Thái Lan là một trong những thị trường khách quốc tế tiềm năng đến du lịch tại tỉnh TT-Huế. Theo Hội lữ hành tỉnh này, ước tính hiện mỗi ngày có khoảng 1.000 du khách Thái Lan đến Huế theo đường bộ từ Đà Nẵng hoặc qua chuyến bay charter Huế - Băng Cốc. 

Điện Thái Hòa – công trình biểu tượng quyền lực của triều Nguyễn được vua Gia Long xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn đang được trùng tu. Ảnh: Quang Thành

Số khách du lịch Thái Lan hiện chiếm đến 60% thị phần khách quốc tế đến Huế. Trong các tour du lịch ở đây, họ chủ yếu lựa chọn tham quan các điểm thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.

Tuy nhiên, hơn một tháng trở lại đây, các đoàn du khách Thái chỉ di chuyển đến phía trước Quảng trường Ngọ Môn chụp ảnh lưu niệm, trải nghiệm dạo phố bằng xích lô… chứ không vào tham quan Đại Nội – Hoàng thành triều Nguyễn như trước đây.

Ngai vàng bên trong chánh điện thu hút du khách tham quan Đại Nội Huế. Ảnh: Quang Thành

Một HDV đoàn Thái Lan cho biết, việc du khách không vào tham quan Đại Nội xuất phát từ yêu cầu của phía đơn vị lữ hành Thái Lan.

Cụ thể, HDV của đoàn được yêu cầu giới thiệu bên trong Đại Nội không có gì nổi bật bởi Điện Thái Hòa đang hạ giải, trùng tu. 

Nhiều du khách Thái Lan đến Đại Nội chỉ ở bên ngoài chụp hình - Ảnh: HN

Ông Đỗ Ngọc Cơ – Chủ tịch hội Lữ hành tỉnh TT-Huế chia sẻ, việc các đoàn khách Thái Lan không vào tham quan Đại Nội khiến Huế mất đi nguồn thu đáng kể, gây ảnh hưởng đến việc đón khách các thị trường quốc tế khác.

Du khách tham quan quanh Đại Nội Huế bằng xích lô. Ảnh: HN

Theo ông Cơ, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều địa phương mở các gói kích cầu du lịch như giảm giá vé tham quan, đa dạng hoá sản phẩm du lịch để tạo sức hút.

“Thế nhưng ở Huế, hầu như giá vé tham quan tại các điểm di tích vẫn giữ nguyên, thậm chí tăng thêm”, ông Cơ chia sẻ.

“Việc trùng tu Điện Thái Hoà có thể kéo dài 3 năm. Khách  Thái Lan khác với các đoàn khách từ Châu Âu. Họ vào các điểm di tích như Đại Nội Huế, các lăng tẩm của vua chúa triều Nguyễn không phải để tìm hiểu lịch sử, văn hoá mà chủ yếu để tham quan, chụp hình lưu niệm.

Tour tham quan các điểm trong quần thể di tích Cố đô Huế có giá hơn 500 nghìn đồng/người nhưng thực ra, chỉ khu vực Điện Thái Hoà trong Đại Nội được du khách Thái quan tâm nhất thì lại đang sửa chữa ”, ông Cơ cho biết.

Các du khách Thái Lan check-in bên ngoài rồi về. Ảnh: HN

Chủ tịch Hội lữ hành tỉnh TT-Huế cũng nhấn mạnh, nếu không sớm có giải pháp thì thương hiệu và hình ảnh mang tính biểu trưng như Đại Nội Huế sẽ phai dần trong lòng du khách.

Ông Lê Công Sơn- Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, trước dịch Covid-19, nguồn khách Thái Lan đến Huế chủ yếu vào tham quan Điện Thái Hòa chiêm ngưỡng ngai vàng. Trung tâm đã quyết định phục chế ngai vàng theo bản gốc, dự kiến vài tháng nữa sẽ hoàn thành và cho đặt ở lầu Ngũ Phụng để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.

Ảnh:HN

Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Phúc- Giám đốc Sở Du lịch tỉnh TT-Huế cho biết, thời gian qua các đơn vị lữ hành khi đưa khách Thái Lan đến Huế chỉ chọn 1 hoặc 2 điểm tham quan.

Trong đó, một số đơn vị đang khai thác tour với mức giá khá thấp nên giảm dần các điểm tham quan di sản. Một số đơn vị khác  không nắm rõ thông tin và cho rằng Đại Nội Huế đang trùng tu nhiều nên không muốn dẫn khách vào.

Sắp tới, sở Du lịch sẽ thông tin rõ về các điểm tham quan cùng những hoạt động đang được tổ chức ở khu di sản Huế, hoặc giới thiệu những điểm có giá vé vừa phải ở các lăng vừa được trùng tu xong.

“Nếu các đơn vị do cạnh tranh giá tour thì chúng tôi sẽ trao đổi để nắm bắt nhu cầu của họ và góp ý, đề xuất các tour tuyến phù hợp, không chỉ là khai thác nguồn khách Thái Lan mà cả các thị trường khác…”, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh TT-Huế cho hay.