổi tiền mới, ngoại tệ Tháng 11-2021 Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can; lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Ngô Thị Chinh (sinh năm 1974, thường trú tại thôn Đoài, Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Cơ quan công an xác định, trong khoảng 3 năm trở lại đây Ngô Thị Chinh đã mạo danh là cán bộ công tác trong ngành Công an lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của nhiều bị hại thông qua việc hứa hẹn xin việc làm và đổi tiền mới, ngoại tệ. |
(Theo An Ninh Thế Giới)
Nguy cơ bị lừa khi rút tiền thẻ tín dụng trực tuyến
Một số đối tượng mạo danh nhân viên điểm rút tiền, nhân viên ngân hàng hỗ trợ rút tiền trực tuyến để chiếm đoạt tiền của chủ thẻ.