- Khi bàn về việc dừng mỏ sắt Thạch Khê hay không, một chuyên gia kinh tế đặt vấn đề: “Nếu dự án còn đang nằm trên giấy, chờ xin phép thì nói dừng còn đơn giản. Nhưng một khi đã rót vốn đầu tư thì mỗi quyết định đều phải trả giá bằng tiền, có khi lên đến cả ngàn tỷ".

Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, giá trị xấp xỉ 35 tỷ USD (doanh thu cả đời dự án). Sau những hoạt động thăm dò ban đầu, kể từ năm 2011 đến nay, dự án vẫn gần như trong tình trạng án binh bất động. Câu chuyện của sắt Thạch Khê bắt đầu 'nóng” trở lại khi cuối năm 2016, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã trình Thủ tướng việc tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, việc hồi sinh mỏ sắt này vấp phải nhiều ý kiến khác nhau.

1.600 tỷ đồng sẽ về đâu?

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kiến nghị Chính phủ cho dừng dự án với những lo ngại liên quan tới năng lực chủ đầu tư và tác động môi trường. Còn phía Bộ Công Thương và chủ đầu tư đều vẫn muốn được tiếp tục và khẳng định dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội.

Được biết, qua quá trình chuẩn bị, tổng chi phí mà Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) đã đầu tư vào dự án (tính đến 11/2016) lên tới gần 1.600 tỷ đồng. Trong đó lập dự án, thiết kế kỹ thuật là hơn 400 tỷ; địa chất, trắc địa, môi trường và rà bom mìn và 34 tỷ; bóc đất tầng phủ hơn 434 tỷ; mua một số loại xe, máy xúc, máy cẩu hơn 126 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 253 tỷ đồng...

{keywords}
Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Trong trường hợp dừng dự án, đồng nghĩa với việc có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp, trong đó đa số là vốn nhà nước từ phần vốn góp của doanh nghiệp nhà nước là TKV và một phần vốn từ doanh nghiệp tư nhân.

Trên thực tế, ngoài số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đã được rót vào dự án và hàng tỷ USD thu ngân sách trong tương lai, việc dự án dừng triển khai cũng mang lại nhiều hệ luỵ cho cư dân trong vùng. Hiện các hộ dân đã được di chuyển đến khu tái định cư và các hộ dân chưa được giải quyết tái định cư đều bị ảnh hưởng đều đang lo lắng trước các thông tin trái chiều về dự án. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, số hộ bị ảnh hưởng là gần 3.000 hộ, không được cấp đất mới, không được tách hộ, 3-4 thế hệ cùng ở trong một nhà.

Đó là chưa kể số tiền đã bỏ ra thuộc Đề án 946 (đề án phát triển bền vững kinh tế xã hội các xã chịu ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê) với tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Giá trị thực hiện Đề án này ước đạt khoảng hơn 354 tỷ đồng.

Ngàn tỷ về đâu?

Cho đến thời điểm này, TIC vẫn khẳng định mỏ sắt Thạch Khê đủ điều kiện để triển khai và không có lý do gì để phải đình hoãn. Còn trong trường hợp buộc phải dừng thì phải có phương án xử lý thỏa đáng toàn bộ phần vốn góp mà các cổ đông đã bỏ ra.

{keywords}
Năm 2016 Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đề xuất hồi sinh dự án.

Liên quan tới số phận dự án này, một chuyên gia kinh tế cho rằng: “Nếu dự án còn đang nằm trên giấy, chờ xin phép thì nói dừng còn đơn giản. Nhưng một khi doanh nghiệp đã rót vốn đầu tư thì mỗi quyết định đều phải trả giá bằng tiền của doanh nghiệp”.

Theo vị này, vấn đề ở đây là cần phải làm rõ những yêu cầu từ phía Chính phủ với dự án mỏ sắt Thạch Khê. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý khi đã phê duyệt dự án nhưng sau đó lại đề xuất dừng triển khai.

Ngoài ra, theo vị này: “Việc phê duyệt dự án rồi lại đề xuất dừng sẽ ảnh hưởng tới không chỉ mang tới hình ảnh xấu về môi trường đầu tư của tỉnh mà còn của cả nước. Thử hỏi sẽ có nhà đầu tư nào dám rót vốn để rồi vì một quyết định mà cả ngàn tỷ đồng bỗng chốc tiêu tan?”.

Một vị khác thì thẳng thắn cho rằng: “Mỏ sắt Thạch Khê là một âu vàng lớn mà thiên nhiên ưu đãi cho Hà Tĩnh với doanh thu lên tới trên 35 tỷ USD, nộp ngân sách không dưới 10 tỷ USD, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động. Tôi cho rằng, cần có những đánh giá tác động môi trường, hiệu quả dự án bổ sung thận trọng trước khi nói dừng hay tiếp tục triển khai dự án. Còn về năng lực chủ đầu tư, có thể tái cơ cấu cổ đông để chọn doanh nghiệp đủ nguồn lực, năng lực thay thế”.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, đề cập đến câu chuyện “dừng hay không dừng” dự án mỏ sắt Thạch Khê, người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh, quan điểm của Thủ tướng đây là vấn đề phải có đánh giá, căn cứ khoa học, đánh giá về kỹ thuật, môi trường, hiệu quả kinh tế và tác động của dự án tới tăng trưởng, lợi ích của đất nước, lợi ích địa phương như thế nào.

Đáng chú ý, trước đây, rất nhiều lần chúng ta quyết tâm khai thác mỏ sắt khổng lồ này với quyết tâm: "Mỏ sắt Thạch Khê không thể để đắp chiếu mãi được", thì việc đề nghị dừng khai thác ở thời điểm này là một quyết định cần hết sức thận trọng. Điều này cần có có một cơ quan đánh giá một cách độc lập. Các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật, kinh tế, môi trường đánh giá kỹ việc này.

  Mạnh Quang