Xử lý ra sao các sai phạm trong lĩnh vực quảng cáo, kiểm soát thông tin quảng cáo trên các phương tiện thông tin như thế nào, bộ nào sẽ cầm trịch lĩnh vực này... là các nội dung được thảo luận trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (26/9).
Tin quảng cáo, có khi... chết oan
Kể lại chuyện mua hàng vì tin theo lời quảng cáo trên một kênh truyền hình uy tín nhưng rồi chất lượng không như ý, ông Phan Xuân Dũng đề nghị dự thảo luật phải có chế tài mạnh hơn với những quảng cáo "nói quá lên về chất lượng sản phẩm".
Theo kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay có nhiều quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực mà người tiếp nhận quảng cáo không biết khiếu nại đến ai. Nhưng, dự thảo luật chỉ quy định chung chung rằng người kinh doanh quảng cáo và phát hành đều phải chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Dự thảo luật đưa ra nhiều quy định "siết" quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, kênh truyền hình trả tiền, báo điện tử... Ảnh: Ngọc Thắng |
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lấy dẫn chứng, hiện có rất nhiều quảng cáo làm đẹp, nhất là dịch vụ tắm trắng. Và nếu cứ tin theo tất cả những lời quảng cáo như vậy sẽ có không ít người phải chết oan. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng hình ảnh, lời nói của những tổ chức, cá nhân uy tín để quảng bá cho sản phẩm, càng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Theo bà Mai, dự thảo luật phải đưa ra một cơ chế hợp lý hạn chế các quảng cáo như trên để bảo vệ người tiêu dùng.
Ngay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, tình trạng quảng cáo hiện nay đang loạn. Do đó, ban soạn thảo luật phải tính toán để khắc phục được hiện tượng quảng cáo không trung thực.
"Quảng cáo là đưa rộng thông tin của mình ra. Nhưng đưa thông tin sai thì xử lý ra sao? Nếu không thì loạn vẫn cứ loạn. Đừng mang tiếng là có luật mà quảng cáo vẫn loạn", ông Hùng nói.
'Siết' quảng cáo?
Dự thảo luật cũng đưa ra nhiều quy định "siết" quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, kênh truyền hình trả tiền, báo điện tử...
Theo kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, hiện nay, nguồn thu duy nhất của các báo điện tử đều từ quảng cáo. Trong số 34 báo điện tử và 66 trang thông tin điện tử, chỉ có 3 báo điện tử hoạt động hòa vốn hoặc có lãi là Dân trí, VnExpress và VietNamNet. Các báo còn lại đều lỗ.
Điều 26 dự thảo luật quy định quảng cáo trên báo điện tử không vượt quá 25% diện tích mỗi trang thể hiện trên khuôn hình.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, việc hạn chế nguồn thu từ quảng cáo sẽ dẫn đến tình trạng báo điện tử không đủ kinh phí để chi cho hạ tầng công nghệ, thuê máy chủ, băng thông, đường truyền và nhân lực.
Mặt khác, do đặc thù về tính năng, công nghệ của phương tiện điện tử, diện tích mỗi trang báo có thể kéo dài bằng cách di chuột trên thanh cuốn bên phải màn hình. Hơn nữa, bên cạnh phần quảng cáo cố định trên khuôn hình máy tính, có thể phóng to, thu nhỏ tùy theo ý muốn độc giả. Việc quy định tỷ lệ cứng về diện tích quảng cáo trên báo điện tử là khó khả thi.
Mặt khác, công nghệ hiện nay cho phép tích hợp thông tin đa phương tiện. Cùng một thông tin có thể truyền tải trên nhiều loại phương tiện khác nhau như máy tính, tivi, điện thoại... Quy định cứng nhắc về diện tích quảng cáo trên báo điện tử sẽ khó áp dụng cho những phương tiện thông tin tương tự.
Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, quy định tỷ lệ như vậy là phù hợp để đảm bảo công bằng giữa các loại hình báo chí.
Mặc dù vậy, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ chưa đồng tình với giải thích này. Bà Trương Thị Mai cho rằng, việc đưa ra tỷ lệ cứng về quảng cáo trên báo chí như vậy chưa hợp lý và chưa có cơ sở. Đặc biệt là với báo điện tử. Do đặc tính công nghệ, báo điện tử có thể thay liên tục quảng cáo trên trang chủ, do đó, khống chế tỷ lệ quảng cáo trên báo điện tử là 25% để chứng tỏ sự bình đẳng với các phương tiện thông tin khác không có ý nghĩa. Ban soạn thảo nên cân nhắc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, dự thảo luật thay thế pháp lệnh phải khắc phục được các tồn tại hiện nay về quảng cáo. Do đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa hợp lý.
Lê Nhung