Trọng nông để phát triển du lịch nông thôn
Du lịch nông thôn có nhiều loại hình, ở Việt Nam có thể xếp vào 3 loại hình cơ bản là: du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Trong đó: Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Theo ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, khu vực nông thôn Việt Nam đang sở hữu đa dạng các di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc với nhiều giá trị đặc trưng khác biệt với khu vực đô thị. Đây là những tài nguyên quý giá góp phần thu hút khách du lịch về khu vực nông thôn và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Thực tiễn những năm qua tại Việt Nam cho thấy, du lịch đã đóng góp không nhỏ việc làm thay đổi “bộ mặt” của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển nhưng trở thành “vùng quê đáng sống”, du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.
Tiến sĩ Bùi Thị Lan Hương, chuyên gia về du lịch nông nghiệp, nông thôn: Du lịch nông thôn là phát triển du lịch để phát triển nông thôn. Đó là quan điểm của Tổ chức Du lịch Liên hiệp quốc. Do vậy, nông dân cần được đào tạo nghiệp vụ du lịch bài bản. Chuẩn mực trong giao tiếp và đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn trong du lịch.
Không chỉ có nông dân mà các cán bộ chuyên trách nông thôn cũng cần được đào tạo về phương pháp tổ chức và phát triển cộng đồng trong du lịch nông thôn.
Với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, Việt Nam đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ, thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn.
Mở ra cơ hội mới cho du lịch nông thôn
Tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã nêu rõ phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.
Việc phát triển du lịch ở Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với xây dựng nông thôn hiện đại. Cơ sở vật chất của nông thôn hiện đại gắn với hạ tầng dịch vụ ăn nghỉ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… đã tạo cơ sở cho sự phát triển của du lịch nông thôn.
Chiều ngược lại, du lịch nông thôn cũng đóng góp vào việc nâng cao nguồn thu nhập cho các gia đình, sinh kế cho người dân, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng vùng miền, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Ở miền Bắc, hiện có nhiều tour du lịch nông nghiệp khai thác các hoạt động trồng, cấy lúa nước truyền thống, các nghề thủ công, trang trại chăn nuôi... Đáng nói, quanh khu vực ngoại thành Hà Nội hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 5 hợp tác xã chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm và nhiều vùng có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng có nhiều sản phẩm du lịch thể hiện tính đa dạng nông nghiệp như tour tham quan làng dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương.
Vùng miền Nam và đồng bằng Sông Cửu Long với đặc thù sông nước, nhà vườn... có tiềm năng rất lớn để khai thác, phát triển du lịch nông nghiệp.
4 giải pháp cơ bản thúc đẩy du lịch nông thôn
Chiều 10/12, phát biểu tại hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất, vừa tổ chức tại Quảng Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của các quốc gia và là xu hướng phát triển của tương lai.
Việc phát triển du lịch nông thôn vừa thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, vừa góp phần quảng bá, tôn vinh, bảo tồn và lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn.
Để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch Việt Nam nói chung và du lịch nông thôn nói riêng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đưa ra 4 giải pháp cơ bản.
Thứ nhất, Bộ VH-TT&DL cũng như các địa phương cần có cách tiếp cận tổng thể nhằm đảm bảo thống nhất trong nhận thức và hành động về phát triển du lịch nông thôn bền vững. Mọi chiến lược phát triển cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương, song song với phát triển kinh tế.
Thứ hai, phát triển du lịch nông thôn cần dựa trên 2 vấn đề cốt lõi là luôn đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết; Và cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách, đồng thời phải tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn được lan tỏa và trường tồn.
Tiếp đó, ngành du lịch cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ các mô hình tốt, cách làm hay về phát triển du lịch nông thôn. Hội nghị là dịp tốt để các quốc gia, tổ chức và cá nhân chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về chính sách, cơ chế quản lý, giải pháp ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển du lịch nông thôn.
Thứ tư, các đơn vị cần thúc đẩy hợp tác quốc tế và đẩy mạnh quan hệ đối tác công - tư trong phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, cần thiết lập và mở rộng mạng lưới kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, nhà đầu tư và cộng đồng người dân địa phương.
Từ ngày 9 đến 11/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc (UN Tourism) và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism tại Quảng Nam.
Tâm điểm trong chương trình lần này là Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất diễn ra vào ngày 10.12. Đây là hội nghị mang tính toàn cầu đầu tiên của UN Tourism về du lịch nông thôn.
Sự kiện sẽ có sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia trên toàn thế giới, đại diện cho các cơ quan quản lý du lịch cấp quốc gia và địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân.
Với mục tiêu xác định thách thức, chia sẻ kinh nghiệm tốt và thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn, Hội nghị sẽ thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa.
Mạng lưới Làng du lịch tốt nhất đã phát triển tích cực kể từ khi được thành lập vào năm 2021. Tới nay, Mạng lưới gồm 254 ngôi làng từ 59 quốc gia trên 5 khu vực, trong đó có 184 ngôi làng được công nhận là Làng du lịch tốt nhất và 70 ngôi làng tham gia Chương trình nâng cấp. Năm 2024, làng rau Trà Quế của TP Hội An trở thành đại diện mới nhất của Việt Nam góp mặt trong Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất thế giới của UN Tourism.
Việc đăng cai Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn đầu tiên của UN Tourism là cơ hội để Việt Nam quảng bá, thúc đẩy phát triển loại hình du lịch này.