Chuyển nghề từ diễn viên điện ảnh và sân khấu sang làm quản lý một kênh truyền hình, nghệ sĩ hài Đức Hải vẻ như không bao giờ chịu đứng yên một chỗ. Lại lao vào làm cái mới, những việc mới, cho đến khi khán giả... chán cái mặt mình. Và khi "đứng yên" bên lề giới showbiz, anh lại có thời gian ngẫm về mình, về nghề và tái tạo năng lượng...
Gần đây, vụ lùm xùm "Giọng hát Việt" khiến các nhà sản xuất chương trình truyền hình cũng phải giật mình. Ở góc độ nhà sản xuất, theo anh, cần có ứng xử thế nào cho đúng mực với công chúng khi scandal bỗng đâu "rơi" xuống đầu mình?
- Bản chất của vấn đề, theo tôi, là khán giả bị tổn thương ghê gớm qua những vụ như thế. Không nên làm cho họ bị tổn thương! Đây chỉ là một cuộc chơi, phải tạo cho họ cảm giác thư giãn, thoải mái, nhiều cảm xúc. Còn nếu xem chương trình mà bức xúc, thậm chí phẫn nộ, tức tối, thì đúng là phản tác dụng. Đi làm về mệt mỏi, người ta cần được thư thái. Riêng tôi, về nhà ôm con, chơi với con đã là vui lắm rồi!
Một nhà sản xuất chương trình như anh mà lại không thèm xem truyền hình thực tế sao?
- Thì đấy, tôi vừa đóng xong chùm phim "Bếp của mẹ" dài 42 tập. Tôi thích làm những gì vui vẻ, những chuyện bếp núc, các món ăn bên này nấu cho bên kia, tình yêu thương giữa những thành viên gia đình... Không ưa những chuyện xung đột, kịch tính nữa. Đã nói là tôi dành tất cả cho gia đình, luôn là một ông bố bận rộn ngoài đời. Vừa rồi mới đưa con trai sang Anh trong đội hình Lotte đi thi đấu với Manchester United nhí. Hoặc suốt ngày đi đóng phim, giờ đến lúc phải ngồi tập viết cùng con, bút mực lem nhem cả tay. Bố một bên, con một bên. Thế là đủ!
Người ta nói, anh rời Rubic Chat một năm nay cũng vì... nhạt chuyện?
- Ồ không, đấu khẩu với một vài nhân vật cũng vui lắm chứ! Chẳng qua tôi đã hết hạn hợp đồng hai năm. Vả lại, cũng không muốn khán giả phải ngán mặt mình, khi họ luôn có nhu cầu nhìn một gương mặt mới.
Gần đây anh có xem bộ phim, vở kịch nào mới của sân khấu TPHCM không?
- Của đáng tội là không còn thời gian để xem nữa!
- Tạm xa showbiz, liệu anh có thấm
thía những "đòn" đau ngấm lâu nào không? Nhất là khi anh bỏ Trường ĐH
Sân khấu Điện ảnh TPHCM, bỏ chức Trưởng khoa Đạo diễn hẳn hoi...?
- Nghĩ về nghề thì nhiều lắm! Chẳng hạn, có mỗi chuyện phong NSND, NSƯT thôi mà có quá nhiều lỗ hổng từ trước đến giờ mà chả ai nhận ra, hoặc không muốn nhận ra. Tại sao phải để nghệ sĩ kiện tụng, chất vấn người này xứng đáng, người kia không, người này phải làm đơn, mà người kia không thèm làm đơn cũng được phong tặng? Thế các hội điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật... để làm gì nếu không phải là người chăm sóc, bảo vệ văn nghệ sĩ? Tại sao các hội không đứng ra tổng kết xem hội viên của mình ai được huy chương vàng, bạc, giải thưởng hằng năm, rồi phối hợp phường chứng thực không "tiền án, tiền sự", không bị kỷ luật, nếu đạt thì xét tặng?
Chuyện nữa, là nền giáo dục của mình đang chạy theo những điều không đúng thực chất. Ở những trường năng khiếu, vai trò của người thầy rất quan trọng, thầy phải là ngôi sao, có tư cách. Còn bây giờ có thực vậy không? Nhiều thầy giỏi ở trường tôi từng dạy đã ra đi, như thầy Chánh Trực. Một số thầy ở lại cũng thấp thỏm chưa yên, cũng muốn bỏ đi. Mà người ở lại thì không có tên tuổi. Nếu cứ đà này, những cơ sở tư nhân chỉ cần hội đủ các giáo viên giỏi dạy cho diễn viên điện ảnh, sân khấu các môn múa, hát, đàn, diễn xuất thì thế nào cũng hút hết người học về. Trong khi nhà nước bỏ tiền tỉ để xây trường mà không níu giữ học trò được.
Còn vì sao tôi rời trường ư? Là vì tôi thấy chán và tự thấy mình cần thay đổi, nên muốn tạm xa việc giảng dạy, để chuyển sang môi trường mới. Ở đó, với cương vị phó tổng giám đốc, tôi phụ trách nhân sự và chuyên môn, vừa lo sản xuất chương trình, xây dựng format, rồi phân công, điều phối biên tập viên, quay phim, đạo diễn...
Và lại lao vào làm phim, mặc cho phim truyền hình đang chết bởi cái sự nhàn nhạt, giống nhau?
- Phim truyền hình Việt đang chết, đó là tâm trạng chung. Nếu bật kênh truyền hình tiếng Việt lên thì có tới 70% là phim Hàn Quốc, nhiều đến nỗi khán giả nhớ mặt và tên diễn viên Hàn còn hơn diễn viên Việt! Nhiều kênh quá mà không kịp sản xuất chương trình, nên kênh nào cũng khá giống nhau. Đây cũng là một giai đoạn cần phải có, để tự sàng lọc và vượt qua.
Quay trở lại với sân khấu, dường như kịch nói đang cố câu khách bằng cảnh nóng, ngày càng lộ liễu và phi nghệ thuật hơn, thay vì những cảnh cười ra nước mắt như nhân vật Chí Phèo của anh ngày trước?
- Thực ra, với văn hóa phương Đông, người ta tiếp cận cảnh nóng thì thấy ghê gớm. Nhưng sau một thời gian mở cửa, những chuyện phòng the, đồng tính... không còn nóng nữa. Cũng chẳng có gì mới lạ cả! Chỉ có điều, chúng ta luôn luôn thiếu những kịch bản hay. Tìm những vở hay khó lắm! Vì lâu lắm mới có một nhà văn như Nguyễn Ngọc Tư, cũng như sân khấu khó mà tìm được một Sĩ Hanh, Lưu Quang Vũ ngày trước...
- Xin cảm ơn anh.
Theo Laodong