- 4 năm nhiệm kỳ tại Việt Nam, Đại sứ Úc Allaster Cox có một niềm vui đặc biệt, mà chỉ khi đến đây ông mới "khám phá" ra, đó là theo đuổi bộ môn thể thao đua thuyền rowing ngày cuối tuần.

Nhấp ngụm cà phê đen phin pha sữa nóng bên Hồ Tây, Đại sứ Allaster Cox hứng khởi khoe: "Bạn biết không, chèo thuyền bơi ra đến giữa hồ, lặng yên neo lại đó, mọi thứ tĩnh lặng, không gian trong lành, xa xa chỉ có vài người đánh cá mải miết tập trung vào cần câu. Không ai quấy rầy bạn, không tiếng ồn dội đến. Nhưng từ đó, bạn vẫn có thể quan sát được nhịp sống hối hả tất bật trên con đường vòng quanh hồ. Đó là cảm giác tuyệt vời, thú vị, độc nhất mà tôi chưa từng trải qua khi công tác ở những nơi khác".


Đua thuyền rowing - sở thích Đại sứ Allaster Cox khám phá ở Việt Nam

4 năm công tác tại Việt Nam, Hà Nội là thành phố để lại cho Đại sứ nhiều ký ức, kỷ niệm, song một trong những điều thú vị và tuyệt vời nhất là làm quen và trở thành một "fan" của bộ môn thể thao đua thuyền rowing.

Là người ưa thích thể thao, ông từng theo đuổi một bộ môn thể thao "quý tộc" không kém đua thuyền rowing là thuyền buồm. Đến Hà Nội không lâu, chỉ ngay sau khi thu xếp công việc ổn định, ông bắt đầu tìm hiểu liệu ở đâu quanh Hà Nội có một trung tâm hay câu lạc bộ để ông tiếp tục sở thích đó. Một vài người bạn nói rằng thật gay là ở Hà Nội không có chỗ như ông muốn, nhưng gợi ý đua thuyền rowing có thể là lựa chọn mới thú vị.

"Tôi gật đầu ngay và bắt đầu học bơi thuyền rowing. Dạy tôi là một huấn luyện viên người Việt. 6 tháng tham gia học ở Trung tâm huấn luyện đua thuyền quốc gia Hồ Tây, tôi có thể sắm thuyền và chèo thành thục".Allaster Cox nói

Và, cứ vào ngày nghỉ cuối tuần, trừ những chuyến công tác đặc biệt và những công việc bất khả kháng, ngài Đại sứ lại diện đồ thể thao, lái xe Vespa từ nhà riêng ở phố Lý Thường Kiệt đến Câu lạc bộ đua thuyền Hồ Tây - Trung tâm huấn luyện đua thuyền quốc gia để chơi môn thể thao này.


Chiếc thuyền đơn rowing của Đại sứ Úc không kém cạnh thuyền đua chuyên nghiệp của vận động viên

"Ông ý chơi rất đều đặn, hiếm khi thấy vắng mặt. Ngày cuối tuần nào không thấy ông đến chỉ có thể là đi công tác ở tỉnh xa" - ông Nguyễn Văn Thắng, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Canoeing Việt Nam vui vẻ trò chuyện về một "ông Tây" đặc biệt của Trung tâm huấn luyện đua thuyền quốc gia Hồ Tây.

Một cán bộ ở Trung tâm huấn luyện đua thuyền quốc gia cũng tiết lộ chiếc thuyền đơn rowing của ngài Đại sứ Úc trị giá 100 triệu đồng, là loại thuyền đắt tiền, chỉ đứng sau loại 1 của các vận động viên chuyên nghiệp ở nước ngoài. Mỗi năm, ông đóng phí hai lần để cất giữ thuyền tại Trung tâm.

4 năm "kết bạn" với đua thuyền rowing, Đại sứ Allaster Cox kết bạn với kha khá bạn bè Việt Nam, những cán bộ, huấn luyện viên ở Câu lạc bộ đua thuyền Hồ Tây - Trung tâm huấn luyện đua thuyền quốc gia.


Cuối tuần là thời gian Đại sứ Allaster Cox dành cho đua thuyền ở Hồ Tây

"Có một mình ông là người nước ngoài chơi ở đây sao?". Tôi hỏi có vẻ ái ngại như ngài Đại sứ không có bạn người nước ngoài sẽ buồn. "Ồ, có mỗi mình tôi là người nước ngoài chơi ở đây, ngoại trừ ông huấn luyện viên cho đội tuyển cũng là người Úc thì bận việc chuyên môn. Có bạn người nước ngoài hay không thì có sao? Tôi đến đây để bơi thuyền và thực sự cảm thấy thư giãn, thoải mái, thích thú với môn thể thao đua thuyền rowing ở Hồ Tây này".

Làm quen với môn thể thao quý tộc, khá tốn kém ở Hà Nội, Đại sứ Allaster Cox cũng tỏ ra ngạc nhiên vì bộ môn thể thao này mới du nhập Việt Nam nhưng phong trào tập luyện và theo đuổi bộ môn này của các vận động viên ở cấp địa phương và quốc gia khá sôi nổi. Ấn tượng nhất đó là việc Việt Nam đoạt huy chương vàng trong các kỳ SEAGAMES và đây là môn tủ để rinh huy chương ở các cuộc thi khu vực và quốc tế.

Với bạn bè tại Trung tâm huấn luyện đua thuyền quốc gia
Cá nhân ông luôn ủng hộ bộ môn đua thuyền rowing của Việt Nam với việc tìm kiếm và giới thiệu các huấn luyện viên có chuyên môn tốt cho đội tuyển Việt Nam. Một trong những sự ủng hộ gián tiếp khác, đó là cấp visa cho các huấn luyện viên và vận động viên Việt Nam sang Australia tập huấn. Ông kỳ vọng đua thuyền rowing Việt Nam sẽ lớn mạnh, phát triển nhanh chóng, và đặc biệt các vận động viên Việt Nam sẽ được huấn luyện các kỹ thuật mới nhất để đạt những thành tích cao hơn.

Ngày thứ bảy giáp Tết Nhâm Thìn, Hà Nội rét đậm kéo dài. Bị lỡ một tuần không bơi thuyền vì mưa nên khi trời lặng gió, Đại sứ Allaster Cox lại đến Trung tâm huấn luyện đua thuyền quốc gia Hồ Tây. Một thói quen của ông dù thời tiết buổi cuối tuần vẫn rét đậm và cũng vì lời mời ông tới tiệc cuối năm của các vận động viên đội tuyển quốc gia và địa phương.


Tranh thủ thời gian, vào nhà kho, ông vác thuyền ra sân để lau chùi và kiểm tra kỹ thuật. Một vài vận động viên trò chuyện, hỏi thăm. Ngài Đại sứ, giọng lơ lớ tiếng Việt, trò chuyện vui vẻ những câu chuyện phiếm, về thuyền, về máy móc...

Một nhóm vận động viên chuẩn bị đốt lửa trại, khai tiệc. Ngài Đại sứ áo thể thao, quần jean vui vẻ tham gia, chúc tụng huấn luyện viên, vận động viên. Chốc lát, ông lại hối hả lên xe về trung tâm để chuẩn bị cho bữa tiệc của Đại sứ với những khách mời riêng quan trọng tại tư gia.

Hình ảnh một buổi cuối tuần tại Trung tâm huấn luyện đua thuyền quốc gia Hồ Tây của Đại sứ Allaster Cox:


Chuẩn bị thuyền

Đưa thuyền ra bến
Sẵn sàng tay chèo








Đại sứ Allaster Cox: Đó là cảm giác tuyệt vời, thú vị, độc nhất mà tôi chưa từng trải qua

Xuân Linh - Ảnh: Lê Anh Dũng

Tiếp : Xem đại sứ uốn thép xây nhà từ thiện