Cũng như bao thứ khác, đôi khi chúng ta cũng chọn sai người yêu, thậm chí bạn đời. Lý do vì lúc tìm hiểu, chúng ta chỉ thấy một phần tính cách của người ấy. Mà đó lại là những điều người ấy cố tình để cho mình thấy. Vì lẽ đó, lúc mới quen, đối tượng mình yêu và yêu mình sẽ luôn tìm cách làm những việc thuận ý, đúng với mong chờ của ta.

Mặt khác, buổi đầu yêu đương, người ta thường “choáng ngợp” trong cảm xúc nên dễ dàng bỏ qua những chi tiết chưa phù hợp, thậm chí không thể chấp nhận được của người kia. Có những người mụ mị đến mức, ai nhìn vào cũng thấy cô ấy/anh ấy không tốt, không hợp nhưng trong lúc đó họ đều phớt lờ. Trái tim một khi đã trúng mũi tên tình yêu thì lý trí gần như bị tê liệt.

Ảnh minh họa: 163

Con người chỉ thoát ra được cảm xúc lâng lâng khi thật sự có quá trình tìm hiểu dài hơn, trải qua những sự cố trong đời sống để có thể quan sát kỹ ứng xử của người yêu. Có người, sau khi trải qua một khoảng thời gian thất nghiệp, nhan sắc bị ảnh hưởng do stress mới nhận ra, người thương mình không thật quan tâm và chia sẻ. 

“Anh ấy chỉ đến khi tôi lung linh, tôi còn điều kiện chứ chưa thật chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ trong lúc tôi khó khăn, cần một điểm tựa để đứng lên. Mà cuộc sống đâu phải lúc nào cũng thuận lợi, tình yêu và hôn nhân đâu phải khi nào cũng màu hồng”. Có những lần người viết đọc được dòng trạng thái kiểu như vậy ở những người bạn của mình. 

Thật vậy, tình yêu, tình nghĩa vợ chồng phải trải qua thử thách mới biết bản lĩnh của người thương, cũng như hiểu được bản chất của họ, cùng tình cảm mà họ dành cho mình. Khi đó, có những người sẽ vỡ òa nhận ra, đây là một nửa của mình vì tình cảm lớn lao mà họ dành cho. Không chỉ dắt nhau đi giữa vườn hoa mà còn dìu nhau đứng dậy, đi qua những khúc quanh. Thực sự, những lúc như vậy tình yêu, tình nghĩa vợ chồng mới được “tích điểm” để bền lâu.

Có một câu hỏi thường gặp, là làm gì khi nhận ra người thương bên cạnh không phù hợp hay có nhiều tật xấu khó bỏ mà trước đó mình chưa thấy? 

Tất nhiên, là giãi bày để hoàn thiện cho nhau, bởi không ai hoàn hảo và không phải lúc nào người ta cũng luôn dễ chịu, dễ thương, chu đáo... “Em/anh thích anh/em như thế này. Em/anh không mong anh/em sẽ lặp lại điều này”. Chúng ta có thể nói những mong muốn của mình để họ lắng nghe và sửa.

Một người thương ta thật lòng chắc chắn sẽ cùng ta kiến tạo con đường cho cả hai cùng đi thay vì phớt lờ hoặc bỏ mặc ta một mình cố gắng đắp xây, còn họ thậm chí là phá vỡ từng viên gạch nhỏ mà ta chăm chút cho cuộc yêu hay tổ ấm của hai người.

Khi không thể “cứu chữa” mà cũng không còn có thể chấp nhận thói xấu, sự vô tâm của người thương thì việc chọn giải pháp dừng lại chính là con đường tất yếu. 

Lệ thuộc vào một người rồi mệt mỏi chịu đựng lâu ngày đến mức thành “thói quen” là lúc ta đã không thật thương chính mình. Đến lúc này, khổ đau trong mối quan hệ đó là do ta chứ không còn là lỗi ở người nữa. Bởi, ta không thương mình đúng đắn thì làm sao có thể đòi hỏi hay mong muốn ai đó thương ta trọn vẹn được?

Chia tay văn minh

Một người chị đồng nghiệp của tôi đã chọn chia tay chồng dù biết, sau phiên tòa li hôn chị sẽ phải vất vả hơn trong việc nuôi hai con nhỏ. Cũng có người nói, li hôn tội nghiệp bọn nhỏ, thiếu bố hoặc mẹ rất đáng thương.

Chị có cân nhắc, có lung lay và đã cố gắng để thay đổi thói trăng hoa, sự lạnh nhạt của chồng nhưng rồi đâu lại vào đó. “Con tôi không thể có hạnh phúc khi ở bên một người bố lừa dối vợ con, trăng hoa bên ngoài”, chị nhận ra và chia sẻ cứng rắn trước tòa.

Tất nhiên, để con trẻ phát triển bình thường thì tốt nhất nên có cả bố mẹ bên cạnh. Nhưng có những trường hợp, sẽ tốt hơn cho trẻ… nếu bố mẹ li dị, vì ở cùng mà phải chứng kiến sự cãi vã suốt ngày còn xấu hơn nhiều. 

“Con cái sẽ không thể nào có hạnh phúc khi mẹ lúc nào cũng đau khổ vì bố mình ngoại tình”, đó là lý do để chị quyết tâm chia tay.

Nhưng làm sao chia tay trong văn minh? Đây là câu hỏi mà VietNamNet đã đặt ra với ThS. Tâm lý Phạm Đình Khanh, giảng viên trường Đại học Văn Hiến (TP.HCM).

ThS. Khanh chia sẻ: “Mỗi cặp đôi, dù là người yêu hay vợ chồng cũng đều nên giữ nguyên tắc tôn trọng nhau, ngay cả khi xảy ra tình huống xấu nhất. Đặc biệt, với những cuộc hôn nhân đổ vỡ, bố mẹ li hôn thì phải đặt lợi ích, cảm xúc của đứa trẻ lên cao nhất”.

ThS. Tâm lý Phạm Đình Khanh

Theo anh Khanh, khi đó, bố mẹ cùng ngồi lại với con và nói cho con biết là sắp tới bố mẹ không sống cùng con nữa nhưng cả hai vẫn rất yêu con, sẽ chăm sóc thật tốt cho con. Thông tin này có thể hơi sốc với con nhưng các con cần biết để thông cảm, dần chấp nhận. 

ThS. Đình Khanh khuyên, người lớn không nên vì cái tôi cá nhân của mình mà gây tổn thương nhau và tổn thương con cái. Đừng quên, các con là kết quả của lúc mặn nồng, của cuộc hôn nhân mà trước đó mình lựa chọn. 

Ghen tuông mù quáng làm đổ vỡ mối quan hệ

ThS. Phạm Đình Khanh lưu ý, trong tình yêu, hôn nhân không thể tránh được việc ghen tuông nhưng đừng mù quáng, đừng để nó chiếm ngự khiến mình bất an, nói và làm những điều gây tổn thương người yêu, bạn đời. 

“Hãy quan sát chính mình để có sự thực tập giúp cơn ghen, sự nóng giận được chuyển hóa. Đó là phương pháp hít thở, chú ý hơi thở, quan sát biểu hiện tâm lý mà mình đang trải để bình tĩnh lại”, ThS. Khanh đề nghị.

Anh Khanh cho rằng cần ghen lành mạnh, nếu làm quá trong cuộc ghen không đáng sẽ khiến tình cảm dần “đóng băng”, càng tạo nên khoảng cách.