- "Hơn 10 năm trước, đi giám sát một số tỉnh thành khu vực Tây Nguyên, tôi đã bắt đầu nhận ra dấu hiện mất rừng. Nhưng đến đợt vừa rồi quay lại một số tỉnh thì đã thấy nhiều địa bàn trống trơn, không còn sót lại một cánh rừng nào", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phát biểu trong phiên họp đánh giá hiệu quả thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay (11/10).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhiều nhận định lạc quan về hiệu quả dự án, nguồn lợi kinh tế mang đến cho người dân, tốc độ phủ kín đất trống đồi trọc. Tuy nhiên, nhiều thành viên UBTVQH tỏ ra hoài nghi về những con số trên, và đưa ra không ít dẫn chứng minh họa.

Chỉ còn trơ lại đất

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Khoa nêu thông tin, sau 13 năm thực hiện dự án (từ 1998 đến nay), độ che phủ rừng tăng từ 32% lên 39,5%, được xem là tương đối cao so với nhiều nước khác.

 Người dân ở một tỉnh biên giới đang chỉ cho phóng viên VietNamNet khu vực đất rừng giao cho người nước ngoài thuê. Ảnh: VietNamNet

Tuy nhiên, theo thẩm tra của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, độ che phủ rừng chưa đồng đều. Trong khi tỷ lệ che phủ ở một số tỉnh thuộc Đông Bắc, Bắc Bộ xấp xỉ 50% thì vẫn còn một số nơi, con số này chỉ đạt hơn 10% (Tây Ninh: 11,4%, Bà Rịa - Vũng Tàu: 12,9%).

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước chia sẻ, hơn 20 năm trước, đi vào nhiều khu vực trong Tây Nguyên phải mang theo dao, cuốc để vừa đi vừa mở đường. Một số khu vực nằm trên trục Quốc lộ 14 là những cánh rừng rậm rạp, nhưng nay chỉ còn trơ lại đất.

Trong chuyến khảo sát năm 1999, ông đã phát hiện nhiều dấu hiệu phá rừng, và đến nay quay lại, nhiều địa bàn trống trơn. "Hầu như những khu vực tôi từng đến chỉ thấy rừng mất đi chứ không hề tăng", ông Ksor Phước nói.

"Đi đến đâu tôi cũng thấy diện tích rừng càng thu hẹp dần", Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa tiếp lời.

Ông Khoa dẫn chứng, đi từ Quốc lộ 22 đoạn hơn 100km từ Phú Thọ lên Sơn La chỉ còn lại một cánh rừng, nhưng cũng đã bị "rút lõi" khai thác hết gỗ quý. Dọc tuyến biên giới Lạng Sơn hơn 100km không còn bóng dáng cánh rừng nào.

Điều khiến ông Khoa trăn trở là vấn đề mất rừng, nạn phá rừng đã được cảnh báo nhiều trên các diễn đàn Quốc hội nhưng không chuyển biến là bao. Các báo cáo giám sát của Quốc hội năm 2002, năm 2005 đều đưa ra những khuyến cáo về tình trạng chặt phá rừng, sự tiếp tay của chính quyền... nhưng tình hình không được cải thiện.

Các thành viên UBTVQH cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác dẫn đến mất rừng, đó là tình trạng phá rừng để làm thủy điện, nạn cháy rừng.

Ngoài ra, theo Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, việc cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất lâm nghiệp cũng gây bức xúc trong dư luận. Giá thuê đất quá thấp trong khi dân địa phương có nhu cầu trồng rừng, một số tỉnh còn cấp giấy chứng nhận đầu tư ở những địa bàn trọng điểm quốc phòng an ninh và trên các diện tích đã giao cho dân quản lý.

Nhập khẩu 80% nguyên liệu gỗ

Ngoài vấn nạn mất rừng, UBTVQH còn bày tỏ quan ngại hiệu quả kinh tế của chủ trương trồng mới 5 triệu ha rừng.

Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ gỗ năm 2010 đã đạt 3,55 tỷ USD. Nhưng đáng chú ý là Việt Nam đã phải nhập tới 80% nguyên liệu để sản xuất gỗ xuất khẩu. Đây cũng là những con số cần suy nghĩ và đánh giá để rút ra hiệu quả kinh tế thực sự. Diện tích trồng rừng lớn (13,3 triệu ha) nhưng sản lượng gỗ hiện quá thấp.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, dự án đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo thay đổi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thu nhập bình quân của người làm nghề rừng từ 6 - 10 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Khoa, người dân trồng rừng sống ở các khu vực biên giới hầu như không thể sống được bằng rừng. Thậm chí, vì kế sinh nhai, đồng bào đã phải chặt phá rừng để làm nương rẫy. Ở nhiều nơi, rừng vẫn còn nhưng "lõi" đã mất, gỗ quý bị khai thác cạn kiệt.

Nhiều thành viên UBTVQH cho rằng phải có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân trồng rừng kinh tế. Chỉ sống được bằng rừng và gắn bó với rừng, dân mới chủ động tích cực tham gia vào việc giữ gìn tài nguyên.

"Dân thấy được lợi ích kinh tế từ rừng sẽ tự nguyện tham gia bảo vệ rừng... Nếu đời sống người dân khu vực lân cận không được đảm bảo thì rừng sẽ còn bị phá. Không có dân thì cho dù lực lượng chính quyền có mạnh đến đâu cũng thất bại", Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý.

Cũng theo phân tích của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường, việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa được thực hiện tốt, chậm tiến độ. Mức giao đất lâm nghiệp bình quân cho dân còn thấp, chỉ mới dừng ở 5 - 6 ha/hộ chưa đủ để dân có thu nhập từ rừng.

Thường trực UB đề xuất Chính  phủ sớm phát triển thị trường lâm sản và công nghiệp chế biến gỗ, ưu đãi về vay vốn tín dụng cho trồng rừng và tăng suất đầu tư cho bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh. Ngoài ra, đổi mới mô hình quản lý theo chức năng từng loại rừng để nâng cao trữ lượng rừng và bảo đảm chính sách cho người dân hưởng lợi trực tiếp từ rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Quốc hội cho phép Chính phủ trong giai đoạn 2011 - 2020 triển khai việc phát triển rừng theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia.

Từ năm 2006 - 2010, trong cả nước đã xảy ra 36.461 vụ chặt phá rừng, làm mất 19.380 ha đất rừng và 100.000 m3 gỗ.
Lê Nhung