Có lẽ, việc lì xì cho trẻ con khiến nhiều người ám ảnh trong dịp Tết. Cũng khá nhiều người sợ Tết bởi việc lì xì. Tình cảm người lớn dành cho trẻ con không còn là những lời chúc ý nghĩa nữa mà thay vào đó là giá trị của số tiền lì xì.
Ảnh: Internet |
Thời ấu thơ, tôi thường được người lớn lì xì bằng cái bánh cái kẹo, bằng cái xoa đầu đầy tình yêu thương. Hạnh phúc biết bao. Chỉ cần như thế cũng đủ để con trẻ cảm nhận niềm hạnh phúc của ngày Tết.
Giờ đây, những cái xoa đầu, những cái hôn lên má, những lời yêu thương chân thành từ người lớn dành cho con trẻ thật là hiếm hoi.
Dẫu biết rằng mỗi thời mỗi khác, nhưng thời đại nào đi chăng nữa thì hãy đặt tình cảm lên hàng đầu. Cần dạy cho trẻ nghĩa tình ngay từ nhỏ chứ đừng dạy trẻ tình cảm qua việc lì xì nhiều hay ít.
Nếu người lớn gieo cho trẻ “kinh doanh” sớm quá, hậu quả về sau sẽ rất lớn. Trẻ con lớn lên từ đồng tiền thì sau này cũng sẽ nặng tiền hơn tình.
Một xã hội sẽ như thế nào khi mối quan hệ lại được cân đo đong đếm bằng giá trị của đồng tiền?
Gia đình tôi rất nhiều cháu. Tôi rất ngại khi mọi người đến chúc tết khi tôi không ở nhà. Bởi lẽ một điều, khi người ta đến chúc tết, nếu tôi ở nhà, tôi thường nói các cháu “lánh mặt”.
Tôi muốn các cháu không nên trông chờ những đồng tiền xì lì từ người khác, gánh nặng cho người khác.
Sao việc lì xì lại khiến cho nhiều người sợ Tết? Cũng tại người lớn cả thôi. Người có tiền lì xì nhiều thì được trẻ con quý, người nghèo lì xì thì được trẻ con so đo tính toán, đôi khi lại là cái bĩu môi của con trẻ khi chúng nói chuyện với nhau.
Hãy dạy con trẻ sống nghĩa tình hơn trong dịp Tết sum vầy.
(Theo Phụ Nữ Online)