Ứng dụng công nghệ để chủ động tấn công Covid-19
Chiến lược chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định với 3 mũi tấn công gồm xét nghiệm chủ động, công nghệ bắt buộc và vaccine. Kết luận cuộc họp ngày 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ TT&TT triển khai ngay quy định sử dụng công nghệ bắt buộc tại Bắc Ninh, Bắc Giang và mở rộng ra toàn quốc.
Chia sẻ về chủ động tấn công ở mũi nhọn công nghệ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã cho biết, về mặt công nghệ, “tấn công” là sử dụng bắt buộc một số ứng dụng công nghệ chủ chốt và xử lý dữ liệu tập trung. Bộ TT&TT đã đề xuất người lao động trong các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp bắt buộc sử dụng ứng dụng Bluezone thực hiện khai báo y tế. Người dân sử dụng smartphone cài và bật ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần khi đến những nơi công cộng, nơi tụ tập đông người. Các địa điểm công cộng, các công sở, các cơ quan thực hiện kiểm soát người ra, vào bằng công nghệ quét mã QR.
Tính đến ngày 27/5, cả nước đã có hơn 33,4 triệu lượt cài đặt Bluezone (Ảnh: Trọng Đạt) |
Việc sử dụng Bluezone và bật Bluetooth khi đến những nơi công cộng, khi tiếp xúc đông người giúp cho chúng ta bảo vệ bản thân và cộng đồng, đồng thời giúp cho việc khoanh vùng, dập dịch, truy vết được nhanh. Khi có ca nhiễm mới, chúng ta sẽ chỉ phải cách ly những người có nguy cơ cao, thay vì cách ly nhiều người. Phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh, các cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.
Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone và hệ thống ghi nhận người vào, ra các địa điểm công cộng bằng mã QR nằm trong bộ giải pháp công nghệ đã được Bộ TT&TT đề nghị các địa phương triển khai áp dụng để phòng chống dịch Covid-19, trong “Tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng”.
Việc khai báo y tế và kiểm soát vào, ra các địa điểm công cộng như công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thông, cơ sở lưu trú, nhà hàng... bằng mã QR là việc làm cần thiết, giúp cho cơ quan chức năng có dữ liệu giúp công tác truy vết, khoanh vùng lây lan dịch được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn.
Đồng bộ, liên thông dữ liệu phục vụ chống dịch
Khai báo y tế điện tử thời gian qua được thực hiện trên trang https://tokhaiyte.vn của Bộ Y tế hoặc thông qua cài đặt và sử dụng một trong các ứng dụng: Bluezone, Tờ khai y tế (Vietnam Health Declaration), NCOVI. Các ứng dụng này cũng được sử dụng để quét mã QR ghi nhận người vào, ra các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, giai đoạn trước vẫn có tình trạng lưu trữ phân tán dữ liệu người dùng khai báo trên các ứng dụng.
Dữ liệu khai báo y tế và kiểm soát vào/ra địa điểm công cộng đều đã được tập trung về một hệ thống để phục vụ nghiên cứu, phân tích giúp phòng chống dịch bệnh (Ảnh: Trọng Đạt) |
Thực hiện yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, thời gian vừa qua, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT đã họp với các cơ quan Bộ Y tế và thống nhất dữ liệu khai báo y tế, dữ liệu kiểm soát vào ra đều được cập nhật về một nơi để phục vụ nghiên cứu, phân tích phòng chống dịch. Mô hình đồng bộ dữ liệu tổng thể giữa các ứng dụng, cấu trúc gói tin và chuẩn kết nối cũng đã được các đơn vị thiết kế xong trong tuần trước.
Trong thông tin chia sẻ với ICTnews ngày 27/5, đại diện Cục Tin học hóa cho biết: “Hiện nay, tất cả dữ liệu khai báo y tế điện tử từ các hệ thống do Ban chỉ đạo phòng quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chỉ đạo triển khai đều đã liên thông và tập trung tại hệ thống do Bộ Y tế và Bộ TT&TT quản lý”.
Trước đó, vào ngày 22/5, Cục Tin học hóa cho hay, cơ quan này đang phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cấp các ứng dụng để khai thác dữ liệu tập trung và cung cấp tài khoản cho các cơ sở y tế khai thác dữ liệu.
Liên quan đến việc khai báo y tế điện tử, ngày 25/5, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm việc khai báo y tế đối với các đối tượng được mở rộng hơn.
Cụ thể, các đối tượng phải khai báo y tế gồm: tất cả những người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; những người đang trong ổ dịch; những người cách ly tập trung; những người đi qua vùng dịch và/hoặc đi từ vùng dịch trở về; những công nhân làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh có dịch và các tỉnh lân cận; những người đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; những người đi tàu bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe buýt tuyến đường dài.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được đề nghị phát động phong trào, kêu gọi mọi người hưởng ứng, tự nguyện khai báo y tế toàn dân. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp thuộc diện bắt buộc phải khai báo y tế nhưng cố tình vi phạm theo quy định tại Nghị định 117 ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Vân Anh
Mở rộng đối tượng khai báo y tế điện tử phục vụ phòng chống dịch Covid-19
UBND các tỉnh, thành phố Trung ương vừa được đề nghị thực hiện nghiêm việc khai báo y tế với đối tượng mở rộng hơn gồm cả công nhân làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh có dịch và lân cận.