Là những game thủ, chắc chắn các bạn từng có những ký ức không thể nào quên với những cỗ máy điện tử thùng, mua xèng mất 2 nghìn rưỡi và nếu chơi không giỏi thì chỉ cần 5 phút là chúng ta, những cậu bé vừa mới chỉ kịp háo hức đã phải tiu nghỉu vì hết lượt. Giờ đây ở Việt Nam, những cỗ máy arcade chỉ còn lay lắt ở một vài trung tâm thương mại lớn, thế nhưng ở Nhật Bản, một trong số những quốc gia khai sinh ra thế hệ máy chơi game này, chúng vẫn sống, mà thậm chí là sống khỏe là khác!

 

Financial Times mới đây đã đăng tải một bài viết về những cỗ máy điện tử thùng tại Nhật Bản. Hiện tại trong số hàng trăm nghìn máy arcade còn đang hoạt động, có tới 44 nghìn chiếc máy đã được sản xuất trong những năm 80 của thế kỷ XX, mà đến giờ vẫn chạy tốt. Trong khi đó, Liên đoàn Ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản đã công bố có tới 4.856 tiệm chơi game điện tử thùng trên khắp xứ sở Hoa anh đào, với 9.000 cửa hàng khác sở hữu dưới 50 máy chơi game.

Số lượng máy arcade tại Nhật đã ít đi so với những thập niên trước đó, thế nhưng vẫn có rất nhiều cỗ máy mới toanh được phát triển và đem tới cộng đồng game thủ như Dissidia Final Fantasy, Pokken hay KanColle. Những trò chơi này hot tới mức người ta xếp hàng dài để chờ đến lượt mình chơi.

KanColle hot tới mức hàng chục game thủ phải xếp hàng chờ đến lượt

Và đây chính là những lý do khiến cho game điện tử thùng ở Nhật vẫn tiếp tục phát triển mạnh ở thế kỷ XXI.

Các nhà phát triển vẫn làm game đều đặn

Để điểm danh, chúng ta có rất nhiều nhà sản xuất điện tử thùng nổi tiếng, Sega, Namco, Taito, Capcom, và cả Konami... Tất cả họ không chỉ sản xuất máy mà còn là những nhà phát triển game có những khu giải trí riêng. Nếu ở Nhật Bản, bạn sẽ không khó để thấy những địa điểm có tên Namcoland, Taito Station, Plaza Capcom hay Club Sega, những nơi độc quyền phân phối và phục vụ game thủ những tựa game arcade của các hãng. Chính hệ thống khép kín của các hãng game này đã khiến cho quá trình từ phát triển đến thương mại hóa trở nên trơn tru nhất có thể.

Club Sega, một địa điểm quá quen thuộc với game thủ Nhật Bản

Một điều cần nhớ, tuyệt đại đa số các hãng game Nhật hiện tại đều từng khởi đầu với việc sản xuất máy arcade, và họ chẳng dễ gì từ bỏ thị trường vẫn cực kỳ béo bở này ở quê nhà. Trong khi đó ở Mỹ, các hãng game khởi đầu ở thời kỳ console và phát triển game gia đình, và những hãng game arcade có tiếng một thời như Midway hay Atari đều đã phá sản và biến mất khỏi thị trường.

Bản thân cơ sở hạ tầng sẽ quyết định thành bại của một ngành công nghiệp. Nhật Bản, với hàng nghìn cửa hàng game thùng là minh chứng rõ ràng nhất.

Game thùng ở đâu cũng có, từ thành thị đến nông thôn

Ở Osaka hay Tokyo, những cửa hàng điện tử thùng thường đặt ở gần những ga tàu điện ngầm, và bạn có thể rẽ vào đó chơi một chút trong khi đang chờ chuyến tàu kế tiếp, hay trên đường đi làm việc gì đó. Đơn giản, vào mua xèng, chơi vài ván game đua xe hay đối kháng và xả stress. chính điện tử thùng đã định hình khái niệm giải trí thư giãn cho game.

 

Không chỉ ở những thành phố lớn mà ngay cả ở những vùng nông thôn, hay những cửa hàng ở các tỉnh xa cũng có điện tử thùng. Ở đây, những cỗ máy chơi game có xu hướng vui tươi hợp với những cô bé cậu bé hơn là những trò chơi bạo lực dành cho lứa tuổi trường thành.

 

Các hãng cũng nhận ra khác biệt về đối tượng khách hàng dựa theo địa lý nên cũng có những thay đổi về danh sách những tựa game mà họ cung cấp cho từng địa điểm. Nếu nơi đó nhiều các bậc phụ huynh và con cái, thì sẽ có nhiều game âm nhạc, đua xe hay những đường ray tàu hỏa mini cho các bé. Nếu có nhiều game thủ trẻ tuổi, game sẽ đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn, và nếu có nhiều game thủ luống tuổi, những game cổ sẽ được đem ra phục vụ. Và đó chính là nền tảng của lý do thứ ba...

Phục vụ xu hướng

Xu hướng không chỉ là việc sản xuất thật nhiều những cỗ máy mới, được nhiều người yêu thích, mà còn là những cách để chiều chuộng khách hàng. Kể từ năm 2010, một số báo cáo đã chỉ ra được một số cửa hàng được nhiều game thủ lớn tuổi tới thăm, và thế là những cửa hàng này, thay vì nhập nhiều những game được các cụ hưu trí chơi, họ lại tăng âm lượng của những trò chơi đó, và hạ thấp volume của những trò chơi khác. Cùng với đó là việc thay ghế êm ái hơn cho những cỗ máy đó. Điều này xứng đáng là bài học cho rất nhiều người làm việc trong ngành dịch vụ trên toàn thế giới.

 

Thứ khiến cho những địa chỉ phục vụ điện tử thùng ở Nhật vẫn còn đông khách là việc họ cố gắng đem lại trải nghiệm mà người chơi không thể nào có được ở nhà riêng. Không có điều này, thì chẳng thể nào arcade vẫn còn mạnh tại Nhật Bản như ngày hôm nay.

Hãy lấy ví dụ với những trò chơi gắp thú bông bạn đã quá quen ở những siêu thị. Ở nhà bạn đừng nghĩ đến việc chơi những trò như vậy. Cảm giác nỗ lực hết sức và nhận được phần tưởng là thứ cảm giác ai cũng muốn có khi bắt đầu nhét xèng vào máy và lựa chọn món đồ chơi họ mong muốn.

 

Đó là truyền thống. Những cỗ máy chơi game hiện đại như KanColle thậm chí còn cho phép game thủ nhận được những thẻ bài cực độc, cực hiếm mà bạn chỉ có thể ra cửa hàng chơi game, mà còn phải chơi thực sự giỏi mới có thể nhận được.

Phát triển

Không một thị trường nào bất biến cả. Arcade ở Nhật Bản cũng vậy. Từ những năm 1960 đến nay, những cửa hàng điện tử thùng đã không ngừng thay đổi để chiều lòng thị trường. Những tựa game cũng vậy. Từng thập niên, xu hướng cũng thay đổi, từ thời kỳ game bắn súng, cho đến game đối kháng và về sau là những game âm nhạc.

 

Và xu hướng tiếp theo không gì khác chính là thực tế ảo. Như chúng tôi đã từng đưa tin, Koei Tecmo tại hội chợ Japan Amusement Expo đã mang tới đây ba trò chơi arcade với khả năng tái hiện cả mùi trong game, lẫn hình ảnh tuyệt đẹp. Trong khi đó, Konami thì tung ra phiên bản Bomberman mới, lấy tên Bombergirl...

Tất nhiên cái gì cũng có thời của nó. Sẽ đến một lúc nào đó tựa game arcade cuối cùng ở Nhật sẽ bị dừng hoạt động, nhưng cho đến lúc ấy, điện tử thùng vẫn sẽ sống khỏe ở đất nước này.